Với mỗi con tàu biển phá dỡ, công ty chủ tàu chỉ nhận được từ 150 đến 400 đôla/một tấn phế liệu tàu.
Trong dịch Covid-19, ngành du lịch thiệt hại vô cùng nặng nề, nhưng chưa là gì nếu so với ngành công nghiệp du lịch tàu biển.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh đã ban hành lệnh cấm đi du lịch bằng thuyền từ tháng 3. Đến tháng 11, lệnh này đã chuyển thành "du lịch bằng thuyền có điều kiện". Điều này có nghĩa là thuyền du lịch đã có thể đón khách nhưng chỉ sau khi có những biện pháp đặc biệt có thể giúp thay đổi đáng kể về tình trạng sức khỏe và an toàn của khách. Vì đòi hỏi khó khăn này, hầu hết các công ty tàu biển đều tự nguyện gia hạn lệnh cấm ra khơi cho đến hết năm 2020 đến khi họ tìm ra một biện pháp nào đó.
Trước đại dịch Covid-19, Hiệp hội Tàu biển quốc tế, hiệp hội thương mại ngành du lịch tàu biển lớn nhất thế giới, đại diện 95% ngành du lịch trên biển toàn cầu, dự đoán rằng 32 triệu hành khách sẽ ra khơi vào năm 2020 và ngành này sẽ tạo ra một tác động kinh tế trị giá 53 tỉ đôla ở Mỹ và 150 tỉ đôla toàn thế giới. Thế nhưng hiện nay, hiệp hội ước tính "mỗi ngày ngừng hoạt động, ngành du thuyền ở Mỹ dẫn tới tổng thiệt hại vào khoảng 110 triệu đôla, và 800 việc làm của người Mỹ."
Tuy nhiên, với ngành công nghiệp phá dỡ tàu, thì đây lại là một cơ hội kinh doanh khổng lồ.
Hình ảnh những con tàu du lịch bị tháo dỡ thành đống sắt vụn trên khắp thế giới đã cho thấy ngành công nghiệp này bị tổn thương nặng nề đến mức nào. Đây là một hình ảnh tại Cơ sở tái chế tàu biển Aliaga ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Nicola Mulinaris, nhân viên truyền thông tại NGO Shipbreaking Platform, nói với phóng viên của Insider rằng số lượng tàu biển bị phá dỡ ngày càng tăng kể từ khi đại dịch Covid xuất hiện, vì chi phí để duy trì một con tàu không hoạt động là vô cùng lớn. Do đó, nhiều công ty đang phải đối mặt với những rắc rối về tài chính, phải nghĩ đến việc giảm quy mô đội tàu của mình.
Theo báo cáo của Thời báo New York, hãng tàu Carnival đã mất 2,9 tỷ đôla trong quý trước. Hãng đã phải hủy tất cả các chuyến đi trong năm 2021 và cắt giảm 18 con tàu của mình. Ba trong số những con tàu đó, Inspiration, Imagination và Fantasy, đang được tháo dỡ tại Cơ sở tái chế tàu Aliaga ở Thổ Nhĩ Kỳ, cùng với hai tàu du lịch khác.
Để phá những con tàu du lịch cần đến một khối lượng nhân công khổng lồ. Theo New York Times, gần 2.000 người đang làm việc để tháo dỡ 5 con tàu ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Mulinaris nói rằng, do nhiều nhà máy đóng tàu phải đóng cửa do lệnh giới nghiêm, công ty của anh có một danh sách chờ đợi của những con tàu đăng ký tháo dỡ trên khắp thế giới. Những con tàu du lịch khổng lồ này mất đến hàng tháng để phá dỡ.
Trong quá khứ, các công ty kinh doanh ngành du lịch tàu biển bán tàu của họ cho các công ty nhỏ hơn, nhưng vì đại dịch, không một công ty nào có đủ kinh phí để mua. Và họ cũng không muốn đầu tư mạo hiểm vào ngành kinh doanh này.
Các công ty tàu du lịch thông qua một nhà môi giới đê bán tàu cho các đại lý phế liệu, và nhận lại một khoản tiền. Theo Mulinaris, 90% tàu biển làm từ thép, có thể tái chế. Máy móc và đồ nội thất bên trong cũng có thể bán được.
Một chủ cửa hàng đồ cổ nói với tờ Thời báo New York về nội thất của các con tàu: "Đó không phải là những con tàu thông thường. Chúng là các bảo tàng nổi với nhiều món đồ quý giá trưng bày bên trong."
Tùy vào nơi các con tàu được bán và phá dỡ, các công ty du lịch sẽ được trả từ 150 đến 400 đôla/ tấn phế liệu. Một con số quá nhỏ so với chi phí ban đầu bỏ ra đóng mới một con tàu.
Hãng Carnival thường gửi tàu đến trung tâm phá dỡ ở Thổ Nhĩ Kỳ. Mặc dù tiền trả về cho công ty tàu ít hơn nhưng ở đây có điều kiện làm việc tốt hơn và quy trình tái chế thân thiện với môi trường.
Một tàu du lịch có thể mất đến 10 tháng để tháo dỡ, tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của tàu. Kamil Onal, Chủ tịch Hiệp hội Tái chế Tàu của Thổ Nhĩ Kỳ, nói với New York Times: "Con tàu được dỡ ra từng thứ một, từ bóng đèn đến đàn piano, bể bơi và sân gôn."
Thông thường, tàu sẽ được làm sạch, lấy ra trước những thứ có thể bán, sau đó cắt thành từng khối nhỏ một cách cẩn thận để tránh các vật liệu độc hại. Các mảnh này sẽ được tháo ra và chuyển đi bằng cẩu, hoặc bê tay.
Phá dỡ tàu là một công việc nguy hiểm. Bên cạnh các nguy cơ về chấn thương do vận hành máy móc nặng, bị đâm phải, hoặc rơi, các con tàu còn chứa khí gây nổi và các nguyên tố độc như amiăng và chì.
Theo số liệu của Tổ chức phá tàu NGO, đã ghi nhận 397 vụ tử vong trong các bãi phá tàu tính từ năm 2009. Ngành công nghiệp này còn gây hại cho môi trường vì rất khó để ngăn cản các chất ô nhiễm, dầu tràn, bùn và kim loại nặng tiếp xúc với môi trường.
Các chính phủ và các tổ chức đang hoạt động mạnh mẽ để cải thiện tình trạng làm việc cho những người thợ phá dỡ và đảm bảo các hoạt động này không tác động mạnh đến môi trường.
Thảo Nguyên (theo dantri)
Bình luận (0)