Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Những cách xử trí khi sẩy thai

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Thai phụ nên khám thai định kỳ để kịp thời xử trí những bất thường có thể xảy ra. Ảnh: T.HIỀN

Sẩy thai là một hiện tượng khá phổ biến đồng thời là nỗi đau của người phụ nữ. Tuy nhiên, nếu sự việc đã xảy ra thì cách xử lý và chế độ dinh dưỡng cho các bà mẹ này là rất cần thiết.
Nỗi lòng người mẹ sẩy thai
Chị Kim Loan, 25 tuổi, ngụ ở quận 3 – TP.HCM mới kết hôn lần đầu đã khóc suốt mấy ngày liền khi đi siêu âm BS cho biết thai của chị không còn nữa. Nỗi buồn mất mát cộng với sức khỏe giảm sút khiến chị xanh xao, yếu đuối. Chồng chị mặc dù cũng rất đau lòng nhưng vẫn cố gắng động viên vợ. Hàng ngày, hết giờ làm là anh vội lao về nhà, giành hết mọi việc cơm nước để vợ không phải vất vả, động tay chân. Chị Loan rất lo sợ không biết trường hợp của mình có ảnh hưởng gì đến những lần mang thai sau không?
Trường hợp khác, chị Lê Kiều Nga (32 tuổi – Tiền Giang) đã có một bé gái học lớp 5. Vừa rồi, chị quyết định sinh thêm một đứa nữa. Tuy nhiên, khi thai nhi được 24 tuần thì do một tai nạn giao thông, chị bị sẩy thai. Dù rất đau buồn nhưng hiện tại chị cũng đang dưỡng để chuẩn bị năm sau có thai, chị lo lắng không biết có trục trặc gì nữa không?
Theo BS. Nguyễn Thị Nghiêm, Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec thì ít nhất một nửa số trường hợp sẩy thai trong 3 tháng đầu là do nhiễm sắc thể có vấn đề, khiến thai nhi không thể phát triển bình thường. Những trường hợp sẩy thai sau khi thai được 20 tuần tuổi có thể là kết quả của tình trạng viêm nhiễm hay thai nhi/rau thai xuất hiện bất thường, tử cung yếu đến mức không thể “đỡ” được bào thai đang lớn lên rất nhanh. Tuổi tác cũng có thể là một yếu tố. Tỉ lệ sẩy thai tăng lên khi bước vào độ tuổi 30 và thực sự gia tăng khi ở tuổi 35.
Để tránh sẩy thai, thai phụ cần tránh vận động mạnh. Nếu chồng là một người nghiện thuốc lá thì hãy vận động chồng bỏ thuốc. Thai phụ nên đi khám thai định kỳ tại cơ sở y tế có chuyên khoa sản để BS sớm phát hiện những bất thường có thể xảy ra và kịp thời xử trí.
Một số người sau khi sẩy thai khoảng 2-3 tháng là đã có thai lại và sinh em bé an toàn, khỏe mạnh. Tuy nhiên, để đảm bảo tâm lý và sức khỏe tinh thần thì tốt nhất nên có thai lại từ khoảng 6 tháng đến 1 năm.
Cần đặc biệt chú trọng chế độ dinh dưỡng
Cũng theo BS. Nguyễn Thị Nghiêm thì phụ nữ bị sẩy thai quan trọng nhất là phải ăn đủ chất vì thiếu dưỡng chất sẽ khiến thai yếu hay bị sẩy. Nên tránh đồ ăn nóng, gia vị ớt, gừng tỏi, rượu, bia, chất có gas…
Mặc dù đậu nành là một loại thực phẩm lành mạnh cung cấp nhiều vitamin và khoáng chất, nhưng lại không phải là lựa chọn thông minh cho chế độ ăn uống của bạn sau khi sẩy thai. Theo một báo cáo của Hiệp hội Dinh dưỡng Mỹ, trong đậu nành có mức phytate cao gây trở ngại cho khả năng hấp thụ sắt. Trong khi đó, người bị sẩy thai cần thêm sắt sau khi sẩy thai do bị mất nhiều máu, sắt giúp tạo nên một số thành phần của máu. Do đó, việc tránh ăn đồ ăn liên quan đến đậu nành là hết sức cần thiết.
Nên ăn nhiều rau chân vịt nhưng không nên ăn rau sam. Thịt bò chứa hàm lượng axít amin nên rất hiệu quả trong việc bổ sung năng lượng cho hệ cơ và tăng sức dẻo dai của cơ thể. Nó hỗ trợ rất lớn trong việc phục hồi cơ thể sau khi sẩy thai. Trứng gà ngải cứu là món ăn bài thuốc bổ dưỡng nâng cao sức khỏe, rất có ích trong việc điều trị sẩy thai.
Ngoài ra, các chị em cũng cần chú ý sau khi sẩy thai, nên sắp xếp thời gian nghỉ ngơi trong vòng một tuần. Tránh làm việc nặng, tránh đi lại nhiều. Để giữ cho tinh thần thoải mái nhanh vượt qua nỗi buồn, chị em cần dành thời gian chuyện trò với bạn bè, người thân trong gia đình nhiều hơn.
Phụng Diễm

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)