Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Những cái chết oan uổng vì….thạch

Tạp Chí Giáo Dục

Thạch rau câu vốn là món ăn ngon, bổ, mát rất có lợi cho sức khỏe và được nhiều trẻ nhỏ yêu thích. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay đã có ít nhất 3 trẻ bị tử vong do món ăn này.

“Trong số các dị vật đường thở thường gặp thì thạch là loại dị vật gây tổn thương nặng nề nhất cho trẻ. Tuy chưa có số liệu thống kê cụ thể về số trẻ mắc và tình trạng bệnh nhưng phần lớn trẻ hóc thạch đều có hậu quả là phải sống thực vật hoặc tử vong”, BS Hoàng Đình Ngọc, Phó Giám đốc Viện Tai mũi họng TƯ khẳng định.
Theo BS Ngọc, mới đây các BS của Viện Tai mũi họng TƯ phải đành “bó tay” trước ca cấp cứu cháu bé 3 tuổi do hóc thạch từ Bắc Giang chuyển đến. Khi nhập viện, bé gái này đã ở trong tình trạng khó thở, không tỉnh táo. Gia đình cho biết, cháu đang ngồi ăn thạch một mình bỗng nhiên bị nghẹn, rồi ho khó thở, tím tái mặt mày. Tại BV Đa khoa Bắc Giang, các BS không phát hiện thạch trong đường hô hấp nhưng cháu bé vẫn được đặt nội khí quản và chuyển đến Viện Tai mũi họng TƯ. “Khi đặt nội khí quản tại BV Đa khoa Bắc Giang, vô tình miếng thạch đã được đẩy xuống đường tiêu hóa, đường thở không còn bị dị vật che lấp. Tuy nhiên, thời gian từ lúc phát hiện đến lúc được đặt nội khí quản quá lâu nên cháu bé đã bị thiếu ôxy. Khi chuyển đến Viện Tai mũi họng TƯ, bé dần rơi vào tình trạng sống đời sống thực vật và chúng tôi chẳng thể làm gì hơn”- BS Ngọc tâm sự.
Món thạch dễ ăn nhưng cũng rất dễ hóc.
Cũng vì hóc thạch do người lớn sơ ý để trẻ tự ăn, nên trong tháng 4/2009, bé P.V. H (2 tuổi, ở Long Biên, Hà Nội) đã phải chịu cái chết oan uổng. Khi người giữ trẻ phát hiện ra bé H. bị hóc thạch thì cháu đã ở trong tình trạng khó thở, người tím tái. Dù được gia đình nhanh chóng đưa tới bệnh viện gần nhà để cấp cứu nhưng bé H. không qua khỏi. Trước đó không lâu, bé trai mới 8 tháng tuổi, con chị H.T.H. (xã Cam An, huyện Cam Lộ, Quảng Trị) cũng bị tử vong do hóc thạch dừa. Khi thấy cháu có biểu hiện ho sặc sụa, tím tái, gia đình vội vã đưa cháu tới tới Bệnh viện Đa khoa Quảng Trị cấp cứu nhưng do thiếu ôxy nên cháu đã tử vong ngay trên đường đi.
Dị vật khó gắp
BS Ngọc giải thích, thông thường khi thức ăn chạm vào gốc lưỡi thì đường thở đóng lại, thức ăn sẽ qua thực quản xuống dạ dày. Tuy nhiên nếu thức ăn xuống quá nhanh khi đường thở vẫn mở thì sẽ trôi xuống và làm tắc đường thở. Ở trẻ em, phản xạ đóng mở đường thở và đường tiêu hóa chưa được tốt như người lớn, việc hóc dị vật đường thở hay xảy ra và dễ khiến trẻ tử vong trong vòng vài phút giống như bị “chết đuối trên cạn”.
Nếu dị vật là hình có góc cạnh, bệnh nhân có nhiều cơ hội cứu chữa hơn vì ôxy vẫn có thể “lọt” qua các khe hở. Nhưng nếu là những hình tròn nhẵn sẽ “bít” chặt đường thở, chỉ sau mấy phút thôi, bệnh nhân sẽ tử vong vì không được cung cấp ôxy. Thạch tuy không phải là hình tròn nhưng vốn mềm nên khi trôi xuống đường thở, rất dễ “thay đổi hình dáng” và ôm khít lấy đường thở. Do đó có thể khiến bệnh nhân tử vong ngay lập tức. “Những ca hóc thạch khả năng cứu sống là cực kỳ khó, trẻ có thể tử vong ngay trên đường di chuyển từ nhà đến bệnh viện. Hơn nữa, việc gắp dị vật là thạch rất khó, các mảnh thạch dễ vụn nát rơi xuống đường thở sâu hơn. Chính vì vậy, đối với trẻ nhỏ dưới 5 không nên cho ăn thạch”, BS Ngọc khuyến cáo.   
Xử trí khi trẻ hóc thạch
Trường hợp trẻ bị hóc thạch nói riêng và hóc dị vật đường thở nói chung, tuyệt đối không dùng tay móc họng trẻ, tránh nguy cơ làm dị vật vào sâu hơn, hay có thể làm trầy xước vùng họng, gây phù nề khiến trẻ khó thở hơn. Khi thấy trẻ tím tái, có thể áp dụng nhiệm pháp đặc biệt: Đối với trẻ nhỏ, đặt trẻ lên đùi, đầu để thấp và quay nghiêng, sau đó vỗ vào lưng để thạch bật ra. Đối với trẻ lớn, đặt 2 tay dưới xương ức và tiến hành ấn. Tuy nhiên cả 2 biện pháp này đều đỏi hỏi người sơ cứu phải có kinh nghiệm. Nếu không sẽ khiến bệnh nhân bị khó thở và rơi vào tình trạng nguy hiểm hơn. Tốt nhất là nên đưa trẻ đến bệnh viện, trong lúc đó cần báo ngay tới BV để kịp thời chuẩn bị trước các trang thiết bị y tế cần thiết cho trẻ.
Nguyên tắc phòng tránh
Không để trẻ ngậm bất cứ đồ vật nào (đồ chơi, thức ăn, các loại hạt…). Không cười đùa khi ăn uống. Nên cho trẻ ăn trong tư thế ngồi. Điều trị triệt để viêm nhiễm vùng mũi họng. Đồ dùng cho trẻ không nên tính đến khả năng tháo rời, vì sẽ làm tăng nguy cơ tai nạn khi sử dụng.  
Theo Tin Tức

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)