Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Những cách vừa học chữ vừa học nghề kỳ lạ

Tạp Chí Giáo Dục

Nằm ở phía đông thành phố Cleveland (Mỹ), Trung tâm sáng tạo Mayfield khác biệt hẳn với các trường khác.

Những cách vừa học chữ vừa học nghề kỳ lạ - Ảnh 1.

Học sinh sử dụng công nghệ thực tế ảo để học tại Trung tâm sáng tạo Mayfield – Ảnh: New York Times

Sự khác biệt đó không chỉ đến từ công nghệ thực tế ảo, những chiếc máy in 3-D hay kiến trúc mở… mà còn nằm ở những lời được khắc trên vách tường: "Thất bại là một phần của sự đổi mới, có lẽ là phần quan trọng nhất".

Học kết hợp thực hành

Thất bại mà được tán dương, thậm chí là được ca tụng, ở một trường trung học ư?

Vâng, một phần là vì đây không phải là một ngôi trường bình thường. Trung tâm gồm 4.300 học sinh từ mẫu giáo đến lớp 12 này là một ví dụ nổi bật của một cách tiếp cận giáo dục mà có thể khiến cho những phương pháp truyền thống trở nên lỗi thời.

Mô hình của Mayfield được mô tả là dựa trên dự án, lấy đội nhóm làm trung tâm, học kết hợp với hành: không những tiếp cận với công nghệ hiện đại nhất, trường còn hợp tác với bệnh viện Cleveland trong vùng các em học sinh trung học được học về tim phổi trong dự án dài 6 tuần của mình.

Những cách vừa học chữ vừa học nghề kỳ lạ - Ảnh 2.

Các cô cậu học trò làm việc với mô hình quả tim người – Ảnh: New York Times

87 học sinh từ lớp 9 đến lớp 12 được phân công những ca học về giải phẫu tim, cũng như những công nghệ y khoa tiên tiến để chữa bệnh tim.

Làm việc trong những nhóm 5 hoặc 6 người, các học sinh này đã dùng những vật liệu như gỗ mềm và xốp để tạo ra những mô hình 3 chiều cho thấy các vấn đề cụ thể trong quả tim, và các em trở nên hoàn toàn bị thu hút vào những mô phỏng thực tế ảo phức tạp cho phép các em thấy một stent đang được đặt vào động mạch bịt kín như thế nào.

Trong quá trình đó, các em không những được hướng dẫn bởi chính các thầy cô của mình mà còn bởi các nhân viên tại bệnh viện này.

Học tập mô phỏng nghề nghiệp

Khu học chính Unified ở Pasadena, bang California – nơi 65% học sinh được hưởng bữa trưa miễn phí hoặc giảm giá của chính phủ, hiện có 9 học viện áp dụng phương pháp "hướng nghiệp" cho các học sinh trung học của mình.

Đây là những môi trường học tập mô phỏng sát sao bối cảnh trong nhiều ngành nghề khác nhau, và gồm có một phòng thí nghiệm phát triển ứng dụng, một công đoàn tín dụng, một phim trường kỹ thuật số và thậm chí là một phòng xử án.

Tất cả đều được giám sát bởi những giáo viên cùng làm việc với ban cố vấn và những người hướng dẫn từ các ngành nghề trong vùng, trong đó có các tổ chức như McDonnell Douglas, Caltech, Kaiser Permanente và Saatchi.

Brian McDonald, người đứng đầu khu học chính này, gọi đây là phương pháp "học có kết nối" – kết nối nội dung học thuật với một khóa giáo dục kỹ thuật nghề nghiệp và cơ hội học tập dựa trên công việc. "Tôi thật sự nghĩ rằng đây là tương lai của giáo dục", ông nói.

Nhà trường 'bắt tay' doanh nghiệp

Những cách vừa học chữ vừa học nghề kỳ lạ - Ảnh 3.

Sinh viên điều khiển robot trong giờ học – Ảnh: New York Times

Toyota hiện có một số kế hoạch nhằm đưa học sinh vào những nghề sẽ gắn bó với công ty này, thông qua hợp tác với 256 trường trung học, các đợt thực tập mùa hè dành cho học sinh trung học, các chương trình lấy những tấm bằng chuyên biệt, việc làm bán thời gian dành cho sinh viên đại học, và cuối cùng là công việc thực sự cho những em đã xong lộ trình đó.

Công ty này cam kết dành 10,3 triệu USD để giải quyết những gì mà Dennis Dio Parker, người phát triển chương trình này, gọi là sự thiếu hụt kỹ thuật viên sản xuất có tay nghề cao "ở mức khủng hoảng" mà ngành nghề của ông đang đối mặt.

"Đây là sự thay đổi tự tạo động lực. Thay vì than phiền và phán xét về hệ thống giáo dục, chúng tôi nhận thấy rằng mình phải làm một điều gì đó về chuyện này", ông nói.

Một số người cho rằng Toyota là một mô hình cho các ngành nghề khác. "Họ gửi một tín hiệu rõ ràng đến những người làm chủ khác rằng trường học không thể làm điều này một mình. Nếu muốn giải quyết khoảng cách trong kỹ năng thì chúng ta phải làm việc cùng với nhau", Vince Bertram, chủ tịch và CEO của Project Lead the Way, lên tiếng.

'Trường học không có vách tường'

Năm 1972, trường trung học City-as-School (tạm dịch: Thành phố là trường học) được hội đồng giáo dục thành phố New York thành lập như là "một trường học không có vách tường".

Theo một bài báo của trường đại học sư phạm Bank Street về lịch sử ngôi trường này, những học sinh triển vọng được mời tới để "xem thành phố này như là chương trình học của mình" và để "tưởng tượng chính mình" đang ở trong những bối cảnh nghề nghiệp khác nhau và nghe rất thu hút.

Ngày nay, hầu hết 600 học sinh theo học tại City-as-School dành khoảng 2 ngày/tuần trong những lớp truyền thống tại Greenwich Village. 3 ngày còn lại các em được tham gia vào những chương trình thực tập với một trong 300 tổ chức khác nhau – từ bảo tàng nghệ thuật thành phố cho tới Marvel Comics.

Ở đó, các học sinh này được giám sát bởi các nhân viên đã trải qua khóa huấn luyện đặc biệt của tổ chức đó, cũng như bởi giáo viên của City-as-School để giúp các em vượt qua những thử thách mới mỗi ngày trong công việc.

"Chúng tôi hiện có một ngữ cảnh thế giới rất thực dành cho những điều các em đang học", Alan Cheng, hiệu trưởng của City-as-School, cho biết. Và đó là những gì mà các nhà sáng lập của City-as-School hi vọng sẽ nuôi dưỡng nên.

Tính thực tế và khả năng áp dụng của giáo dục vẫn là mục tiêu của họ, thể hiện qua việc các chương trình học luôn được đổi mới và những đối tác của họ luôn tìm cách để nghĩ về hệ thống giáo dục ở thế kỷ 21 theo một cách khác, như một tấm bảng tại trung tâm sáng tạo Mayfield viết: "Có một cách để làm điều đó tốt hơn. Hãy tìm ra nó".

LÊ THANH HẢI (Theo New York Times)/TTO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)