Những giờ thực hành có GV hướng dẫn sẽ lôi cuốn học sinh và tạo thói quen chủ động trong học tập |
Vừa qua, có dịp tham quan mô hình dạy học hiện đại ở một số nước tiên tiến, tôi nhận thấy phương tiện dạy học của họ cũng không hơn của chúng ta là mấy. Điểm khác biệt mang lại hiệu quả dạy, học đó chính là phương pháp dạy và học.
Ở các nước có nền giáo dục phát triển thì việc học tập được tiến hành hoàn toàn trên cơ sở tự nguyện. Giáo viên (GV) không cần phải nhắc nhở gì thêm về phương pháp, cách thức hay các yêu cầu cần thực hiện trong tiết học đó đối với học sinh (HS) của mình. Thực tế cho thấy ở nước ta để thực hiện phương châm “thầy chủ đạo, trò chủ động” không phải là điều đơn giản. Khó khăn trước mắt là điều kiện kinh tế, xã hội thêm vào đó là năng lực của đội ngũ giáo viên, ý thức trách nhiệm không cao của một bộ phận đội ngũ giáo viên, trong đó có cả người học. Chính vì thế việc đổi mới phương pháp giảng dạy là một việc làm cấp bách. Ngành giáo dục đang kêu gọi chống đọc – chép vì phương pháp thầy đọc – trò chép là một phương pháp truyền thụ kiến thức đã quá lạc hậu.
Ở các nước như Singapore, Hàn Quốc, Pháp… ngay từ bậc tiểu học, HS đã được xây dựng một thói quen đọc sách giáo khoa (SGK) và tài liệu tham khảo một cách tự giác. Vào đầu năm học, GV làm công việc giới thiệu những tài liệu liên quan. Riêng sách tham khảo thì học sinh tự mua hoặc tự tìm đọc ở thư viện của trường. Trước khi lên lớp HS đều có sự chuẩn bị bài ở nhà nhưng không hề thực hiện theo kiểu chiếu lệ. HS phải đọc kỹ, suy nghĩ và tìm cách lý giải những vấn đề nêu ở SGK. Khi lên lớp, GV giảng bài sâu hơn, từ đó HS dễ dàng tiếp thu và phát hiện những kiến thức mới. Trong tiết học GV chỉ khơi gợi, hướng dẫn và tổng kết. HS tự ghi chép những điều cần lưu ý, những gì có ở SGK thì không cần ghi lại (ghi lại những gì SGK đã có là điều tối kỵ vừa mất thời gian vừa tập cho HS thói quen xấu là lười đọc sách).
Những cách thức tạo thói quen cho HS làm việc, GV chỉ yêu cầu học sinh đọc, tìm hiểu bài, soạn bài mới thông qua hình thức trả lời câu hỏi ở SGK, đánh dấu các ý chưa rõ, chưa hiểu… Từ đó, GV hướng dẫn học sinh khám phá kiến thức của bài mới bằng hệ thống câu hỏi, hình ảnh, các thí nghiệm và thảo luận nhóm.
Thầy và trò cùng làm việc, GV ghi các đề mục chính lên bảng. Học sinh theo dõi SGK để xây dựng bài, chọn lọc các ý để ghi chép. Điều dễ nhận thấy là việc ghi chép của HS dễ dẫn đến tình trạng HS cùng một lớp nhưng khả năng làm việc và tiếp thu bài của các em không giống nhau. HS ghi đúng, có hệ thống nhưng cũng có không ít HS viết không kịp, viết lan man, thậm chí khi đọc lại, các em cũng không hiểu mình đã viết gì và nên hiểu như thế nào?
Bằng kinh nghiệm của mình, GV sẽ chỉ ra chỗ sai, hướng dẫn các em cách ghi chép, cách học và hệ thống bài từ SGK để tìm hiểu kiến thức mở rộng ở sách tham khảo. Thật đáng buồn khi ở Việt Nam vẫn còn một bộ phận nhỏ GV nghĩ rằng các em quen học những gì của GV cho chứ không quen học trên sách và tài liệu.
Sau khi dạy xong bài, GV tự xây dựng một bảng tóm tắt bài học (kiến thức trọng tâm) thay vì phải viết trên bảng hay đọc cho HS chép. Photo và phát cho mỗi em một bảng để tự học tập. Điều kiện thuận lợi để áp dụng phương pháp này là hầu như hiện nay, trường nào cũng đã được trang bị máy vi tính, máy photocopy. Tận dụng các thiết bị này để phục vụ việc dạy và học đã tiết kiệm được nhiều thời gian và tài chính.
Nguyễn Trung Bình (Cựu du học sinh Singapore)
Bình luận (0)