Vừa nhận được lệnh “tấn công”, nhanh như cắt, Best chạy nhào tới vồ lấy quật ngã đối tượng. Đó là bài tập quen thuộc của những chú cảnh khuyển tại Đội Huấn luyện và sử dụng chó nghiệp vụ thuộc Trung đoàn Cảnh sát Cơ động Công an TP.HCM (P.Linh Trung, Q.Thủ Đức). Không mang sao hàm nhưng những chú chó này đã góp phần đáng kể trong việc đấu tranh phòng, chống tội phạm và giữ gìn trật tự an toàn xã hội.
Những đồng đội tâm giao không quân hàm
Chúng tôi đến thăm Đội Huấn luyện và sử dụng chó nghiệp vụ vào một ngày cuối năm. Mặc dù không khí se lạnh của mùa đông đã tràn về nhưng TP.HCM vẫn còn lắm cái nắng gay gắt lúc ban trưa. Đúng 14 giờ, dưới cái nóng hầm hập, nhưng 5 chú chó vẫn cùng huấn luyện viên miệt mài tập luyện. Từ những bài tập thể lực quen thuộc như trườn, bò, leo cầu thang… đến các động tác nâng cao như truy đuổi, tấn công tội phạm, đánh hơi ma túy…
Thấy chúng tôi bước vào khu vực của mình, các chú chó sủa vang lên báo hiệu có người lạ. Chỉ khi huấn luyện viên ra hiệu là người quen, chúng mới chịu im tiếng. Các chú chó này đa số là giống chó Becgie (có nguồn gốc từ Đức – PV) đã được thuần chủng nên rất thông minh và nhạy bén.
Trung úy Võ Minh Trung – huấn luyện viên tại Đội – tiếp chúng tôi với gương mặt ướt đẫm mồ hôi. Anh chỉ tay về các chú chó cao to, vạm vỡ nói: Gold, Po, Best, Gấu… đã trải qua kỳ huấn luyện và thi tuyển để chính thức trở thành chó nghiệp vụ, tuy vậy, hàng ngày huấn luyện viên vẫn phải tập luyện để tăng sự nhạy bén và thể lực cho chúng. “Chú chó có vóc dáng to lớn kia tên là Gấu. Chú này đạt giải nhất toàn quốc về hệ chó bảo vệ tấn công. Điểm nổi bật của Gấu là không sợ súng, không sợ thuốc nổ và luôn truy đuổi đến khi nào bắt được đối tượng mới thôi”, anh Trung chia sẻ.
Sau một kỳ huấn luyện kéo dài 6 tháng, các chú chó sẽ bắt đầu kiểm tra, rồi tùy theo năng khiếu, chúng sẽ được phân thành các chuyên khoa khác nhau. Ví dụ, chó nghiệp vụ bảo vệ phải to, chắc, hung dữ, còn chó chuyên giám biệt mùi hơi thì phải chọn những con nhanh nhẹn, linh hoạt và thần kinh cân bằng… Thời gian huấn luyện một chú chó bình thường trở thành nghiệp vụ không quá dài nhưng để đào tạo ra những chú chó lanh lẹ và nhạy bén đòi hỏi người huấn luyện phải thật sự tâm huyết, kiên trì, yêu động vật.
Nói đến Gold – chú chó cưng của mình, Trung úy Trung cho biết: Gold là chú chó nghiệp vụ chuyên về thuốc nổ. Lúc mới nhận, Gold có thần kinh linh hoạt nhưng rất hung dữ. Vì thế để thuần phục Gold, anh mất rất nhiều công sức, phải thức khuya, dậy sớm dắt Gold đi chơi, vuốt ve nó, chăm sóc nó giống như một đứa trẻ Gold mới nghe lời tập luyện. “Đặc biệt, Gold rất thích được khen ngợi, mỗi lần khen thì tôi cảm thấy Gold rất hào hứng, hạnh phúc, sà vào lòng tôi liếm lấy mặt tỏ vẻ thân thiện. Có lần sau khi tập luyện, anh em trong đội giỡn và giả bộ đánh tôi, Gold thấy vậy liền tấn công các anh ấy để bảo vệ tôi, làm tôi rất xúc động” – Trung úy Trung nhớ lại kỷ niệm đẹp cùng Gold. Anh kể tiếp, có lần anh nhận lệnh của Ban chỉ huy rà soát bom mìn ở Sở Công an TP.HCM để chuẩn bị cho Hội nghị họp mặt lực lượng Anh hùng LLVTND. Đúng 6 giờ sáng, anh cùng Gold có mặt tại hội trường Công an TP.HCM. Gold tiến hành lùng sục mọi ngõ ngách trong hội trường. Khi đến các chậu thiên tuế, Gold đột nhiên dừng lại, sủa vang lên như phát hiện điều gì. Ban chỉ huy lập tức lấy máy dò bom mìn nhưng không phát hiện. Tuy nhiên, Gold vẫn vồ vào chậu thiên tuế mà sủa. Sau một lúc tìm hiểu, qua kinh nghiệm, một anh cảnh sát chuyên về bom mìn nhận định có thể chó nghiệp vụ Gold phản ứng do người chăm sóc cây thiên tuế tưới URE, loại phân có tiền chất thuốc nổ vào cây. Và khi hỏi lại người chăm sóc cây thì quả đúng là như vậy.
Một ngày tại Đội Huấn luyện và sử dụng chó nghiệp vụ diễn ra với khá nhiều công việc. Sáng sớm dẫn chúng đi vệ sinh, cho ăn uống, sau đó tập luyện. Các anh trò chuyện cùng chúng theo một cách riêng như những người bạn tâm giao để hiểu nhau hơn. Với một người nhiều năm kinh nghiệm như Thượng úy Lê Đình Trung thì công việc này đã trở thành thói quen thường ngày. Cũng như Trung úy Võ Minh Trung, khi anh nhận Best thì chú đã trưởng thành nên việc quan trọng đầu tiên là phải thân hòa để Best biết được mình là chủ, như vậy sẽ dễ huấn luyện hơn. “Nhưng tôi may mắn là Best rất linh hoạt nên chỉ sau 2 tháng huấn luyện, Best đã có tính kỷ luật và thực hiện được những động tác cơ bản. Có những trường hợp chó chậm phát triển, huấn luyện viên phải huấn luyện thêm, có khi đến 11 giờ đêm mới về nhà” – Thượng úy Đình Trung cười nói. Anh nhớ mãi lần đầu cùng Best đi huấn luyện ngoài thao trường: “Yêu cầu đặt ra là chó phải tìm lấy được vật mà huấn luyện viên ném ra. Với bản tính linh hoạt, khi huấn luyện viên vừa quăng vật từ xa, Best bơi ra giữa hồ để lấy làm tôi rất hãnh diện”.
Việc huấn luyện chó nghiệp vụ tưởng chừng như đơn giản nhưng lại mất rất nhiều công sức. Đặc biệt, là khi các chú ấy bị ốm. “Khi đó tôi phải thức cả đêm, nằm chung chuồng để canh Best. Cũng may là nó ngoan ngoãn chịu uống thuốc nên rất mau khỏi bệnh” – Thượng úy Đình Trung nhớ về kỷ niệm cùng Best.
Theo Thượng úy Đình Trung, điều quan trọng nhất khi huấn luyện một chú chó là phải thân hòa, thương chó, hiểu được tâm lý của chúng và biết chúng cần gì. Đặc biệt, không được dùng vũ lực khi huấn luyện chó vì sẽ phản tác dụng.
Chiến công của chó nghiệp vụ
Ngày 9-3-2017, nhận lệnh điều động của Ban chỉ huy Trung đoàn Cảnh sát cơ động về việc phối hợp với Phòng PC47 kiểm tra quán Bar 212 đường Nguyễn Trãi (P.Phạm Ngũ Lão, Q.1), Đội Huấn luyện và sử dụng chó nghiệp vụ nhanh chóng huy động 5 CBCS và 3 chó nghiệp vụ (trong đó có 1 chó đặc định ma túy và 2 chó nghiệp vụ bảo vệ). Vừa nhận được lệnh của người huấn luyện, chú chó chuyên về ma túy tiến hành lùng sục mọi nơi trong quán bar, từ những chiếc ghế sofa, túi xách cho đến những người trong quán, giúp công an phát hiện và thu giữ được 8 gói ni lông chứa chất tinh bột ma túy và 28 viên nén ma túy. Nhiều đối tượng khi phát hiện lực lượng công an tìm đường thoát thân liền bị 2 chú cảnh khuyển bảo vệ ngăn chặn, khống chế.
Trong chuyên án khám phá đường dây chuyên sản xuất, mua bán ma túy lớn nhất vừa được Công an TP.HCM triệt phá (chuyên án 516E), các chú chó nghiệp vụ của Đội Huấn luyện và sử dụng chó nghiệp vụ cũng góp công không nhỏ. Do địa điểm sản xuất ma túy đã được xác định nên Đội Huấn luyện và sử dụng chó nghiệp vụ không sử dụng chó đặc định ma túy mà dẫn theo 2 chú chó nghiệp vụ bảo vệ nhằm đối phó khi các đối tượng kháng cự, bỏ trốn. Sau khi đã bao vây căn nhà tại địa bàn xã Trà Cổ, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai, chỉ huy ra lệnh chó nghiệp vụ tấn công. Hai chú chó tiến đến gần căn nhà các đối tượng lẩn trốn, sủa inh ỏi nhằm tạo sức ép tinh thần. Trong lần đó, Trung tá Trần Bá Tâm – Đội trưởng Huấn luyện và sử dụng chó nghiệp vụ trực tiếp cầm quân. “Các đối tượng sản xuất ma túy rất hung hãn và có khả năng thủ súng nên việc tiếp cận của lực lượng công an gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng khi nghe tiếng sủa của 2 chú chó nghiệp vụ, tâm lý của các đối tượng có phần hoang mang và run sợ. Nhờ vậy mà việc tấn công trấn áp của lực lượng công an được diễn ra thuận lợi hơn” – Trung tá Tâm nhớ lại giây phút cùng các đồng đội chiến đấu.
Mỗi cán bộ của Đội Huấn luyện và sử dụng chó nghiệp vụ đến với nghề vì những mối duyên khác nhau nhưng ở họ có chung đam mê và tình yêu thương động vật. Sự có mặt của các anh cùng những chú cảnh khuyển trong những chuyên án, các cuộc tấn công và trấn áp tội phạm đã làm cho các loại tội phạm khiếp sợ.
Bảo Trân
Bình luận (0)