Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Những “chiếc bẫy” khi đi du lịch châu Âu

Tạp Chí Giáo Dục

Phàn nàn khách sạn 3 sao giữa trung tâm Paris không có nước nóng vào buổi sáng, nhưng tiếp tân trả lời đơn giản: do các bạn tắm trễ, nước nóng đã hết vì nhiều người dùng từ sớm.

Châu Âu luôn là điểm đến hấp dẫn với khách du lịch Châu Á nói riêng và thế giới nói chung. Thế nhưng nếu không "nằm lòng" vài kinh nghiệm xương máu, du khách có thể bị "trả giá" đắt, thậm chí ảnh hưởng tới cả hành trình của mình.

Móc túi, rạch giỏ

Dù đã rất cẩn thận, chúng tôi vẫn bị một nhóm phụ nữ da trắng giả dạng du khách bám theo ở Venice, Ý, và trong chốc lát, ba lô mang ở sau lưng đã bị kéo bung khóa. May mắn, tôi đã phát hiện kịp thời nên họ không kịp lấy được chiếc túi nhỏ đựng tiền bạc, giấy tờ tùy thân chèn dưới chiếc áo khoác.

Theo lời những du khách từng bị móc túi ở Venice chia sẻ lại trên mạng, những người này thường đi theo nhóm, chỉ cần lấy được tài sản sẽ ngay lập tức chuyền tay cho đồng bọn biến nhanh vào các con đường nhỏ mất dạng. Những nhóm móc túi này thường có một phụ nữ mang thai giả, hoặc người khuyết tật "dỏm" ra tay trước.

Trước đó, nhiều vụ cướp nhắm vào du khách đã được báo chí nước ngoài đưa tin, trong đó có trường hợp du khách Việt Nam bị trấn lột đồng hồ trị giá hơn 1 tỉ đồng vào đêm khuya ở Milan, Ý; hay khách Việt vừa rời tay khỏi vali để nhìn google map thì trong tích tắc không còn thấy tài sản của mình đâu nữa ở giữa Paris, Pháp…

Những chiếc bẫy khi đi du lịch châu Âu - ảnh 1

"Phố hàng rong" kéo dài từ tháp Eiffel qua cầu Pont D'lena đến bên kia bờ sông Seine. VI NGUYỄN

Chị Hương, một người sống lâu năm tại Đức, cho biết khách châu Á luôn là điểm ngắm của bọn cướp giật, móc túi, rạch giỏ ở trời Tây vì thói quen mang nhiều tiền mặt và đồ đạc có giá trị như dây chuyền, đồng hồ đắt tiền. “Để tránh bị theo dõi, bạn nên mang ba lô hay giỏ xách bình thường; bỏ vật dụng giá trị vào một túi nhỏ khác và chèn áo khoác, mũ nón xung quanh, nếu bị rạch giỏ bọn chúng cũng khó lấy”, chị Hương cho kinh nghiệm.

Ăn xin, hàng rong

Khi check-in tại sân bay Charles de Gaulle (Pháp), một trong những sân bay lớn nhất châu Âu, chúng tôi ngỡ ngàng khi thấy người đàn ông đang xin tiền của dòng người chờ đợi làm thủ tục.

Những chiếc bẫy khi đi du lịch châu Âu - ảnh 2

Một người đàn ông ăn xin bên trong sân bay quốc tế Charles de Gaulle, Pháp. VI NGUYỄN

Ăn xin xuất hiện khắp nơi ở Paris, nơi được mệnh danh là thủ đô ánh sáng, thành phố của hàng hiệu, thành phố mộng mơ… của nước Pháp.

Anh Hưng, sống lâu năm ở châu Âu cảnh báo, hạn chế cho tiền những người khỏe mạnh ăn xin vì có thể rước bực vào mình. “Có lần, tôi đưa 2 euro cho một phụ nữ ăn xin, cô ta chê ít và xin thêm. Tôi không cho thì bị cô ta nhún vai, mắng mỏ dữ lắm bằng thứ tiếng của mình”, anh nói và cho biết, kể từ đó anh không bao giờ cho tiền người ăn xin nữa.

Bên cạnh ăn xin, hàng rong cũng đã trở thành "đặc sản" khi tham quan những danh thắng ở Paris như tháp Eiffel hay bảo tàng Lourve. Hàng rong có mặt ở khắp mọi nơi, kéo dài cả cây số tính từ chân tháp, qua nhiều cây cầu trên sông Seine cho đến bờ bên kia.

Thậm chí, nhiều người còn đặt bếp than nướng bắp và thịt xiên trên xe đẩy ngay trên cầu Pont D’lena, được xếp vào hàng đẹp nhất Paris, đối diện tháp Eiffel… Hàng rong như biến tháp Eiffel thành khu chợ trời cả ban ngày lẫn ban đêm.

Lừa đảo và mất uy tín

Một ngày giữa tháng 9 tại Rome (Ý), chúng tôi chọn quán ăn trong trung tâm thành phố cho bữa tối vớ thực đơn là phần hải sản gồm tôm, cá, mực 35 euro (khoảng 900.000 đồng) cho một người và một phần cơm hải sản với giá tương đương. Tuy nhiên, khi tính tiền thì phần hải sản nâng giá gấp 4 lần, tổng cộng bữa ăn hơn 220 euro (gần 5 triệu). Bữa ăn cho hai người thành bữa ăn của 4 người chỉ nhận được giải thích thản nhiên của quản lý nhà hàng : Các anh đặt nhiều như vậy!

Những chiếc bẫy khi đi du lịch châu Âu - ảnh 3

Bạn có thể trả giá khi đi thuyền Gondola trên các kênh rạch ở Venice, từ 120 euro xuống còn 100. VI NGUYỄN

Du khách cũng có thể gặp những sự cố với đặt phòng khách sạn. Hiện tại, giá phòng ở châu Âu tăng cao vì lạm phát. Khách sạn 3- 4 sao có giá từ 200 – 300 euro trở lên cho mỗi đêm nhưng dịch vụ kém và phòng nhỏ; các đồ dùng cá nhân trong phòng thông thường như bình nước nóng… đều không có. Nhưng không chỉ có thế. Khi chúng tôi đặt phòng ven biển ở Barcelona, Tây Ban Nha, đã xong các xác nhận và chuyển khoản thì hai tuần sau, khách sạn thông báo hủy và trả lại tiền với lý do thẻ ngân hàng có vấn đề. Không cần phản hồi, booking ngay lập tức bị xóa. Sau đó vài ngày, khi vào lại khách sạn này xem, giá phòng được đẩy lên cao gấp đôi. Đặt thử thì những phòng này vẫn còn trống.

Còn khách sạn 3 sao tại trung tâm Paris thì rất đúng với một câu thành ngữ của Việt Nam "treo đầu dê, bán thịt chó" trong trường hợp của chúng tôi. Bất chấp phản ứng, khách sạn một mực từ chối đổi phòng. Vì đã thanh toán không còn cách nào khác, khách hàng đành phải chấp nhận. Khách sạn 3 sao nhưng sáng sớm không có nước nóng. Tiếp tân trả lời rất đơn giản: Các bạn tắm trễ, nước nóng đã được khách khác dùng hết!

Nhiều thành phố du lịch ở châu Âu, ngoại trừ Paris, đều đánh thuế du khách ở qua đêm. Chẳng hạn, tại Venice mỗi khách 6 euro cho một đêm, tại Rome là 16 euro; còn Barcelona lên tới 50 euro trên một khách cho một đêm. Nếu ở hai đêm, giá phòng khoảng 400 euro, thì tiền thuế ba người đã 300 euro. Thế nhưng, khách sạn ở Barcelona không thông báo trước cho khách biết thuế này nên nhiều người "bật ngửa" khi check-in.

Ngược lại, Hy Lạp, một đất nước nghèo và kém phát triển hơn nhưng dịch vụ ở các điểm du lịch nổi tiếng như Santorini hay Mykonos lại khá tốt. Đặc biệt, du khách cũng không thấy cảnh hàng rong hay lo sợ móc túi, giựt dọc…

Theo Vi Nguyễn/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)