Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Những cách cải thiện trí nhớ hiệu quả

Tạp Chí Giáo Dục

Tập yoga cũng là một trong những cách cải thiện trí nhớ hiệu quả. Ảnh: T.L

Trong cuộc sống hiện đại, do công việc bận rộn, nhiều áp lực nên chứng sa sút trí nhớ ngày càng gặp ở nhiều người. Bệnh không chỉ xuất hiện ở những người cao tuổi mà còn xuất hiện ở người trẻ tuổi.
Mất trí nhớ tạm thời
Anh Nguyễn Minh Quang(Long An) cho biết: “Tôi năm nay 32 tuổi, gần đây tôi rất hay quên, đọc sách thì phải đọc đi đọc lại nhiều lần mới nhớ, nhiều lúc quên cả khóa cửa khi đi làm. Mặc dù chưa xảy ra vấn đề gì trầm trọng do tính hay quên này nhưng tôi cũng rất lo lắng”.
Mới 28 tuổi nhưng chị K.T (thủ thư một thư viện ở quận 1 – TP.HCM) lại quên trước quên sau. Điều này gây cho chị không ít phiền phức khi thường xuyên phải đi tìm giấy tờ, tài liệu. Ở nhà chị hay quên không tắt đèn khi đi làm, quên cả việc đón con buổi chiều, cũng may nhờ có cô giáo của con gọi điện nhắc nhở.
Cách đây 3 năm, sau một tai nạn giao thông phải phẫu thuật tại Bệnh viện Nhân dân 115 – TP.HCM, khi tỉnh dậy nhạc sĩ Sỹ Luân không nhớ mình là ai. Người duy nhất anh có thể nhận ra là mẹ. Còn mấy đứa em, người thân, bạn bè, đồng nghiệp… anh đều không nhớ được ai. BS. Hoàng Việt Hà, Bệnh viện Nhân dân 115 cho biết Sỹ Luân bị mất trí nhớ tạm thời, không phải do chấn thương đầu mà do nhiều nguyên nhân như tâm lý bệnh nhân bị sốc sau tai nạn, bị mất máu quá nhiều do chấn thương, thiếu ôxy vùng não dẫn đến tình trạng như thế.
Cũng theo BS. Hoàng Việt Hà thì: “Có rất nhiều lý do gây ra mất trí nhớ ngắn hạn. Có người trải qua một cơn tổn thương tâm lý, có người bị thiếu máu cũng bị tổn hại đến trí nhớ, có người bị thương tổn ở vùng não trí nhớ và cả những người bị trầm cảm, bị chứng mất tập trung nên cũng hay quên”.
Những cách cải thiện trí nhớ
Trong thời gian bị mất trí nhớ tạm thời, nghe theo lời khuyên của BS, nhạc sĩ Sỹ Luân sống chậm, sống vui. Từ lịch làm việc, lên kế hoạch chuyện gì, hẹn với ai anh đều ghi vào bộ nhớ của điện thoại, hoặc sổ tay. Buổi sáng, anh nghe một ca khúc trữ tình trước khi bước xuống giường. Buổi tối anh tập thiền, đọc kinh trước khi đi ngủ. Chính âm nhạc và kinh Phật là liều thuốc giúp đầu óc anh luôn tỉnh táo, thanh thản. Khi có một bất an nào đó trong người, anh sẽ dừng mọi việc lại để nghỉ ngơi. Tình trạng mất trí nhớ tạm thời của anh được khắc phục sau một năm.
BS. Hoàng Việt Hà cho biết: “Đểcải thiện trí nhớ hiệu quả, cần hóa giải stress bằng phương pháp thiền hay yoga, luyện tập thể lực ngoài trời như bơi lội, đi bộ, đạp xe, tập aerobic… Hoạt động thể lực làm cho tim tăng cung lượng máu tới não và các phủ tạng, khiến tinh thần phấn chấn, sảng khoái.“Tập thể dục” cho não bằng cách đọc sách, báo, lướt các trang web lành mạnh và bổ ích. Đồng thời, bạn nên chơi các trò chơi trí tuệ như ô chữ, cờ tướng (hoặc cờ vua) hay chơi một loại nhạc cụ nào đó. Cách này làm tăng lượng ôxy tới não, thúc đẩy quá trình dịch chuyển từ bộ nhớ ngắn hạn sang dài hạn.Bên cạnh đó là mộtchế độ dinh dưỡng đầy đủ và cân đối, nhiều rau, trái cây, giúp tăng cường các chất dinh dưỡng như lecithin (có trong dầu đậu nành, trứng, lạc, mầm lúa mạch, gan); vitamin C (trong cam, chanh, rau, quả); vitamin nhóm B (trong gan, thận, thịt nạc, sữa, yogurt). Não có chừng 50% nước cho nên bạn phải uống đủ nước (1.500-2.000ml mỗi ngày) để thủy hợp não dễ dàng. Thiếu nước hoặc mất nước nhẹ có thể làm gia tăng hormone stress, khiến não bị tổn thương, giảm thiểu trí nhớ.  Lối sống tích cực, lạc quan, cởi mở có tác động rất lớn trong việc giảm thiểu nguy cơ trầm cảm, nhất là đối với phụ nữ tiền mãn kinh, mãn kinh và những người lớn tuổi. Đồng thời, cách này còn cải thiện đáng kể trí nhớ cũng như các hoạt động trí tuệ nói chung”.
Phụng Diễm

 

Bình luận (0)