Tết 2020 vừa qua là cái Tết ấn tượng của ba cha con tôi về việc đọc sách. Có những câu chuyện nhỏ nhặt nhưng lại đem niềm vui cho gia đình tôi trong việc thực hiện văn hóa đọc.
Ngày Tết ứng tiền mua sách đọc
Những ngày nghỉ Tết rảnh rỗi, các con tôi hoàn toàn thoát khỏi kiến thức sách vở. Đây cũng là “thời gian vàng” để các con vui chơi, vận động thể dục thể thao, phụ gia đình dọn dẹp, lau chùi nhà cửa, đồ đạc chuẩn bị đón Tết. Đó là những việc giản đơn để các thành viên trong gia đình cùng tương tác. Chở con đi chơi trong những ngày trước Tết cũng là “nhiệm vụ cao cả” của người cha để con được ngắm cảnh nô nức trước thềm mùa xuân, ngắm “hương sắc mùa xuân” của các loài hoa trái trên những nẻo đường, công viên…
Gia đình tôi đón Tết giản đơn, công việc giáo viên được nghỉ nhiều nên tôi có thời gian dành cho con làm nhiều điều bổ ích khác từ thực tế cuộc sống. Và những ngày này, mua tấm vé số, trao lì xì cho những người kém may mắn cũng là những bài học quý giúp các con biết yêu thương nhau nhiều hơn.
Cũng liên quan đến tiền lì xì, tôi lại hướng con “văn hóa đọc” ngày Tết.
Những trước Tết tôi nói với các con: “Cha sẽ cho các con “ứng tiền” mua sách đọc, Tết có tiền lì xì gửi lại cho cha”. Cả hai anh em đều hào hứng. Sự thích thú ấy toát lên gương mặt của hai đứa trẻ khiến tôi vui lây. Lúc đó tôi đang bận chút việc, các con cứ hỏi tới hỏi lui cha sắp xong chưa để đi mua sách.
Xong việc, ba cha con hành trình đến với thế giới sách. Để con chọn vài cuốn truyện tranh, cuốn sách mà các con yêu thích, tôi cũng chọn thêm vài cuốn khác phù hợp với lứa tuổi để các con… đọc thêm. Nào ngờ, những cuốn đó các con rất yêu thích và mong muốn mua tập tiếp theo. Thế là vài hôm sau lại tiếp tục hành trình đến với thế giới sách (không chỉ các con đọc, khi đến nhà ngoại chơi, các em con dì cùng đọc chung, sự hào hứng càng được nhân lên – các con, các cháu tôi không có điện thoại thông minh để sử dụng như những đứa trẻ cùng trang lứa).
Tôi có thể mua nhiều cuốn cùng một lúc để tiết kiệm thời gian. Nhưng tôi vẫn chọn cách “tốn thời gian” để “được nhiều hơn mất”: các con không đọc “ngấu nghiến” quá nhiều cùng một lúc, tạo hứng thú cho con đọc, mỗi lần chở con mua sách đồng thời chở con đi chơi vài vòng…
Các con tiếp tục mua những cuốn sách mới mà mình yêu thích. Ngoài việc “du xuân ngày Tết”, các con có thêm kiến thức và niềm vui từ những trang sách. Tiền lì xì, món quà đầu tiên và cũng là món quà mà các con yêu thích, đó là sách.
Phố đi bộ Nguyễn Huệ ngày Tết đầy sách để lựa chọn. Tôi cũng “tự thưởng” cho ba cha con những cuốn sách phù hợp với lứa tuổi các con, trong đó “định hướng” cho con sống tối giản (hàng ngày vẫn dạy con như thế) qua cuốn sách Lối sống tối giản của người Nhật.
Đọc sách mùa dịch virus corona
Tiếp tục được nghỉ một tuần, rồi hai tuần vì virus corona, tôi lại dành ít thời gian chở con đi mua sách (và tiếp tục chở con đi mua những cuốn sách tiếp theo để đồng hành cùng con qua trang sách). Ngoài việc con có thời gian làm những việc lặt vặt ở nhà, vận động thể dục thể thao, thì thế giới sách không thể thiếu. Đây cũng là “thời gian vàng” để các con đọc sách.
Bên cạnh sách, những tờ báo giấy vẫn là món ăn tinh thần rất bổ ích để các con biết thêm những kiến thức mang tính thời sự, và không thể không nói đến virus corona (vừa biết thông tin và học cách phòng chống…).
Tết 2020, cũng như những ngày… tránh dịch virus corona, là cái Tết “văn hóa đọc” của ba cha con. Từ việc “ứng tiền mua sách” đã tạo động lực cho các con yêu sách trong những ngày trước Tết, trao cho con những cuốn sách trong những ngày Tết và… thưởng cho con những cuốn sách trong những ngày không đến trường vì đại dịch virus corona tạo nên những câu chuyện về sách ngày Tết – những câu chuyện mà ba cha con cùng đọc sách – cùng đồng hành với những trang sách.
Thái Hoàng (TP.HCM)
Bình luận (0)