Trên dòng sông Nile mướt xanh, hoàng hôn sóng sánh như mật rót xuống từ bầu trời sâu thẳm không chút gợn mây, choàng lên những cánh buồm trắng như hiện ra từ câu chuyện cổ tích mộng mơ nào đó.
Sông Nile mướt xanh và những cánh buồm trắng như trong truyện cổ tích – Ảnh: Đinh Hằng |
Nằm gần biên giới với Sudan, Aswan là thành phố xa nhất của Ai Cập nếu tính từ bắc xuống nam. Vào thời cổ đại, Aswan từng là nơi gặp gỡ của nhiều dân tộc khác nhau từ khắp đất nước. Đó là những người quyết định rời xa các cồn cát nắng cháy để định cư bên đôi bờ màu mỡ của dòng sông Nile, nơi mà họ có thể tìm được nguồn nước, săn bắt cá và có đất để trồng trọt.
Aswan có tên trước đây là Swenet, một vị nữ thần Ai Cập cổ. Trong tiếng Ai Cập, Swenet có nghĩa là thương mại, buôn bán, giải thích cho việc nơi đây từng là trung tâm buôn bán phát triển vào thời xa xưa. Các tài liệu cổ ghi lại cho thấy tại Aswan, nghề hàng hải đã phát triển mạnh mẽ.
Không phải vô lý mà bất cứ cuốn sách hướng dẫn du lịch nào cũng khuyên du khách đến Aswan để… ngắm hoàng hôn. Phía cuối những dải sa mạc nối dài, trên đỉnh kim tự tháp tại Giza hay khuất sau những chiếc cột obelisk cao chót vót của một cụm đền khổng lồ, hoàng hôn Ai Cập biến chuyển bất tận. Còn tại Aswan, sắc màu mê đắm của những dải chân trời lúc chiều muộn được tô điểm bằng cồn cát óng ánh vàng, những đảo nhỏ giữa dòng sông Nile, những chú chim thoắt ẩn hiện trong các bãi lau sậy, hay tiếng hát của những anh chèo thuyền.
Hoàng hôn choàng sắc tím |
Cánh buồm cổ tích
Trên bức nền của sa mạc, sông Nile như một chiếc xương sống chạy dọc Ai Cập. Kể từ Aswan đến thị trấn nhỏ được coi là cực bắc của quốc gia này, dòng sông Nile trải dài trên 750 dặm, tương đương 1.210km, không hề bị ngăn cản bởi bất cứ thác ghềnh nào trước khi đổ thẳng ra biển Địa Trung Hải.
Điều khó tưởng tượng nhất sẽ diễn ra ở Aswan. Giữa khoảng không ngút ngàn của sa mạc, bên cạnh những khối nhà màu cát chen lên nhau đến tận chân trời là dải sông Nile êm đềm trôi giữa những cánh buồm felucca trắng phau. Bức tranh nhuốm màu huyền diệu ấy hiện lên mỗi ngày lúc mặt trời đã mất hết tất cả sức nóng và đang chầm chậm trôi xuống phía tây sa mạc.
Thuê một chiếc thuyền felucca không chạy động cơ, nương theo cơn gió và xuôi theo dòng sông là việc mà không du khách nào bỏ lỡ một khi đã đến Aswan. Mỗi chiều, sông Nile như biến thành một lễ hội của những cánh buồm felucca căng gió. Âm thanh xôn xao, xáo xào ở bến thuyền đông đúc rồi cũng ở lại nơi ấy. Trên mũi thuyền felucca mọi thứ yên tĩnh đến bất ngờ. Chẳng ai màng nói một câu để khuấy động cái vẻ lắng đọng hiếm hoi ấy, bởi người ta còn đang mải mê tận hưởng chuyến đi giữa hoàng hôn. Có chăng, âm vang duy nhất là một bài ca Ả Rập mà anh chèo thuyền cất lên để chiều lòng khách.
Chắc chắn từ “lộng lẫy” xứng đáng được dùng để tả bức tranh diệu vợi lúc ấy ở Aswan, những buổi hoàng hôn như cái hôn phớt nồng nàn lên những cánh buồm. Người ta gọi Ai Cập là một bảo tàng khổng lồ ngoài trời, một kho báu quý giá của vô vàn những kim tự tháp, đền đài, lăng tẩm… Thế nhưng, giản đơn như ánh vàng cuối chiều này cũng là thứ vô giá, đáng để cho người ta ngắm nhìn.
Thành phố màu cát và những dải sa mạc nối dài bên dòng sông tạo thành bức tranh tuyệt đẹp khi chiều xuống – Ảnh: Đinh Hằng |
“Kỳ quan” không cần bán vé
Đến Aswan: Từ Cairo, các phương tiện như xe buýt, tàu hỏa hay máy bay đều sẵn có để đến Aswan. Sân bay Aswan nằm cách trung tâm thành phố 25km, còn xe buýt và tàu hỏa sẽ dừng trong thành phố. Ngoài tham quan các địa danh tại Aswan, du khách thường kết hợp chuyến đi đến cụm đền Abu Simbel nổi tiếng cách đó 300km đường bộ.
|
Mỗi năm du lịch góp vào trên dưới 11% GDP của Ai Cập. Các cuộc đại biểu tình diễn ra liên tiếp khắp cả nước suốt hai năm gần đây khiến ngành du lịch đứng ngồi không yên. Bên cạnh đó, Ai Cập vàng son giờ đây vẫn đang phải chống chọi lại nạn đói kém khi người sống dưới mức nghèo khổ quá một phần tư dân số (25,2%, theo Ngân hàng Thế giới).
Hàng chục triệu khách nước ngoài đến Ai Cập mỗi năm giúp ngành công nghiệp không khói này nắm giữ 20% lượng ngoại tệ chảy vào quốc gia. Thế nhưng báo cáo mới nhất từ Hãng phân tích RNCOS có tên “Thống kê ngành du lịch Ai Cập” cho thấy du lịch nội địa của quốc gia này mới chỉ dừng lại ở con số 19% trong mức đóng góp vào doanh thu toàn ngành. Chắc chắn hàng triệu người dù đang sống ngay trên đất Ai Cập cũng chưa một lần nhìn thấy những kỳ quan, di sản nổi tiếng thế giới của chính mình.
Du khách đến Ai Cập đều biết để vào tham quan một ngôi đền, hay bên trong một kim tự tháp đều phải trả tiền vé không rẻ. Nhưng hoàng hôn ở Aswan thì khác. Dù trên du thuyền sang trọng, chiếc felucca truyền thống, cuốc dạo bộ dọc bờ sông hay trên đỉnh đồi cát, khách nước ngoài hay dân bản địa, kẻ giàu hay người nghèo, thì khoảnh khắc cuối ngày ở Aswan vẫn như nhau. Không ai bán vé, không ai yêu cầu phải xếp hàng để thưởng ngoạn thứ hoàng hôn lộng lẫy ấy.
Một chiếc thuyền felucca về bến – Ảnh: Đinh Hằng |
Hai bà mẹ Ai Cập dẫn con đi dạo bờ sông Nile – Ảnh: Đinh Hằng |
ĐINH HẰNG
Theo Tuổi Trẻ
Bình luận (0)