Tòa soạnThư đi – tin lại

Những cánh tay vô hình…

Tạp Chí Giáo Dục

Mong những cánh tay vô hình này không còn tồn tại trong giới HS-SV. Ảnh: T.LÊ

Sau Tết, không ít học sinh – sinh viên (HS-SV) bị “cháy túi” vì vui chơi quá trớn, thậm chí “nướng” tiền vào những trò “đỏ đen”. Và khi không còn cách nào để “cải thiện túi” thì các bạn lại ăn cắp vặt đồ đạc của bạn bè cùng lớp hoặc cùng phòng trọ, ký túc xá.
Sơ hở là mất
Bạn Kim Ngân (HS lớp 12 Trường THPT D. – TP.HCM) cho biết: “Lớp mình những ngày qua liên tục xảy ra các vụ mất cắp. Những thứ quan trọng như điện thoại, ví tiền, máy nghe nhạc… chỉ cần sơ hở là mất ngay. Bản thân mình cũng vừa bị “bốc hơi” một cái điện thoại để trong cặp…”. Bạn Mỹ L. (HS lớp 11 Trường THPT H.T) kể: “Cách đây mấy ngày, nhóm bạn cùng lớp ghé nhà mình chơi. Khi các bạn về, mình phát hiện sợi dây chuyền bạch kim mẹ tặng hôm sinh nhật cùng thỏi son môi Hàn Quốc mà chị của mình ở nước ngoài về tặng hôm Tết để trên bàn học đã “không cánh mà bay”. Mình không muốn tin bất kỳ ai trong nhóm bạn của mình đã lấy cắp nên đã lục tung mọi ngóc ngách tìm nhưng vô vọng…”. Có thể nói, những kiểu “cầm nhầm” như thế này khiến bạn bè trong lớp nghi kị lẫn nhau, việc xảy ra “chiến tranh” lạnh là điều khó tránh khỏi. Bạn Nguyễn Minh Đức (SV năm 2 Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM) thuê phòng trọ ở chung với 4 bạn nam cùng trường gần chợ Thủ Đức gần một năm nay, mỗi người giữ một chìa khóa riêng tự do đi về. Ki cóp tiền dạy kèm cộng với xin ba mẹ, Đức mới “tậu” được chiếc laptop cũ với giá gần 5 triệu đồng để thuận lợi cho việc học. Thế mà vào tối rằm tháng giêng vừa qua, đi dạy kèm về, Hiếu phát hiện chiếc laptop đã không cánh mà bay, cửa phòng vẫn được khóa một cách cẩn thận, không có dấu hiệu mất cắp từ bên ngoài… Vậy là trong phòng ai cũng nghi ngờ lẫn nhau, ai cũng cảm thấy áy náy như chính mình bị nghi ngờ. “Mình chọn cách im lặng ra đi, dọn về ở nhà người quen dù có hơi xa trường một chút nhưng yên tâm. Mình đang cố gắng kiếm thêm cua dạy kèm, dành dụm tiền mua lại cái laptop khác”  – Đức cho biết như thế.
Hay như bạn Mỹ Kim (SV năm 1 Trường ĐH Bách khoa  TP.HCM), cách đây vài hôm đi nhận tiền của ba mẹ ở quê gửi lên. Về ký túc xá, Kim cho vào va ly, quên khóa, mới thay áo đi tắm trở ra thì số tiền 3 triệu đồng đã không cánh mà bay. Có ai biết đó là tiền ăn, tiền học, tiền phòng… trong một tháng của Kim. Vậy là Kim phải vừa khóc vừa gọi điện về nhà kể cho ba mẹ nghe rồi xin tiền khác, mà nhà có tiền đâu, phải chạy đi vay mượn mới có gửi lên cho Kim. Khổ cái là Kim không dám nghi ngờ ai cả, bởi trong phòng ai cũng căm phẫn, lên án kẻ ăn cắp.
Hãy dừng lại đúng lúc!
Có rất nhiều lý do khiến một số bạn HS-SV ăn cắp vặt đồ của bạn bè. Tuy nhiên, theo bạn Hoàng Giang (SV Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM): “Với những bạn con nhà giàu, có điều kiện thì sự mất mát ấy không đáng là bao, nhưng những bạn có hoàn cảnh khó khăn, sống chủ yếu nhờ vào tiền của gia đình gửi lên hoặc tự đi làm nuôi sống bản thân thì thật là khổ sở với sự mất mát đó. Học đường vốn là một môi trường trong sáng và lành mạnh. Thế nhưng, nay lại nảy sinh chuyện ăn cắp vặt này quả là không thể chấp nhận được”. Còn Hạnh Nguyên (lớp 12 Trường THPT Hồng Đức) bảo: “Có bạn do nghèo quá, hoặc do hoàn cảnh đưa đẩy, cần tiền… thật sự nên đành phải làm liều. Nhưng cũng có bạn lấy cắp đồ của bạn bè để có tiền tiêu xài, cờ bạc, nhậu nhẹt, cà phê, bao bạn gái… Nhưng dù thế nào đi nữa, các bạn cũng không nên làm điều không tốt đẹp đó. Rất đáng thương khi HS-SV bị mất đồ, xa nhà cuộc sống nội trú vốn khó khăn, những mất mát như trên với họ là không nhỏ”.
Chuyên viên tâm lý Mai Mỹ Hạnh (Trung tâm Tư vấn Ý tưởng Việt – TP.HCM) khuyên: “Việc ăn cắp vặt lâu ngày sẽ trở thành một thói quen xấu của SV-HS. Thậm chí nếu việc này bị bạn bè hay người khác phát hiện ra thì tình bạn sẽ tan vỡ, cái nhìn của mọi người về mình sẽ khác, và lòng tin đối với mình sẽ không còn. Nếu bạn nào có tật này thì hãy biết cách dừng lại đúng lúc, chứ đừng để đến khi quá muộn thì hậu quả có thể sẽ rất “thê thảm”. Tốt nhất là HS-SV hãy nói không với “cầm nhầm” nhé”.
Quyên Quyên
Ăn cắp vặt trong HS-SV là một hiện tượng rất đáng buồn. Hy vọng rằng nó sẽ không còn tồn tại nữa trong thế giới của những tú tài, cử nhân tương lai…
 

Bình luận (0)