Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Những câu chuyện từ trái tim: Kỳ 4: Việt Nam luôn trong tim

Tạp Chí Giáo Dục

Hình ảnh Việt Nam trong trái tim tôi đó chính là ngôn ngữ, âm nhạc, con người, phong cảnh, văn hóa… Việt Nam.

Tôi được sanh ra trên đất nước Việt Nam. Vì hoàn cảnh, tôi phải xa đất nước một thời gian dài nhưmg hình ảnh đất nước luôn trong trái tim tôi, không ngừng thôi thúc tôi nghiên cứu, giới thiệu âm nhạc Việt Nam đến các nước.  Khi đi nhiều nơi, tiếp xúc với không biết bao nhiêu nền văn hóa khác nhau, nhìn thấy cái đẹp của nhiều nước, tôi cũng không quên rằng Việt Nam của tôi cũng có rất nhiều cái đẹp.

Nâng niu tiếng nước mình

Một trong những niềm tự hào của mỗi con người chính là tiếng cha sanh mẹ đẻ. Tiếng nói Việt Nam rất thú vị và vô cùng quan trọng đối với tôi. Vì vậy mà ở nơi đất khách quê người, tôi vẫn luôn tìm đọc sách Việt Nam, nói bằng tiếng Việt Nam, viết báo bằng tiếng Việt Nam, viết thư cho bạn bè cũng bằng tiếng Việt Nam. Nhờ vậy mà dầu ở nước ngoài 55 năm, tôi vẫn không bao giờ quên tiếng Việt Nam.

Tôi nói rất thông thạo tiếng Anh, tiếng Pháp, tôi không hãnh diện về việc đó mà chỉ xem đó là phương tiện để tôi có thể dạy âm nhạc Việt Nam ở các nước, để giới thiệu văn hóa Việt Nam đến quốc tế. Mỗi khi dạy âm nhạc, văn hóa Việt Nam bằng những ngôn ngữ khác tiếng Việt, tôi luôn mơ ước có một ngày tôi có cơ hội dạy những điều này trên đất nước Việt Nam, dạy bằng tiếng Việt Nam, cho sinh viên Việt Nam.

GS. Trần Văn Khê cùng Maria Kiran – nghệ sĩ múa Baharata-natyam (Ấn Độ) và mẹ nuôi của cô vào năm 2004

Và khi tôi về nước, điều mơ ước ấy đã thành hiện thực, tôi rất hạnh phúc. Trong 5 năm giảng dạy tại Việt Nam, tôi giảng y như người Việt Nam, không xen tiếng nước ngoài, không ấp úng, lúng túng khi sử dụng tiếng Việt. Tôi đã đọc thi ca của Ba Tư, Pháp, Anh… và cảm nhận được rất nhiều điều hay, thú vị, nhưng tôi vẫn thấy xúc động hơn khi đọc một câu Kiều, một bài thơ của Bà Huyện Thanh Quan… Bởi thơ ca được diễn đạt bằng tiếng nước mình, mình sẽ dễ cảm nhận được sự sâu sắc, thâm thúy của từng con chữ.

Hiện nay, tôi thấy một số bạn trẻ Việt Nam khi nói chuyện thường xen tiếng nước ngoài vào. Thật ra, thời của tôi, mọi người khi nói cũng chen tiếng Tây. Ví dụ như: “Tôi sắp đi France” chứ không nói “Tôi sắp đi Pháp”. Hay có học trò của tôi đi sang Anh mới hai năm mà nói với tôi lẫn lộn Anh – Việt thế này: “Thưa thầy, gặp thầy em mừng quá. Chiều nay, thầy cho phép record khi thầy đờn và nói chuyện. Nhưng bây giờ, em không có cái tape nào sạch. Thầy đợi em wipe cái tape rồi chiều em record thầy nói chuyện”. Lúc đó tôi nhắc: “Tại em nói tiếng Anh tiếng Việt lẫn lộn riết nên nó thành thói quen của em. Em chỉ cần nói rằng, bây giờ em không có cuốn băng nào sạch, để em xóa băng cũ rồi xin phép thầy cho em thu âm thầy đờn và nói chuyện”. Hay có học trò nhắn tin vào điện thoại của tôi, tin nhắn có phần viết thế này: “Em and thầy”. Tôi chỉnh ngay: “Viết em thầy dễ hơn, sao em lại phải viết em and thầy?”. Tôi thường nhắc nhở các học trò nói năng cho thuần Việt mỗi khi các em có cách nói như thế.

Hay một hiện tượng khác là một số người Việt Nam chọn cho mình một cái tên nước ngoài với lý do là để làm việc với người nước ngoài thuận tiện hơn. Tôi thấy nếu vì lý do này thì thật không cần thiết phải làm vậy. Bôn ba bốn biển năm châu, tôi đều dùng tên Trần Văn Khê do cha mẹ đặt cho và ai cũng hoan nghênh và ai cũng biết tôi là Trần Văn Khê. Thế giới chấp nhận tên tôi, mọi người xem tôi như một đại diện trung thực, chính xác của Việt Nam, không bị ngoại lai từ âm nhạc cho đến ngôn ngữ. Nếu tôi tự đặt cho mình một tên Tây, có thể một số nước sẽ cho tôi vọng ngoại.

“Đờn reo đất nước thấy thêm gần”

Ai xa đất nước cũng nhớ về đất nước. Để vơi nỗi nhớ, có người về thăm nước, có người tìm mua những món ăn truyền thống của dân tộc, còn với tôi thì tôi khảy mấy cung đờn. Khi nghe tiếng đờn, tôi thấy lòng bình yên, thấy mình thêm gần đất nước hơn. Vậy nên tôi mới viết: Đờn reo đất nước thấy thêm gần.

Càng xa, hình ảnh đất nước càng đậm sâu trong trái tim tôi, nỗi nhớ thương cũng thêm nhiều. Một trong những nỗi nhớ ấy là về cái Tết cổ truyền của dân tộc. Nơi xứ người, những dịp như năm mới, Noel, nhìn mọi người vui chơi, tôi cũng vui nhưng không thể nào vui bằng cái Tết của mình, cái Tết Việt Nam với tôi là hơn hết. Tôi cũng tự nhủ, không phải vui với người mà quên Tết mình. Trong những cái Tết xa quê hương, tôi nhớ da diết cái Tết nơi quê nhà, nhớ nhiều nhất là mùng 2 Tết, cả nhà quây quần ở nhà người cậu thứ tư, cùng hòa đờn. Tôi nhớ cả tiếng pháo giao thừa, nhớ buổi sáng đầu năm thức dậy hoa lá khoe sắc. Trong khi đó, những cái Tết xa quê hương chỉ có tuyết lạnh.

Về sau, cái Tết nơi xứ người có thêm cành đào từ quê nhà gửi sang. Hoa đến tay người thì hoa cũng không còn tươi thắm là bao. Hay khi không có hoa thiệt thì tôi vui Tết bằng hoa giả. Mà hoa giả làm sao làm lòng mình xúc động bằng ngắm hoa thiệt? Những nỗi nhớ tiềm tàng trong tâm hồn về một ngọn gió xuân quê hương, một khung cảnh thân thương… đành gửi gắm vào cung đờn.

Sống xa đất nước lâu nên lúc nào tôi cũng thèm về Việt Nam. Tôi nghĩ về Việt Nam như là lý tưởng sống của tôi trong hoàng hôn của cuộc đời. Năm 2004, khi ngày hồi hương gần kề, tôi thấy nôn nao trong người và gửi nỗi lòng ấy vào thơ:

Quê nhà về ở không do dự

Đất khách rứt đi hết buộc ràng

Sự nghiệp tinh thần trao đất nước

Nâng đàn vui khảy tính tình tang.

Trích Tự truyện Trần Văn Khê

(First News-Trí Việt phát hành)

 Nhiều người nước ngoài không biết tiếng Việt, gọi tên tôi không đúng nhưng tôi cũng không thấy phiền, vì chính chúng ta cũng thường phát âm không chính xác hoàn toàn tên của người nước khác. 

 

Bình luận (0)