Những câu hỏi sau sẽ giải đáp thắc mắc cho du khách muốn đi Mù Cang Chải.
Thị trấn Mù Cang Chải giữa màn sương vào buổi sáng sớm. Ảnh: Minh Đức. |
Thời điểm nào thích hợp để đi
Du khách thường tới Mù Cang Chải vào mùa gặt tháng 9, 10 và mùa nước đổ tháng 5, 6. Đây là hai thời điểm thích hợp nhất để bạn có thể ngắm khung cảnh hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc với những thửa ruộng bậc thang rực rỡ sắc vàng; hay loang loáng nước như mặt gương soi.
Thời tiết tại Mù Cang Chải thế nào
Khác với khu vực đồng bằng, thời tiết tại các vùng núi rất khó dự đoán và thay đổi liên tục trong ngày. Thường có thể có mưa về đêm, sương mù vào sáng sớm và trời hửng nắng ban ngày. Bạn nên chuẩn bị áo khoác gió và áo mưa khi tới đây, đề phòng những cơn mưa rừng bất chợt.
Di chuyển như thế nào
Bạn có thể tới Mù Cang Chải bằng ô tô hoặc xe máy. Nếu di chuyển từ Hà Nội, thông thường bạn sẽ mất khoảng 8 – 9 tiếng trên xe máy. Bạn cũng có thể bắt xe khách theo tuyến Hà Nội – Than Uyên để đi qua Mù Cang Chải. Tuy nhiên, các điểm tham quan nằm rải rác trên nhiều xã và các bản làng, đi xe máy sẽ giúp bạn chủ động hơn.
Lưu ý gì khi đi bằng xe máy tới Mù Cang Chải
Với địa hình nhiều núi cao và đèo dốc hiểm trở như Khau Phạ, đèo Ách, bạn cần hạn chế tốc độ khi di chuyển. Du khách không nên đi buổi đêm vì tầm nhìn hạn chế cũng như vấn đề an ninh, hỏng xe… trên đèo Khau Phạ.
Bạn cần chuẩn bị đầy đủ giấy tờ và các trang thiết bị cho xe. Chú ý tốc độ trên cung đường quốc lộ 32 từ Hà Nội tới Ba Vì, đoạn qua địa phận tỉnh Phú Thọ vì có nhiều điểm kiểm tra.
Tú Lệ – một địa điểm nên dừng chân nghỉ trên đường từ Hà Nội đi Mù Cang Chải. Ảnh: Minh Đức. |
Cần mang những đồ gì
Bạn nên chuẩn bị những đồ dùng cần thiết như quần áo ấm, áo khoác gió, đồ dùng cá nhân, pin và đồ sạc, máy ảnh và điện thoại, giấy tờ tùy thân. Nếu bạn đi bằng xe máy, đừng quên trang bị cho mình mũ bảo hiểm đạt chuẩn, đồ bảo hộ tay chân, găng tay, dán phản quang.
Khi đi xe máy trời mưa nên mang áo mưa nguyên bộ, máy sấy tóc, bọc giày. Ngoài ra, dừng nghỉ các bản làng, bạn cũng nên mang theo kẹo để tặng trẻ em dân tộc.
Lưu trú ở đâu
Du lịch ở Mù Cang Chải chưa phát triển nên các cơ sở lưu trú chủ yếu dưới dạng nhà nghỉ và homestay. Bạn có thể nghỉ tại thị trấn Tú Lệ, Nghĩa Lộ hoặc Mù Cang Chải. Với mùa cao điểm, giá nhà nghỉ có thể dao động trong khoảng 300.000 – 400.000 đồng một phòng. Nếu chọn homestay, mức giá cho một người là 60.000-100.000 đồng.
Tham quan những điểm nào
Khi tới Yên Bái, bạn có thể kết hợp tham quan Mù Cang Chải với các huyện khác. Qua khu vực Tú Lệ, bạn sẽ tới các bản Lìm Mông, Lìm Thái, cánh đồng Cao Phạ, đèo Khau Phạ.
Sau khi vượt qua con đèo được mệnh danh là một trong “tứ đại đỉnh đèo” của phía bắc Việt Nam, bạn có thể rẽ vào những địa điểm như La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, cầu Ba Nhà, bản Thái ở huyện Mù Cang Chải.
La Pán Tẩn với nhiều ruộng bậc thang cao và hùng vĩ nhất Mù Cang Chải. Ảnh:Minh Đức. |
Nếu có thời gian, du khách có thể tiếp tục hành trình qua Than Uyên, đèo Ô Quý Hồ và tới Sa Pa, Lào Cai.
Ăn gì ở Mù Cang Chải
Khi tới Yên Bái và dừng chân ở Mù Cang Chải, bạn có thể thưởng thức những món ăn đặc trưng của người dân tộc Mông, Thái như: xôi ngũ sắc, bánh chưng đen, cá nướng pa pỉnh tộp, bánh dày, gà nướng với lá mắc mật hay thịt trâu gác bếp. Đây đều là những món ăn truyền thống của đồng bào dân tộc địa phương.
Mua quà gì về
Nếu muốn mua quà lưu niệm cho người thân, bạn có thể chọn táo mèo với giá 20.000 – 35.000 đồng một kg; măng rừng hay cốm giá khoảng 100.000 đồng một kg. Hàng bán ở các quán ven đường Tú Lệ hoặc chợ trung tâm thị trấn Mù Cang Chải.
Ngoài ra, các sản phẩm dệt may truyền thống cũng rất đa dạng cho du khách lựa chọn với giá cả phải chăng. Hầu hết là đồ được thêu tay của phụ nữ dân tộc. Bạn có thể mua ở chợ phiên Mù Cang Chải (mở cả ngày, họp vào dịp lễ hội).
Theo Minh Đức/ VNE
Bình luận (0)