Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Những câu chuyện từ trái tim: Kỳ 5: Giới thiệu hình ảnh Việt Nam qua cung đờn

Tạp Chí Giáo Dục

Tôi thương nước Việt Nam nên đã chọn con đường nghiên cứu, giảng dạy, thuyết giảng về âm nhạc để giúp bạn bè quốc tế hiểu hơn về Việt Nam. Tôi nghĩ đó là một phận sự.

Từ lúc bắt đầu đi nói chuyện về âm nhạc truyền thống Việt Nam ở nhiều nơi đến giờ, tôi chưa từng nghe ai chê âm nhạc truyền thống Việt Nam là dở. Nhiều người đến hỏi tôi về âm nhạc truyền thống Việt Nam, khi nghe tôi giải thích thì nhiều người giựt mình. Sự phong phú, giàu có, độc đáo của âm nhạc Việt Nam là niềm hạnh phúc, niềm tự hào lớn của mỗi con người Việt Nam.

Thông điệp văn hóa, thi ca

Vừa giới thiệu về âm nhạc truyền thống Việt Nam, tôi vừa rút kinh nghiệm để lần sau làm tốt hơn. Có một số trường hợp, tôi thấy người giới thiệu đờn chỉ thuần đờn cho mọi người nghe chứ không giảng giải, người nghe chỉ nghe thôi chứ không hiểu gì về cây đờn đó. Hay người giới thiệu nói quá nhiều thì người nghe cũng mệt. Vậy là không nói thì thiếu, nói nhiều quá thì không hay.

Có người gọi công việc tôi đã và đang làm có tính cách tiếp thị âm nhạc Việt Nam đến bạn bè thế giới. Thật ra, thời điểm tôi bắt đầu công việc giới thiệu văn hóa, âm nhạc truyền thống Việt Nam, tôi không nghĩ đến hai chữ “tiếp thị” mà chỉ đơn giản muốn mọi người biết về những nét đẹp đó của đất nước mình. Và đó là một niềm hạnh phúc lớn lao.

Khi giới thiệu âm nhạc dân tộc Việt Nam, mục đích của tôi là giúp mọi người hiểu âm nhạc, nhưng nhiều khi cũng có ảnh hưởng tốt về mặt chính trị mà tôi không ngờ.

GS. Trần Văn Khê và nhà dân tộc học người Pháp Georges Condominas

Trong một chương trình truyền hình ở Honolulu, Mỹ, mà tôi từng tham gia, vào thời điểm ấy, rất nhiều người nghe đến Việt Nam là nghĩ về chiến tranh. Người dẫn chương trình đã giới thiệu: “Thưa quý vị khán giả, nói đến Việt Nam là chúng ta nghĩ đến chiến tranh. Thế nhưng hôm nay, chúng tôi may mắn gặp được một người Việt Nam mang theo một thông điệp văn hóa, thi ca, âm nhạc của đất nước này. Xin quý vị đừng bỏ lỡ chương trình”. Và sau đó là hình ảnh cánh đồng lúa vàng, một cánh chim bay và tiếng tôi ngâm sa mạc. Chương trình đó có rất nhiều người đón xem. Tôi nói rằng: “Dân tộc Việt Nam của tôi là dân tộc có tiếng hát đi theo mọi động tác sinh hoạt trong cuộc sống. Từ lúc mới sinh ra, lúc làm việc ngoài đồng, lúc gặp gỡ lứa đôi, lúc trở về cát bụi”.

Có ích cho đất nước trong mỗi phút giây

Tôi luôn mong cống hiến trọn đời cho đất nước, bằng cách làm sao cho nhiều người Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ hiểu thêm và quay trở về với âm nhạc truyền thống Việt Nam.

Tôi là người của công việc và luôn mong mỗi một giây phút sống của mình phải có ích cho đất nước. Nếu chỉ sống mà chỉ để ăn, uống, tồn tại như cây cỏ – thì chắc tôi không sống nổi. Bao giờ mà tôi thấy mình không có ích cho ai nữa thì chắc không cần đợi có bịnh, tôi cũng sợ e không còn sức sống nữa.

Ở tuổi 90, tôi vẫn tiếp tục những công việc phù hợp với sức khỏe của mình: Nói chuyện trên truyền hình, nói chuyện ở các trường, viết bài tham luận, dạy học trò, giúp học trò làm luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ, tổ chức các buổi nói chuyện âm nhạc chuyên đề định kỳ tại nhà… Tôi luôn tâm niệm, sống là cống hiến và không bao giờ tự nghĩ rằng cống hiến thế là đủ.

Trong mỗi buổi nói chuyện định kỳ về âm nhạc, ngoài những người trong lãnh vực nghệ thuật, các doanh nhân, tôi luôn để 50 chỗ cho thanh niên. Căn phòng họp trong nhà tôi chỉ chứa được 100 người, như vậy cũng đủ để buổi nói chuyện không bị loãng, hạn chế những người đến xem chỉ vì hiếu kỳ, hay đi ra đi vào làm ảnh hưởng đến người khác. Tôi xem đó là một “thánh đường” của văn hóa, âm nhạc của riêng tôi. Các cơ quan truyền thông cũng hỗ trợ tôi rất nhiều để chia sẻ thông tin, tác dụng của chương trình này. Con trai của tôi ở nước ngoài cũng đưa thông tin về chương trình này lên mạng bằng tiếng Anh để thêm nhiều người biết đến những điều tôi nói về âm nhạc, văn hóa Việt Nam.

Mong muốn của tôi khi tổ chức chương trình này là tạo cơ hội cho những người muốn tìm hiểu âm nhạc dân tộc Việt Nam có dịp tiếp cận với nó. Quan trọng nhứt là thanh niên, tôi muốn thanh niên hiểu về những giá trị quý báu ấy của dân tộc. Và để hấp dẫn người tham dự, tôi không chỉ cắt nghĩa, giải thích mà còn mời người biểu diễn để minh họa. Tôi tin rằng bạn trẻ Việt Nam cũng yêu thích âm nhạc dân tộc, vấn đề là cần có người giảng giải cho các bạn một cách sinh động, hấp dẫn. Tôi rất mong muốn có những người như vậy tiếp tục thực hiện ước vọng này của tôi.

Trong khi tôi làm ra tiền, tôi giúp cho con, cháu học trò nghèo, tiền tôi không để xài cho riêng tôi, tôi ăn mặc rất đơn giản. Thậm chí, khi tôi không có đủ tiền cho học trò thì tôi đi xin các mạnh thường quân trong và ngoài nước. Có một em học sinh làm tôi hết sức cảm động khi nói: “Thầy ơi, con thương thầy quá! Thầy tuổi già rồi mà thầy phải đi ăn xin để nuôi tụi con, tụi con không bao giờ dám quên. Phải cố gắng học để không phụ lòng thầy thương mấy con”.

Tôi từng suy nghĩ rằng tuổi cao là lúc mình được nghỉ ngơi. Nhưng trong khi vui chơi, tôi lại nghĩ: “Quỹ thời gian còn lại trên đời không được bao nhiêu, vậy mà dùng để vui chơi vậy thì đã bỏ bao nhiêu cơ hội đem hiểu biết của mình giúp ích cho đời. Mình vui chơi tức là cho rằng công chuyện mình làm đã đầy đủ nhưng thật ra công chuyện mình làm thì biết lúc nào là đầy đủ”.n

Trích Tự truyện Trần Văn Khê

(First News-Trí Việt phát hành)

Đời người vốn ngắn ngủi nhưng cứ “tận nhân lực, tri thiên mạng”, mặc dầu tuổi lớn, khi còn làm được thì tôi vẫn làm, vẫn còn dành trọn tâm huyết cho một chữ tình với âm nhạc, với người, với cuộc đời. Tất cả cũng vì hình ảnh Việt Nam luôn trong trái tim tôi. (GS Trần Văn Khê)

 

Bình luận (0)