Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Những cách đơn giản giúp phòng ngừa cơn đau tim

Tạp Chí Giáo Dục

Tiêm phòng cúm; kiểm soát căng thẳng, lượng đường trong máu; hạn chế dùng điện thoại; tập thể dục thường xuyên… giúp ngăn ngừa các yếu tố nguy cơ gây đau tim.
Top 13 biện pháp giúp phòng tránh cơn đau tim
Tiêm phòng cúm
Người lớn trên 65 tuổi có nhiều khả năng gặp các biến chứng cúm gây tử vong, bao gồm các cơn đau tim. Bác sĩ tim mạch Allen J. Taylor, Chủ tịch khoa Tim mạch tại Viện Tim mạch và Mạch máu MedStar (Mỹ), cho biết, nhiều người không biết rằng nguy cơ bị đau tim tăng lên gấp 10 lần trong những ngày đầu và vài tuần sau khi bị nhiễm cúm cấp tính. Tiêm phòng cúm cũng có thể giúp bạn hạn chế khả năng mắc Covid-19, nguy cơ kép có thể gây chết người.
Kiểm soát mức độ căng thẳng
Căng thẳng có thể làm tăng hormone cortisol, dẫn đến sự gia tăng chất béo nội tạng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe tim mạch. Bên cạnh đó, căng thẳng có thể làm tăng adrenaline, một loại hormone kích thích phản ứng sợ hãi, tức giận, đồng thời làm tăng nhịp tim và huyết áp. Những hormone này có nồng độ cao sẽ gây ra phản ứng viêm trong cơ thể, do đó có thể dẫn đến các vấn đề về tim, bao gồm bệnh tim và đau tim.
Hạn chế dùng điện thoại
Một nghiên cứu gần đây của Hiệp hội Tâm lý Mỹ cho thấy, những người thường xuyên lướt mạng xã hội, kiểm tra email và các ứng dụng khác trên điện thoại thông minh thường căng thẳng hơn nhóm đối chứng. Nieca Goldberg, bác sĩ tim mạch và chuyên gia tình nguyện của Hiệp hội Tim mạch Mỹ, khuyến nghị, hãy tránh xa các thiết bị thông minh trong ngày nghỉ cuối tuần.
Sử dụng điện thoại thông minh quá lâu có thể không tốt cho tim.
Sử dụng điện thoại thông minh quá lâu có thể không tốt cho tim.
Tránh độc tố
Theo diễn giả Shae Leonard, bác sĩ chuyên khoa y học chức năng, các hóa chất trong thực phẩm chế biến như thuốc trừ sâu, rượu, nicotin, thuốc kích thích và chất tạo ngọt đều gây căng thẳng cho hệ tim mạch. Chúng gây stress oxy hóa, dẫn đến tổn thương mạch, tích tụ cặn và bệnh tim mạch.
Kiểm soát đường huyết
Lượng đường trong máu tăng là nguyên nhân dẫn đến tổn thương oxy hóa đối với động mạch, rối loạn chức năng nội mô, tăng huyết áp, sự tích tụ và tắc nghẽn cholesterol. Đây là các yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch, bao gồm cả đau tim.
Ngủ đủ giấc
Bác sĩ Beverly Yates, chuyên gia về bệnh tiểu đường người Mỹ, khuyến nghị mỗi người nên ngủ 8-9 tiếng mỗi đêm để phòng ngừa các vấn đề về tim mạch. Tạo và duy trì thói quen ngủ lành mạnh bằng cách đi ngủ cùng một thời điểm mỗi đêm, thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi sáng.
Tập thể dục
Tập thể dục thường xuyên giúp tim khỏe hơn, bơm máu hiệu quả hơn, làm giảm áp lực trong động mạch. Trên thực tế, 150 phút tập thể dục vừa phải (đi bộ) hoặc 75 phút vận động mạnh (chạy) mỗi tuần, có thể giúp giảm huyết áp và cải thiện sức khỏe tim mạch.
Bất kỳ bài tập nào cũng tốt hơn là không vận động. Bạn có thể đặt mục tiêu số bước mỗi ngày, leo cầu thang bộ hoặc tham gia nhiều hơn vào bất kỳ hoạt động nào yêu cầu vận động và mang lại niềm vui cho bạn.
Uống cà phê
Richard Collins, bác sĩ tim mạch tại Littleton, Colorado (Mỹ), cho biết, cà phê có tác dụng góp phần ngăn ngừa bệnh tim và tiểu đường. Một nghiên cứu từ Đức phát hiện ra rằng uống 4 cốc cà phê có thể giúp các tế bào nội mô (các tế bào lót bên trong mạch máu) hoạt động tốt hơn, do đó có thể giúp tim bơm máu hiệu quả hơn.
Uống một lượng cà phê vừa phải có thể ngăn ngừa bệnh tim và tiểu đường.
Uống một lượng cà phê vừa phải có thể ngăn ngừa bệnh tim và tiểu đường.
Bổ sung vitamin
Thiếu hụt B12 và folate trong chế độ ăn uống làm tăng sản phẩm chất thải tế bào homocysteine. Khi chất này tăng lên, nó gây viêm các tế bào nội mô lót các mạch máu trong tim, làm tăng độ đặc của máu. Sự kết hợp này gây ra các cục máu đông, dẫn đến bệnh tim và đột quỵ.
Hạn chế ăn mặn
Hiệp hội Tim mạch Mỹ khuyến nghị lượng natri tối đa nên tiêu thụ mỗi ngày là 2.300 mg. Ăn quá nhiều muối có thể gây rắc rối cho sức khỏe tim mạch vì natri là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây huyết áp cao, yếu tố nguy cơ của bệnh tim và các cơn đau tim.
Do đó, bạn nên cân nhắc lượng muối khi nấu ăn. Khi mua thực phẩm đóng gói, hãy nên kiểm tra bảng thông tin dinh dưỡng để xác định các sản phẩm có lượng natri trong tiêu chuẩn.
Không hút thuốc
Theo thời gian, hút thuốc góp phần làm tăng xơ vữa động mạch (mảng bám tích tụ trong động mạch), làm tăng nguy cơ mắc bệnh và tử vong do bệnh tim, suy tim hoặc đau tim.
Tránh uống quá nhiều rượu
Uống rượu thường xuyên hoặc uống quá nhiều rượu có thể làm tổn thương tim, dẫn đến các bệnh về cơ tim. Uống rượu thường xuyên cũng có thể làm tăng huyết áp, yếu tố nguy cơ của bệnh tim.
Chăm sóc sức khỏe
Lời khuyên của bác sĩ chuyên khoa tim người Mỹ Sonal Chandra là kiên trì thực hiện 20-30 phút thư giãn, chăm sóc bản thân để phòng ngừa các nguy cơ gây bệnh tim.
NT (theo khoahoc.tv)

Bình luận (0)