Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Những cây cảnh có thể gây nguy hiểm

Tạp Chí Giáo Dục

Một bài tình ca trước đây thường được nhiều người hát có câu rằng “Chiều xưa có ngọn trúc đào, mùa thu lá rụng bay vào sân em…”. Tuy đẹp nhưng “bay vào sân em” có thể gây nguy hiểm đấy. Đây là loại cây cảnh đẹp được trồng trong sân vườn, nhiều cô gái, chàng trai và nhất là trẻ em thường ngắt hoa tặng cho nhau nhưng mấy ai biết đây là loại cây dược liệu có thể gây ngộ độc chết người. Ngoài trúc đào, còn có nhiều loại cây cảnh khác có thể gây nguy hiểm cho người trồng hoặc ngắm cảnh…

Ngộ độc trúc đào
Trúc đào có tên khoa học là Nerium oleander thuộc họ Apocynaceae cho hoa đẹp và có hương thơm, nên thường trồng làm cây cảnh trong sân vườn hoặc các công viên để tạo cảnh quan thơm và đẹp. Nhưng đây lại là cây có độc tính lên tim rất mạnh, chỉ cần một lượng nhỏ chất độc từ trúc đào cũng đã có thể gây tử vong cho người, nhất là cho trẻ em. Toàn thân trúc đào đều độc từ nhựa, lá, hoa, vỏ cây. Ngoài các độc chất tác động lên tim mạch thuộc nhóm glycosid như oleandrin, neriin dùng làm thuốc trợ tim nhưng quá liều sẽ gây ngộ độc lên tim, trúc đào còn chứa những hợp chất nguy hiểm khác tác động như strychnin nên chỉ cần nhai một lá trúc đào là đủ gây nguy hiểm cho trẻ em và nhai 10-20 lá là gây nguy hiểm cho người lớn. Tại Hoa Kỳ, năm 2002 đã có 847 trường hợp ngộ độc liên quan đến trúc đào (Theo Toxic exposure surveillance system). Động vật ăn cỏ như ngựa, bò chỉ cần gặm 100g lá khô cũng đủ bị chết.
 Chậu hoa trúc đào.
Các triệu chứng ngộ độc khi ăn phải trúc đào thường là buồn nôn, nôn, tiêu chảy có thể ra máu, đau bụng, loạn nhịp tim, trụy tim, tụt huyết áp, lạnh người do tuần hoàn máu không ổn định. Từ đó dẫn đến các rối loạn hệ thần kinh trung ương, thiếu oxy lên não, hôn mê và dẫn đến tử vong. Nhựa trúc đào gây rát da, rát mắt, viêm da.
Không những vậy, cây trúc đào còn gây rắc rối theo nhiều cách khác như ngộ độc do hít phải khói từ cây trúc đào bị đốt hoặc dùng nguồn nước có hoa trúc đào rơi xuống ngâm nước. Khi nghi ngờ ngộ độc do trúc đào thì việc gây nôn để giảm hấp thu độc chất và chuyển ngay đến cơ sở y tế cấp cứu là điều cần thiết.
Một vài cây cảnh nguy hiểm khác
Nhiều loại cây có thể gây tai biến ngộ độc. Hàng năm đã từng có nhiều tai nạn ngộ độc trong vườn do cây độc gây ra.
Cây được xem là độc khi một bộ phận cây hoặc toàn cây có thể gây ra nhiều triệu chứng nhiễm độc hoặc kích thích sau khi tiếp xúc hoặc ăn phải.
Cây độc còn có thể gây ra các phản ứng như: ngủ nhiều, kích thích da hay niêm mạc, triệu chứng liệt cơ thể, khó thở, chuột rút, co cơ, tiêu chảy có thể dẫn đến tử vong.
Thông thường là một bộ phận cây gây độc như: quả, nhựa cây…
Cô-ca cảnh
Cô-ca có tên khoa học là Erythroxylum coca, cây nhỏ cao khoảng 3-5 m. Lá cô-ca dùng chiết xuất chất ma túy cocain. Ngày xưa, thổ dân nhai lá để khỏi thấy đói và khát, do tác dụng gây tê. Tác dụng ban đầu là làm phấn chấn tinh thần dẫn đến nghiện nhai lá cô-ca, với liều cao thì gây xỉu, liệt hô hấp. Trong thế giới ma túy, cocain được chế thành chất bột pha tiêm hoặc dùng để hít.
Cà độc dược
 Cà độc dược
Tên khoa học là Datura metel, thuộc họ cà Solanaceae. Có 3 dạng hoa trắng, thân xanh, hoa đốm tím, thân tím cao khoảng từ 1-2m, thường dùng trồng làm cảnh và làm thuốc. Chất độc của cà thuộc bảng A có trong hoa lá thân cây, dùng làm thuốc nhờ hai độc chất hyocin và atropin. Cà độc dược tác dụng lên não làm ảo giác, có khi phát điên. Ngộ độc có thể gây mù mắt do làm tăng nhãn áp.
Mã tiền
Tên khoa học là strychnos nux vomica, hạt chứa độc chất strychnine loại cây độc gây nôn ói. Hạt chín rơi xuống đất thường được nhặt về phơi khô làm thuốc nhưng nguy hiểm vì cực độc. Đã từng có một người vợ dùng hạt mã tiền đầu độc chồng gây tử vong và bị án 14 năm tù.
Cây bã đậu
Tên Croton tiglium L, hạt rất độc, chỉ dùng làm thuốc.
Đề phòng tai nạn
Trong mùa hè, trẻ em thường đùa vui trong sân nhà, vì thế việc đề phòng cây cảnh gây ngộ độc cho trẻ em là điều cần thiết:
– Loại bỏ hoặc không trồng những cây có nguy cơ gây nguy hiểm. Việc chọn các loài cây đẹp và “hiền” thay thế cũng tương đối dễ dàng.
– Trong trường hợp quá thích cây, không đành lòng vứt bỏ thì tốt nhất là phòng ngừa không cho trẻ tiếp xúc với cây độc. Khi rào lại thì cũng cần biết rằng những địa điểm đặc biệt ấy thường kích thích trí tò mò, lôi cuốn trẻ em.
– Căn dặn cẩn thận trẻ em không được ăn các loại trái độc hoặc nhâm nhi lá trong vườn.
Trong gia đình khi phát hiện triệu chứng ngộ độc:
– Không nên hốt hoảng, cần đưa ngay nạn nhân đi cấp cứu. Trong khi chờ chuyển nạn nhân đi cần gọi ngay đến khoa cấp cứu để được tư vấn thêm.
Tạm thời xử lý:
– Nếu do cắn nhầm lá hay thân, quả thì phải lấy ngay các mảnh vụn còn sót lại trong miệng nạn nhân, cho uống thật nhiều nước để làm nôn ói.
– Nếu không biết rõ trẻ đã cho vào miệng loại cây nào thì nên bảo quản chất đã nôn ra để xác định độc chất.
– Nếu bị ngộ độc trên da: rửa da bằng nước sạch ở nơi bị nhiễm độc ít nhất 15 phút, không nên thoa kem lên những vùng bị nhiễm độc.
Theo dõi nhịp thở, nhịp tim và tri giác.
DS. TRƯƠNG TẤT THỌ (SK&ĐS)
Độ độc của cây còn bị ảnh hưởng bởi tuổi tác, cân nặng và sự nhạy cảm của từng người. Trẻ em dưới 6 tuổi là nhóm nguy cơ cao. Trẻ em rất tò mò với thiên nhiên, không hề sợ hãi khi khám phá cây cỏ bằng cách nhìn ngắm, sờ, ngửi hoặc cho vào miệng nếm thử. Các quả có màu sắc sặc sỡ thường được chúng chú ý. Tại Âu châu trong khoảng thời gian từ tháng 7-10 thường có khoảng 20 ca ngộ độc do cây vườn gây ra, nạn nhân thường là trẻ em trong độ tuổi dưới 6.
 

Bình luận (0)