Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Những câu chuyện từ trái tim: Kỳ cuối: Dạy con bằng trái tim tỉnh táo

Tạp Chí Giáo Dục

Vì hoàn cảnh, tôi phải xa các con khi chúng còn bé nhưng trong khả năng của mình, tôi cố gắng thực hiện bổn phận dạy dỗ con cái.

Quan niệm của tôi trong việc dạy con là chỉ đưa ra những nguyên tắc và con dựa trên những nguyên tắc đó để làm khác tôi, sáng tạo hơn. Điều này áp dụng từ việc tôi dạy con nấu ăn, làm thơ đến đờn. Và điều quan trọng nhứt tôi mong là con luôn yêu thích những công việc con đã chọn làm.

Vui vì có con nối nghiệp

Tôi rất mang ơn mẹ của mấy đứa con tôi vì đã sanh cho tôi 4 đứa con và có con đã nối nghiệp âm nhạc của tôi. Hoàn cảnh của tôi có vài điểm khá đặc biệt. Tôi xa quê hương khi con đầu mới 5 tuổi, không có nhiều thời gian gần gũi các con như nhiều cha mẹ khác. Tôi không hối hận vì điều đó vì đó chính là một lựa chọn của bản thân. Cũng vì xa cách con nhiều nên mỗi phút giây tôi được bên con đều là những phút giây hạnh phúc, quý báu và chỉ muốn bù đắp cho con.

Các con của tôi ban đầu thương mẹ nhiều hơn thương tôi, nhưng khi có điều kiện gần gũi tôi, được nhìn thấy cách tôi sống, làm việc, con rất yêu thương tôi. Nhưng tôi luôn dạy con công lao mang nặng đẻ đau của mẹ phải mang ơn suốt đời.

Năm 1961, khi con thứ nhứt của tôi là Trần Quang Hải qua Pháp, con nói muốn học violon. Lúc đầu, Hải thích nhạc phương Tây hơn nhạc dân tộc. Tôn trọng mong muốn của con, tôi ghi danh cho Hải học violon tại Viện Quốc tế âm nhạc Paris. Tôi cũng không bắt buộc Hải học đờn dân tộc hay ngồi nghe tôi đờn.

GS. Trần Văn Khê  cùng vợ và các con lúc sinh thời

Học violon được hơn 1 năm, Hải bày tỏ mong muốn được đờn violon cho ông Y. Menuhin – nhạc sư violon lừng danh thế giới nghe để được ông phê bình tiếng đờn của mình. Ông Y. Menuhin vốn là bạn thân của tôi, tôi nói với ông: “Con trai tôi muốn đờn cho bạn nghe, để được nghe bạn nhận xét xem ở tuổi này mà đờn như vậy thì có thể tiến xa không. Con tôi mộng trở thành một giáo sư dạy đờn violon và đi biểu diễn khắp thế giới”.

Ông Y. Menuhin đồng ý và sau khi nghe Hải biểu diễn bằng cây đờn của mình, ông đưa cho Hải cây đờn thiệt tốt của ông và bảo Hải biểu diễn tiếp. Sau đó, ông nói: “Ở tuổi này mà đờn như vậy thì con có cố gắng học hết sức cũng chỉ có thể dạy đờn violon cho mấy trường nhỏ chớ không thể đờn biểu diễn độc tấu. Thầy lấy làm lạ là con có một người cha nổi danh thế giới về nhạc truyền thống, cha con lại biết biểu diễn nhiều loại đờn, sao con không học nhạc truyền thống Việt Nam ở cha mà đi học đờn violon làm gì?”. Hải về nhà buồn một tuần, không đụng đến đờn violon. Sau đó, Hải chạy đến ôm đầu gối tôi và nói: “Con xin ba dạy con đờn tranh!”.

Tôi sẵn sàng dạy đờn cho con liền. Hải học rất mau, rất sáng tạo nhưng không thích học thuộc lòng bài bản cổ. Dạy đờn cho con, tôi khuyến khích sự sáng tạo, dạy một câu rao, khi nào đi khi nào dừng, nhưng con hãy có những sáng tạo riêng. Tôi may mắn khi có con nối nghiệp âm nhạc. Con còn đi tìm cái mới, hoàn thành những điều tôi chưa làm được, điều quan trọng nhất là con biết thương, biết yêu âm nhạc dân tộc.

Gia tài cho con là chữ “tâm”

Tôi tâm niệm phải dạy con bằng chính cách sống của mình chứ không chỉ bằng những lý thuyết suông, thương yêu con và cũng hết sức tôn trọng, không đàn áp con. Những khi con có lỗi, không bao giờ tôi bảo con ngồi lại để nghe tôi la mắng mà tôi thường viết thơ để dạy con. Có bài dài đến 8, 9 trang. Má tôi ngày trước cũng không bao giờ đánh tôi mà chỉ giảng giải, cắt nghĩa một khi tôi có lỗi.

Qua thơ, tôi tự nói với mình về mong mỏi con nối nghiệp cha và tinh thần lao động của mình:

Mai sau, ai giữ nghề âm nhạc?

Hiện tại, ai gìn nghiệp hát ca?

Trọn kiếp tơ tằm chưa dứt mối

Chữ nhàn an hưởng vẫn còn xa.

Tôi cũng chia sẻ với con quan niệm sống của mình:

Đường lợi không màng không bén mảng

Cửa quyền chẳng thích chẳng vào ra.

Tôi giải thích cho con hiểu tất cả những việc tôi làm không vì lợi, không vì danh, mà chỉ vì tình thương yêu âm nhạc, văn hóa Việt Nam. Về làm thơ, tôi chỉ các con niêm luật, cách mở đầu câu chuyện (“khai môn kiến sơn” – mở cửa thấy núi) hay mượn cái này để nói cái khác. Thí dụ nói về tình thương thì mượn trăng gió. Các con cũng yêu thích thơ ca, cha con thường họa thơ với nhau rất thú vị. Thơ của con trật chỗ nào thì tôi sửa ngay.

Những bài thơ xướng họa với con là nơi tôi gửi gắm đến con những lời nhắn nhủ về cách sống ở đời, hãy lạc quan, dũng cảm trước khó khăn, hãy biết sống hết mình vì chữ tình cao đẹp. Tôi tập hợp các bài thơ của con để làm kỷ niệm.

Các con tôi đờn rất giỏi, khi dạy học, các con thường lấy học phí khá cao, còn tôi thì dạy không lấy tiền. Tôi dạy các con rằng, người xưa học thuốc, ra làm thuốc cứu giúp người, không đòi bao nhiêu tiền mà tùy vào bệnh nhân muốn trả bao nhiêu thì trả. Chuyện đờn cũng vậy, trời cho mình ngón đờn thì mình phải chia sớt với những người chưa biết đờn. Nhiều học trò học đờn là để tìm hiểu thêm, để chơi thì đừng lấy học phí cao quá, nếu định dùng tiếng đờn để làm cái nghề sống được thì mình mới có thể lấy tiền nhiều.

Tôi thường bảo con: “Trong đời, ba làm về âm nhạc, không vì để cho có danh, để cho có lợi mà vì tình thương âm nhạc, thương người đi học nhạc. Tiền có thể mua được nhiều điều nhưng có một điều tiền không mua được, đó chính là tình thương. Mà muốn có tình thương thì phải bỏ tình thương ra”.

Tự truyện Trần Văn Khê

(First News-Trí Việt phát hành)

Di sản tôi để lại cho con, trước hết có lẽ là gen thông minh, trí nhớ nhiều, mỗi con có một tài riêng (Trần Quang Hải giỏi đờn, Trần Quang Minh vẽ và đờn nhạc Tây, Thủy Tiên thuật chuyện hay, Thủy Ngọc nấu ăn ngon và tháo vát trong mọi công việc) và truyền lại các con chữ “tâm”. Đến nay, tôi thấy các con tôi trong cách xử đời thường để tâm thương yêu, giúp đỡ người khuyết tật và đau khổ.

 

Bình luận (0)