Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Những “cánh tay nối dài” với sinh viên

Tạp Chí Giáo Dục

Kỳ 1: 10 năm tiếp sức sinh viên nghèo

Anh Quang Thịnh (bìa trái) đón tiếp nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm trong lần trao học bổng khuyến tài 1&1 (ảnh do nhân vật cung cấp)

Qua 10 năm đứng vào đội ngũ mạnh thường quân Quỹ học bổng khuyến tài 1&1 của Hội Khuyến học TP.HCM, vợ chồng chị Hoàng Thị Kiều Trâm – Phan Quang Thịnh (Công ty Nghiên cứu thị trường TITA) đã “tiếp sức” được rất nhiều bạn đang theo học tại các trường ĐH để thành danh trên con đường sự nghiệp.

Nâng từng bước sinh viên

Dấu mốc mà anh chị nhớ nhất là vào năm 2007, khi Hội Khuyến học TP.HCM gửi danh sách báo cáo thành tích của những sinh viên (SV) nghèo vượt khó. Họ bắt đầu có cảm tình với những kết quả rèn luyện của từng gương mặt SV trên bảng vàng thành tích mà con đường phía trước vẫn lắm gập ghềnh. 10 suất học bổng khuyến tài năm đó trao cho 10 SV, trước hết là sự cảm thông chia sẻ của thế hệ đàn anh đi trước biết cách quay lại để rước đàn em đi sau.

Khi được hỏi về cái duyên đưa cặp vợ chồng trẻ đến với công tác từ thiện, chị Kiều Trâm cho biết: “Nhờ cô Lê Minh Ngọc – Chủ tịch quỹ học bổng truyền lửa làm chúng tôi không thể đứng ngoài cuộc”.

Học bổng khuyến tài 1&1 là sáng kiến của Hội Khuyến học TP.HCM ra đời từ năm 2000 đưa ra chương trình học bổng dành cho SV vượt khó do một ân nhân trực tiếp giúp đỡ cho 1 SV trong suốt 4 năm theo học chương trình ĐH với số tiền hàng năm từ 1 đến 10 triệu đồng. Chính vì thế, Quỹ học bổng khuyến tài 1&1 trong 16 năm qua đã cưu mang rất nhiều SV nghèo.

Chị Bích Ngọc – lúc bấy giờ đang theo học Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM là một trong 10 SV được nhận học bổng khuyến tài 1&1 thật sự bất ngờ khi hàng năm nhận được số 1,5 triệu đồng để trang trải cuộc sống hàng ngày. Thùy An – SV Trường ĐH Kinh tế TP.HCM thay mặt 9 bạn cùng hoàn cảnh chỉ biết nhờ hội nói lời cảm ơn chân thành tới ân nhân của mình. Sau 4 năm oằn mình với con chữ, các em phần nào nhẹ gánh hơn khi gặp được những tấm lòng vàng. Chia tay với các em trong buổi ra trường, họ lại trở về với Hội Khuyến học TP để tặng thêm những suất học bổng ân nghĩa cho đàn em đi sau. Vậy là mỗi năm có thêm 10 suất học bổng trị giá 20 triệu đồng chính tay anh chị trao cho các SV. Đó là thời điểm vào năm 2013.

Sự sẻ chia giàu có

Để quỹ học bổng giàu ý nghĩa nhân ái này có thêm sức lan tỏa, chị Trâm bàn với chồng tìm cách vận động anh em trong công ty tham gia đông đủ hơn. Như được giao thoa từ sự chia sẻ, chỉ sau một thời gian ngắn đã có 9 suất học bổng mang tính tập thể cao. Anh Quang Thịnh cho biết, một vài em mới ra trường đồng lương vừa đủ sống nên đã có “sáng kiến” gom 2, 3 người chung nhau một suất. Niềm vui biết chia sẻ, lòng nhân ái lại được nhân đôi.

Vốn là những SV nghèo của vùng quê Bình Thuận nắng gió nên thời SV họ đều đi qua những tháng ngày thiếu thốn khó quên. Cựu SV Trường ĐH Marketing TP.HCM Quang Thịnh vẫn nhớ những bữa ăn sáng chỉ có khoai lang, xôi, bắp rẻ tiền miễn sao no bụng. Có lẽ vì thế mà khi đến xã Phước Thạnh (Củ Chi), anh càng hiểu hơn hoàn cảnh em Nguyễn Thị Phấn – SV Trường ĐH Sài Gòn có nguy cơ bỏ học vì nhà nghèo nên đã nâng số tiền học bổng lên 10 triệu đồng/ năm.

Như dòng sông tháng ngày thêm nặng phù sa, học bổng 1&1 đã trở thành cầu nối yêu thương cho tình người càng sâu đậm. Dù đang học hay đã ra trường các em vẫn viết thư để báo cáo kết quả học tập cho ân nhân và nhờ người đi trước tư vấn việc làm, cách tự học ngoại ngữ, chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn. Dù bận rộn với công việc, nhưng đôi vợ chồng trẻ còn “nối dài cánh tay” vận động Quỹ học bổng cấp 3 La Gi để giúp các trò nghèo ở quê hương mình. Cũng giống như các ân nhân khác, chị Trâm anh Thịnh không bao giờ nghĩ tới chuyện mình giúp người ta thì người ta sẽ giúp lại mình mà bắt nguồn từ việc thấu hiểu những thua thiệt của các SV nghèo. Dù ở đâu nhưng các em phải có quyền bình đẳng về học tập và làm việc. PGS.TS Lương Ngọc Toản – Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam từng khẳng định: “Học bổng này không chỉ có ý nghĩa về đồng tiền mà còn có ý nghĩa nhân văn rất sâu sắc, đó là điều rất đặc biệt”. Những ân nhân của các bạn SV nghèo cũng là những con người đặc biệt về sự sẻ chia.

Hương Thủy

Bình luận (0)