Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Những cây cầu… hồi hộp: Bài cuối: Chấn chỉnh cầu cáp treo Tây Nguyên

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Chiếc cầu cáp treo từ thôn 1 qua thôn 5 mỗi lần có người lưu thông thường phát ra những tiếng loảng xoảng do thanh ngang đã bị hở mối hàn với thân cầu
Vụ sập cầu cáp treo dân sinh tại bản Chu Va 6 (xã Sơn Bình, H.Tam Đường, Lai Châu) cho đến nay không chỉ là bài học “xương máu” của địa phương sở tại, mà còn là tiếng chuông thức tỉnh cho nhiều vùng ở Tây Nguyên lâu nay sử dụng cầu cáp treo làm phương tiện giao thông như là một phương cách để chấm dứt tình trạng “trèo đèo lội suối”.
Lưu thông quá tải trọng
Toàn xã Đạ Ploa, huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng có 4 chiếc cầu cáp treo dân sinh, tải trọng từ 500kg – 2,5 tấn. Trong số đó, một chiếc cầu treo có kết cấu thép mới hoàn thành và được bàn giao vài tháng nay, chấm dứt tình trạng “loại cầu cáp treo đong đưa” được làm bằng gỗ ở địa bàn xã này. Bên cạnh đó, những cây cầu treo cũ trước đây không được gia cố thường xuyên, tình trạng lưu thông quá tải trọng nay được chính quyền và người dân lưu tâm sau vụ sập cây cầu treo ở Lai Châu gây thương vong lớn. Điển hình là chiếc cầu cáp treo nối liền thôn 1 và thôn 5 đã gỉ sét nhiều mà người dân không còn nhớ nó được làm vào năm nào, chỉ biết rằng mỗi lần có người đi qua đều phát ra âm thanh loảng xoảng nghe rợn người do một số nhịp có các thanh sắt chắn ngang đã bị hở mối hàn với thân cầu. Chị K’Thích nhà ở ngay chân cầu cho biết, chiếc cầu hiện nay được thay thế cho cây cầu treo cũ đã bị sập từ lâu lắm. Chiếc cầu cũ được làm bằng gỗ và đong đưa theo nhịp người đi khiến học sinh nhiều lần rớt xuống suối gãy tay, gãy chân. “Như cái cầu của chúng tôi ở đây có tải trọng khoảng 1,5 tấn thôi, nhưng người ta vẫn rước dâu đi qua đây, thương lái cũng chở 2-3 tấn điều, sầu riêng hay sắn khô đi qua mà không lo âu gì”, người phụ nữ có gương mặt hiền lành cho hay.
Em Đinh Quốc Thái, một học sinh lớp 6 Trường THCS Đạ Ploa nói rằng mỗi ngày có nhiều lượt học sinh Trường Tiểu học Đạ Ploa, Trường THCS Đạ Ploa và Trường THPT thị trấn Đạm Bri thường xuyên lưu thông qua cây cầu này để đến trường. Hay tin vụ sập cầu cáp treo ở Lai Châu cũng khiến cho em và bạn bè cảm thấy lo sợ mỗi khi đi qua cầu.
So với các cây cầu cáp treo xã Đạ Ploa, thì cây cầu nối liền thôn 4 thuộc xã này với thôn 3 thuộc xã Đoàn Kết có tải trọng lớn nhất là 2,5 tấn. Theo lời của người dân ở khu vực cầu này, tuy cầu được gắn thanh chắn có chiều cao hạn chế 2,5m nhưng vẫn chịu lực quá tải nhất là trong các mùa thu hoạch sầu riêng hoặc mùa thu hoạch điều, thương lái có khi lưu thông cùng một lúc nhiều chiếc xe tải hoặc xe 3 bánh để vận chuyển nông sản đã thu mua được.
Em K’Giang, học sinh lớp 12 Trường THPT thị trấn Đạm Bri, người thường xuyên qua lại cây cầu này mỗi ngày khi đến trường, nhận xét: “Cây cầu tuy nhìn chắc chắn, nhưng không loại trừ nguy cơ gây rủi ro. Cứ như cây cầu cáp treo ở Lai Châu, đâu có ai ngờ lại sập trong khi nhìn cũng chắc chắn, mà lại mới sử dụng được hơn một năm”.
Chấn chỉnh để đảm bảo an toàn
Ông K’Din, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Đạ Ploa cho biết, chiếc cầu thôn 3 qua thôn 5 với chiều dài 116m được đầu tư xây mới bởi nguồn kinh phí của tỉnh nhà, là cây cầu cuối cùng trong số 4 cây cầu cáp treo trong xã đã được thay thế bằng kết cấu sắt.
Là người hiến đất làm chiếc cầu mới này, ông K’Din tâm niệm: “Mình hy sinh một chút mà người dân có chiếc cầu lưu thông an toàn thì mừng lắm. Đây là cây cầu thứ ba được làm mới ở địa điểm này thay cho chiếc cầu cũ đã quá xuống cấp. Chiếc cầu này nối liền các bản làng với trường học, trạm xá và ủy ban xã. Từ khi có chiếc cầu mới, người dân và học sinh không ai còn bị rớt xuống suối như trước đây, mà các em cũng không còn phải đi đường vòng 4km để đến trường như trước đây nữa”. Tuy nhiên, theo ông K’Din, việc tôn tạo và gìn giữ cầu từ nay phải được lưu tâm đúng mức.
Ông K’Din cho biết, từ sau hôm xảy ra sự cố cầu treo ở Lai Châu, chính quyền xã đã chủ động tuyên truyền việc lưu thông an toàn ở hệ thống cầu cáp treo trong các cuộc họp thôn bản, nhằm góp phần tạo ý thức cho người dân trong các bản làng.
“Sự việc ở Lai Châu là bài học cảnh giác cho người dân vùng núi rằng chúng ta không được chủ quan. Tôi cũng khuyên nhủ bà con lưu ý không tập trung lưu thông đông người khi qua cầu cùng một lúc, cũng không đi qua cầu hàng chục xe như trước đây, hạn chế chở nông sản. Vì dù cây cầu kiên cố đi chăng nữa, nhưng lỡ có chuyện gì thì vừa thiệt cho bản thân vừa gây thiệt hại của công. Vì xã nghèo nên Nhà nước đầu tư cho mình thì mình phải biết quý trọng, phải bảo vệ và gìn giữ. Cho dù việc đi lại là nhu cầu bức thiết của người dân, nhưng cần lưu ý đến việc lưu thông cho đúng tải trọng để đảm bảo an toàn cho mình, cũng là cách bảo vệ của công vậy”, ông K’Din lưu ý.
Ông K’Din cho rằng, việc xây dựng và tôn tạo hệ thống cầu cáp treo ở vùng Tây Nguyên là nhân tố quan trọng, góp phần đổi mới giao thông nông thôn vùng cao, hầu chấm dứt cảnh trèo đèo lội suối, nhờ đó học sinh đến trường nhiều hơn do giao thông thuận tiện, người dân làm ăn, buôn bán được thuận lợi và nông sản đỡ bị thương lái ép giá, đời sống dân trí người dân cũng nhờ đó mà ngày càng được nâng cao.
Bài, ảnh: Bích Vân
Toàn tỉnh Lâm Đồng có khoảng 60 xã, trung bình mỗi xã có 1-2 chiếc cầu cáp treo bắc qua sông hoặc suối lớn. Trong tương lai rất gần, bộ phận quản lý hạ tầng của huyện sẽ trực tiếp rà soát và gia cố những chiếc cầu cáp treo để đảm bảo an toàn cho nhu cầu đi lại của người dân. 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)