Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Những cái chết đau lòng vì… hóc thạch

Tạp Chí Giáo Dục

“Tôi chỉ muốn khuyên, các bà mẹ có con dưới 5 tuổi đừng cho bé ăn thạch. Có chứng kiến những ca hóc thạch mới ý thức được hậu họa nguy hiểm từ món ăn con trẻ rất ưa thích này. Tai nạn hóc thạch hầu như không ca nào có thể cứu sống”.
Nguy cơ tử vong cao
ThS Hoàng Đình Ngọc, Trưởng phòng Tổng hợp, BV Viện Tai mũi họng TƯ đã đưa ra lời cảnh báo như vậy. Là một chuyên gia về nội soi, chuyên xử lý các ca hóc dị vật được đưa đến viện nhưng khi nói về những ca hóc thạch, ThS Ngọc không giấu được sự đau lòng, vì đối tượng hóc thạch phần lớn là các em nhỏ.
Tủ "sưu tầm" những tác nhân gây hóc dị vật trên bệnh nhân
được trưng bày ngay tại khoa Nội soi (BV Tai mũi họng TƯ)
để góp phần cảnh báo người bệnh (Ảnh: H.Hải)
Cách đây 2 tuần, ThS Ngọc là người trực tiếp xử lý cho một trường hợp hóc thạch được chuyển đến từ Bắc Giang. Dù trước đó, ở bệnh viện tỉnh, em bé này đã được bác sĩ mở nội khí quản để thở. Nhưng khi đến viện Tai mũi họng TƯ, dù bằng sự khéo léo, các bác sĩ đã gắp được hết miếng thạch chẹn ngang đường thở của bé nhưng cũng không thể trả lại cuộc sống bình thường cho bé. Vì thiếu ôxi quá lâu, mất não nên em bé phải sống thực vật suốt đời.
“Với những ca hóc dị vật, bác sĩ chuyên về tai mũi họng cũng sợ vì thời gian cấp cứu là vô cùng cấp bách, chỉ trong vòng 5 – 10 phút. Riêng với các ca hóc thạch càng đáng sợ hơn. Vì thạch vốn mềm nên khi trôi xuống đường thở, nó rất dễ “thay đổi hình dáng”, ôm chặt khít lấy đường thở có thể khiến bệnh nhân tử vong ngay lập tức. Những ca như thế, chỉ có 2 phút để cứu em bé, nhưng hầu như là không có khả năng, vì cần thời gian di chuyển từ nhà đến bệnh viện, hơn nữa gắp dị vật là thạch cực kỳ khó khăn”, ThS Ngọc nói.
Như trường hợp em bé ở Bắc Giang này, dù các bác sĩ đã rất cố gắng để mở nội khí quản cấp cứu, nhưng để thực hiện được thao tác này, nhanh cũng phải mất mươi mười lăm phút. Thời gian đó là quá lâu để bệnh nhân có thể thở, cung cấp ô xy lên não.
Hay như trường hợp đau lòng của cháu Phạm Văn Hiển (2 tuổi ở Long Biên, Hà Nội) mới xảy ra hôm 18/4. Cháu ngồi ăn thạch một mình, bị nghẹn dẫn tới khó thở, người tím tái. Dù được phát hiện kịp thời, ngay lập tức đưa bé đến viện gần nhà cấp cứu nhưng các bác sĩ đã không thể mang lại sự sống cho cháu bé. Vì miếng thạch to đã bít toàn bộ khí quản của cháu, khiến cháu bị ngạt thở dẫn tới tử vong.
Cái khó nữa của hóc thạch, cũng chính là vì miếng thạch mềm, nên khi dùng dụng cụ gắp ra rất dễ gây vỡ vụn miếng thạch. Khi đó, những mảnh vụn này lại tiếp tục rơi sâu xuống đường thở thì lại càng nguy hiểm.
Theo ThS Ngọc, chỉ thời gian 10 năm trở lại đây mới có các trường hợp bị hóc thạch. Con số đưa đến viện không nhiều, nhưng hầu như, bị hóc dị vật là thạch thì đều không thể cứu sống.
BS Nguyễn Văn Lộc, nguyên Phó Giám đốc BV Nhi TƯ cũng cho rằng, thời gian gần đây, ngoài các ca hóc dị vật hạt trái cây, đồ chơi thì còn hay gặp trẻ hóc thạch.
“Trẻ em vốn thích ăn thạch, cha mẹ chiều con mua cả túi thạch cho con ăn mà không lường hết được nguy hiểm. Vì thạch vốn trơn, lại thường được sản xuất dưới hình trụ, khi bóc lớp vỏ ngoài, người lớn thường bóp ở đầu chóp thạch khiến thạch được đẩy ra rất nhanh, mạnh. Nhiều trẻ vì bị cả miếng thạch đẩy vào miệng nhanh, bất ngờ trôi tọt vào cuống họng nên bị hóc dị vật, gây ngạt, thậm chí ngừng thở”, BS Lộc nói.
Hàng vạn nguy cơ
Ngoài ra, trong thời điểm gần hè, ThS Ngọc cũng cảnh báo các bậc phụ huynh cần chú ý tới con em hơn khi bé ăn uống. Vì vào thời điểm này, khi bắt đầu có nhiều loại hoa quả có hạt như na, hồng xiêm, mận, nhãn, vải… thì cũng là lúc số ca bị dị vật đường thở tăng lên ở cả người lớn và trẻ em.
“Tuy không có thống kê cụ thể các trường hợp hóc dị vật, nhưng tuần nào, Viện tai mũi họng TƯ cũng tiếp nhận 2 – 3 ca hóc dị vật vào cấp cứu. Riêng ở trẻ em hay gặp nhất là hóc hạt na, hạt hồng xiêm, thạch và hóc đồ chơi. Ngoài ra, còn hàng nghìn tác nhân nữa có thể gây hóc như đồng xu, hạt lạc, mảnh sành, cây kim…
Theo ThS Hoàng Đình Ngọc, trẻ nhỏ do chưa ý thức được sự nguy hiểm, lại hay tò mò nên hay cho vật lạ vào miệng, dễ bị hóc dị vật. Như trường hợp bé gái hơn 2 tuổi ở Hà Tĩnh. Trong lúc la cà chơi quanh sân khu tập thể, không hiểu bé nhặt được mảnh sành ở đâu rồi đưa lên miệng “khám phá”. Đúng lúc đó chị gái cô bé nhìn thấy liền quát to, bé cuống quá nuốt cả mảnh sành vào họng.
Em được cấp cứu từ Hà Tĩnh ra viện Tai mũi họng TƯ. Cũng may, vì là mảnh sành có góc cạnh nên không bít tắc đường thở hoàn toàn. Tuy nhiên, khi gắp dị vật này ra thì vô cùng khó khăn, vì mảnh sành cứa vào thanh quản.
“Hóc dị vật là tai nạn bất ngờ, có thể xảy ra bất cứ lúc nào nên người lớn luôn phải chú ý tới trẻ. Tuyệt đối không cho trẻ chơi các đồ chơi có thể nhét vừa vào miệng. Khi cho trẻ ăn uống cần tránh đùa nghịch rất dễ sặc. Còn khi cho trẻ ăn các loại trái cây có hạt thì cha mẹ nên bóc bỏ hạt trước khi trẻ ăn. Nhất là với nhãn, vải, tuyệt đối không bóc vỏ rồi đưa cả quả cho bé vì khi đó trái cây trơn, tròn rất dễ trôi nhanh vào họng khiến trẻ bị hóc. Không ép bé ăn bằng cách bóp mũi, khiến trẻ phải há miệng thở trong khi thức ăn còn đầy trong miệng, rất dễ gây sặc. Riêng với thạch, ở trẻ dưới 5 tuổi, khi mà phản xạ đường thở chưa hoàn thiện rất dễ hóc, tuyệt đối không nên cho ăn thạch. Nếu cho con ăn, không nên cho bé cầm cả cái thạch mà nên dùng thìa dằm nhỏ cho vào bát, cốc… trước khi cho trẻ ăn”, Ths Ngọc cảnh báo.
Còn khi thấy trẻ đang bình thường bỗng có các dấu hiệu ho sặc sụa, ngưng thở, tím tái, trợn mắt thì phải nghĩ ngay bị dị vật đường thở và cần nhanh chóng đưa bé tới viện để được cấp cứu kịp thời.
Hồng Hải (dan tri)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)