Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Những câu chuyện từ trái tim: Kỳ 3: Tự lực cánh sinh

Tạp Chí Giáo Dục

Tôi dùng tiếng đờn để mưu sinh, để kiếm tiền theo đuổi đường học nhưng không vì vậy mà tôi sẵn sàng chấp nhận trình diễn tiếng đờn của mình trong những không gian chưa phù hợp.

Đờn mưu sinh và giới thiệu âm nhạc truyền thống

Ở bất cứ công việc làm thêm nào, tôi cũng tìm hiểu rõ Luật Bảo vệ người lao động để không bị bóc lột. Khi qua Pháp, tôi phải làm nhiều việc khác nhau để sinh sống: Ngoài công việc chánh là cộng tác viên cho Báo Thần ChungViệt Báo tại Sài Gòn và theo học Trường Khoa học chánh trị Paris, mấy lúc báo bên nhà bị đóng cửa, tôi đi đàn cho các hiệu ăn Việt Nam trong những đêm cuối tuần, làm thông dịch viên cho tòa án và lồng tiếng phim.

Trong khoảng 1949-1950, tôi đi đờn tranh, đờn cò 15 phút cho hiệu ăn Bồng Lai vào chiều thứ bảy và chủ nhật. Thù lao mỗi lần là 3.000 Francs cũ (tức 30 Francs mới) và được bồi dưỡng thêm một bữa ăn ngon. Tôi còn có thể nhận được tiền tặng thưởng của khách khi họ hỏi tôi về những nhạc khí dân tộc. Tiền đó thường nhiều hơn hẳn tiền thù lao.

Đi đờn ở quán ăn thì không thể tránh khỏi cảnh mình đờn cứ đờn, khách ăn cứ ăn mà không mấy ai chú ý thưởng thức tiếng đờn của mình. Khi tôi đờn, không khí ồn ào hay khán giả ăn thì tôi không đờn được. Vì vậy, khi bước ra sân khấu, tôi chào khán giả và lịch sự nói bằng tiếng Pháp: “Thưa quý vị, quý vị đến đây là để ăn ngon, chơi vui. Chủ quán muốn tôi giới thiệu hai cây đờn tranh và đờn cò đến quý vị để giúp khoảng thời gian thư giãn của quý vị thêm thú vị. Có thể quý vị chưa từng thấy hai cây đờn này. Tiếng của hai cây đờn này cũng nhỏ và có nhiều điều tôi muốn giải thích để giúp quý vị hiểu hơn về cái hay, cái đẹp của hai cây đờn này. Vì vậy, nếu quý vị có cảm tình với dân tộc Việt Nam và thương người nghệ sĩ thì xin quý vị dừng ăn trong 5 phút”.

GS. Trần Văn Khê biểu diễn đờn tranh tại Pháp

Quả thật sau lời ấy, nhiều thực khách dừng ăn, không khí hiệu ăn im phăng phắc và tôi tiếp tục nói: “Cảm ơn quý vị rất nhiều. Thưa quý vị, tôi đang học Trường Khoa học chánh trị Paris, tôi đến đây diễn để kiếm tiền học. Xin mời quý vị cùng thưởng thức một bài ngắn”. Và sau khi giới thiệu hai nhạc khí truyền thống của Việt Nam, tôi hát tặng khán giả một bài dân ca của Pháp. Tôi vừa hát vừa kết hợp diễn xuất, thể hiện nhiều giọng điệu khác nhau. Các khán giả rất thú vị và vỗ tay giòn giã. Sau đó, một số khán giả gặp tôi để tìm hiểu thêm về đờn tranh, đờn cò. Và cứ thế, mỗi khi tôi biểu diễn, khán giả lại ngừng ăn và cùng thưởng thức trọn vẹn âm nhạc. Khi đài truyền hình sang quay hình tại hiệu ăn, họ cũng rất ngạc nhiên với không khí ấy.

Từ chối điện ảnh

Năm 1951, chỉ còn ba tháng là tôi thi tốt nghiệp Trường Chánh trị. Có một công ty Ai Cập đang tổ chức một số chương trình văn nghệ châu Á cho một tập đoàn Cabaret (tức là quán ăn và tiệm nhảy có những tiết mục văn nghệ châu Á). Họ muốn mời tôi sang Le Caire (thủ đô Ai Cập) để biểu diễn trong ba tháng. Mỗi ngày 2-3 suất diễn tại Ai Cập, ngoài ra còn diễn tại vài nước Ả Rập khác. Tiền thù lao gấp 5 đến 10 lần tại Cabaret ở Pháp. Tôi sợ mình bị lôi cuốn vào những công việc kiếm tiền mưu sinh khác, có lợi vật chất trước mắt và quyết định ở lại Pháp để thi tốt nghiệp Trường Chánh trị. Sau đó tôi được tuyển chọn làm chuyên gia Luật Quốc tế cho Liên Hiệp Quốc đang họp Đại hội tại Paris.

Mục tiêu của tôi là làm công việc nghiên cứu âm nhạc. Năm 1957, tôi sắp viết xong luận án tiến sĩ về âm nhạc, cũng trong năm đó tôi làm việc thêm rất nhiều cho các công ty điện ảnh, lồng tiếng phim, đóng phim quảng cáo, đóng những vai phụ trong những bộ phim lớn. Như La Rivière des Trois Joncques, một loại phim gián điệp Pháp với các tài tử chánh là Dominique Wims và Jean Gaven, trong đó tôi đóng vai cảnh sát trưởng Việt Nam trong Ủy ban chống gián điệp. Hoặc phim A town like Alice, phỏng theo tiểu thuyết của Nevil Shute thuật lại cuộc đời gian khổ của những người Úc trong thời kỳ bị Nhật chiếm đóng, với hai nghệ sĩ lớn là Peter Finch và Virginia Mc Kenna, trong đó tôi giữ vai Captain Sugaya phải nói tiếng Nhật và tiếng Anh.

Phim đó được chọn để tham gia Liên hoan phim Cannes năm 1958, và hiện được xem là một trong 5 phim hay nhứt do Công ty Rank sản xuất dưới dạng DVD. Trong phim này, tôi được trả thù lao rất hậu. Mỗi ngày đóng phim được trả 50 bảng Anh, trừ thuế thì tôi vẫn còn được 30 bảng Anh. Chưa kể mỗi ngày còn được trả thêm 12 bảng cho việc sinh hoạt hàng ngày (mỗi bảng có giá trị lúc đó là 1.400 Francs Pháp).

Vì tôi đang còn là sinh viên, chuẩn bị đi thi tiến sĩ, hơn nữa còn là một cựu bệnh nhân dài hạn nên tôi được mua vé dùng bữa trưa và chiều trong quán ăn đầy đủ chất bổ mà chỉ trả 75 Francs một vé. Với số tiền thù lao bên Anh như vừa kể trên, một ngày tôi làm việc là đã đủ trả tiền ăn hơn 500 bữa!

Các công ty điện ảnh bên Anh có viết thơ mời tôi sang, đề nghị tôi đóng nhiều phim lớn nhỏ. Như thế, tôi phải rời nước Pháp, xin thường trú tại Anh, bỏ việc soạn luận án để có đủ thời gian đóng phim mỗi ngày mà tiền thuế lại nhẹ nhàng hơn. Tôi suy nghĩ trong mười ngày, nhưng cuối cùng tôi quyết định từ chối không sang Anh, để tiếp tục soạn luận án tới ngày bảo vệ vào tháng 6-1958.

Tôi suy nghĩ cặn kẽ, và nhận ra rằng: Đóng phim chỉ “mua vui chỉ được một vài trống canh”. Nếu tôi chịu khó học tập lúc này, bảo vệ luận án thành công, tôi sẽ nương theo đó mà tiến lên trên con đường giới thiệu âm nhạc truyền thống Việt Nam trên thế giới và để lại cho thế hệ mai sau những công trình nghiên cứu âm nhạc – mà tôi nghĩ rằng phù hợp với lý tưởng ôm ấp từ thuở thiếu thời của tôi.

Tự truyện Trần Văn Khê

(First News-Trí Việt phát hành)

Khó khăn, cám dỗ vốn dĩ là một phần của cuộc sống, lòng kiên định với mục tiêu của mình sẽ giúp ta vượt qua những điều ấy để hái quả ngọt cho ta và còn để lại cho đời một công trình văn hóa (GS. Trần Văn Khê). 

 

Bình luận (0)