Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Những căn nhà chờ… nước cuốn

Tạp Chí Giáo Dục

Phần đất phía sau nhà bà Hai nay chỉ còn trơ lại những cọc cừ, tràm

Theo thống kê của Khu Đường sông TP.HCM, huyện Cần Giờ hiện có 10 khu vực có nguy cơ sạt lở cao; riêng xã An Thới Đông có 5 khu vực, xã Bình Khánh có 2 khu vực với tổng chiều dài khoảng 6.000m ven bờ các tuyến sông, kênh, rạch. Theo đó có hàng chục hộ dân đang sống trên những nền đất bị sạt lở, sụt lún và nguy cơ bị nước sông cuốn trôi bất cứ lúc nào.
Sống trên miệng… hà bá
Chiều ngày 6-8, chúng tôi có mặt tại nhà bà Dương Thị Hai, tổ 15, ấp Bình Trường, xã Bình Khánh, toàn bộ phía sau căn nhà cột cây, vách lá của bà đang hứng chịu những đợt sóng ập vào bờ “đòi đất” của con sông Soài Rạp. Căn nhà lá của bà Hai siêu vẹo trông thấy rõ mỗi khi có đợt gió mạnh đi ngang qua. Nếu không có mưa bão thì cuộc sống của gia đình bà cũng bớt đi phần âu lo, chỉ tay về phía nhà bếp đã bị sạt lở bà Hai lo lắng: “Những hôm trời mưa là mấy mẹ con chuẩn bị đi qua nhà hàng xóm ngủ nhờ, chứ không thì nước sông cuốn trôi lúc nào cũng không hay biết”. Bị nhiều lần sạt lở bờ sông, gia đình bà Hai lại di dời nhà vào phía trong để tránh nhà cửa đổ xuống… sông. Sau nhiều lần di dời, ngôi nhà của bà Hai dường như hết chỗ lùi được nữa, nên giờ chỉ cần mở cửa sau là đã thấy nước con sông Soài Rạp ở dưới chân rồi.
Để chống sạt lở nhiều gia đình ở tổ 15 đã nhiều lần mua cừ tràm về gia cố, nhưng xem ra việc chống sạt lở kiểu “dã chiến” này không thành bởi dòng sông chảy xiết, tàu bè chạy liên tục nên việc sạt lở xảy ra là không thể tránh khỏi. Giờ đây nhiều gia đình chỉ còn trông chờ vào cuộc di dời sắp tới, bà Hai nói: “Ai thì tôi không biết chứ tôi thì chỉ mong được di dời đến chỗ mới để ở cho an toàn. Cô coi từ bờ đất bên ngoài mà sạt đến tận giường tôi rồi, nhà chỉ có hai mẹ con, đêm ngủ mà cứ giật mình, cứ nơm nớp lo sợ trôi xuống sông sống chung với… hà bá thế này thì sao mà an tâm được”.
Tương tự, lúc trước nhà anh Nguyễn Văn Trạng, tổ trưởng tổ 14, ấp Bình Trường cách bờ sông Soài Rạp cũng khá xa nhưng nay chỉ còn 1 mét nữa là nước vào tới nhà. Thu nhập của gia đình chủ yếu dựa vào tiền công làm mướn của anh nên muốn sửa nhà, gia cố bờ kè cũng không đủ tiền. Anh rất mong muốn được dời đi để ổn định cuộc sống.
Dọc theo sông Bà Tổng, Tắc Ông Nghĩa, Soài Rạp trên địa bàn xã An Thới Đông có đến 30 hộ dân sinh sống trong khu vực có nguy cơ sạt lở cao cần di dời khẩn cấp. Hầu hết nhà các hộ dân ở đây đều là nhà tạm vách lá, mái lá nằm sát mép sông nên rất dễ bị sạt lở và gió cuốn đi. Chúng tôi tìm đến xã An Thới Đông thì gặp gia đình bà Nguyễn Thị Ngon và bà Nguyễn Thị Lắm. Gia đình hai bà nằm liền nhau và bên trong ngôi nhà có nhiều vết nứt, nền nhà bị sụt lún nên chỗ lồi, chỗ lõm. Bà Lắm cho biết, lúc trước nhà bếp cũ bị trôi vì sạt lở nay thì ngôi nhà bà đang ở bị nghiêng muốn trôi ra sông rồi. Trong khi đó, nhà bà Ngon kế bên cũng vạ lây bởi tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng. Ngôi nhà liền vách của bà bị nứt hở ra có thể đưa bàn tay người lớn vào được. Bà chỉ mong di dời càng sớm càng tốt.
Chính quyền còn chần chừ…
Đầu năm 2009, UBND hai xã Bình Khánh và An Thới Đông đã tiến hành khảo sát và lập danh sách các hộ dân trong vùng sạt lở cần di dời nhưng cho đến hiện tại việc di dời vẫn chưa thể thực hiện và còn đang trong diện đề án.
Hầu hết bà con sống ven sông Soài Rạp đời sống còn nhiều khó khăn, nhà ở chỉ là nhà tạm. Kinh tế của bà con nhờ vào việc làm thuê làm mướn nên không phải ai cũng có đủ tiền để gia cố nhà cửa, mua cừ tràm, đổ đá làm bờ kè… Do đó, các gia đình đều tỏ ý mong muốn được di dời để đảm bảo cuộc sống. Bên cạnh đó, cũng có một số hộ không muốn di dời vì đã gia cố phần sạt lở và chưa biết tiền hỗ trợ là bao nhiêu.
Gia đình bà Bùi Thị Út – tổ 14 ấp Bình Trường (Bình Khánh) thì lại không đồng ý di dời cũng là vì chuyện hỗ trợ, bồi thường. Bà cho hay năm 2009, xã có đến nói về việc di dời và nói số tiền hỗ trợ cho gia đình bà là 8 triệu đồng. Bà Út cho biết nhà bà là nhà tình nghĩa, được cấp không bao lâu, hai người con của bà cũng sống ngay bên nhà bà và cũng chịu chung cảnh sạt lở, tuy có lo sợ nhưng quả thật với 8 triệu đồng cả gia đình bà không thể sống được chứ đừng nói đến cất nhà mới. Chị Mộng Thắm, con dâu bà Út than vãn: “Bắt đầu mùa mưa là thấy rầu rồi, nước ngập lên tới đầu gối, cũng muốn dời đi nhưng 8 triệu đồng quả thật không đủ để thuê người giỡ nhà chứ đừng nói chi xây lại nhà mới”.
Đem những vấn đề này trao đổi với ông Đặng Minh Cảnh, Phó chủ tịch UBND xã Bình Khánh thì ông cho biết: “Từ đầu năm 2009 đến nay, chúng tôi đã thành lập đoàn kiểm tra cùng với Cục Di dân đến khảo sát các hộ bị sạt lở, hầu hết các hộ đều đồng ý di dời. Đối với những hộ không chịu di dời, chúng tôi vẫn vận động là chính, đến mức cuối cùng mới dùng biện pháp cưỡng chế”. Theo ông Lê Ngọc Hùng, cán bộ kế hoạch nông – lâm – ngư – diêm xã Bình Khánh thì: “Chúng tôi đã tiến hành khảo sát và trình lên UBND huyện, giờ chỉ còn chờ UBND TP phê duyệt nhưng cũng không biết đến bao giờ”.
Ông Trần Văn Mến, cán bộ địa chính – xây dựng xã An Thới Đông cho biết: “Mức hỗ trợ của những năm trước là mỗi gia đình 8,8 triệu đồng, bao gồm gò đất 3 triệu đồng, tiền xây nhà 5 triệu đồng và Cục Di dời hỗ trợ thêm 8 trăm ngàn đồng để người dân ổn định sinh hoạt, số tiền này đồng đều cho tất cả các hộ dân không phân biệt giàu hay nghèo. Sau đó sẽ tổ chức bốc thăm, ai bốc được gò nào thì lấy gò ấy. Còn đề án hiện tại vẫn đang chờ phê duyệt nên chúng tôi chưa biết mức hỗ trợ là bao nhiêu và cũng chưa biết bao giờ sẽ di dời người dân về nơi ở mới”.
Hoàng Thuận – Tiểu Di

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)