Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Những chiêu lừa cho tiền và khuyến mãi mùa dịch

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Giả là người cho tiền rồi yêu cầu bệnh nhân truy cập vào đường dẫn (link) để nhận tiền. Khi nạn nhân đăng nhập tài khoản ngân hàng vào đường dẫn thì bị lấy sạch tiền. Cùng với đó là chiêu trò mạo danh các doanh nghiệp tri ân, khuyến mãi để lừa đảo trong mùa dịch cũng đang diễn ra rầm rộ.

Lừa tiền của bệnh nhi nghèo

Gia đình bệnh nhi D.M. (10 tuổi, quê An Giang, đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố) phản ánh, đối tượng lừa đảo đã dùng chiêu cho tiền từ thiện để chiếm đoạt toàn bộ số tiền gia đình đang tích cóp để mổ tim cho cháu D.M.

“Thủ đoạn lừa đảo của chúng rất tinh vi nên tôi muốn cảnh báo để nhiều người được biết, để không ai bị lừa giống gia đình tôi”, chị Phạm Thị Nở – người thân bệnh nhi D.M. – chia sẻ.

Gia cảnh của cháu D.M. rất đáng thương, cha bỏ đi lúc cháu ba tuổi, cháu sống với người mẹ không lanh lợi trong căn nhà dựng tạm trên đất của người thân. Cách đây vài tháng, trong một cơn đau bất thường, gia đình chuyển cháu đến Bệnh viện Đa khoa TP. Châu Đốc cấp cứu thì phát hiện cháu bị bệnh tim rất nặng. 

Bệnh viện Đa khoa TP. Châu Đốc chuyển cháu đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố thăm khám và điều trị. Qua chẩn đoán, các bác sĩ xác định D.M. bị các chứng viêm cơ tim cấp, cuống tim bị phù, tim yếu. Chi phí cho ca phẫu thuật dự kiến khoảng 150 triệu đồng.

Chị Phạm Thị Nở cho biết: “Gia đình tôi không đủ tiền lo phẫu thuật cho cháu nên một số người tốt đã kêu gọi giúp đỡ. Nhiều nhà hảo tâm đã liên lạc, ủng hộ. Nhưng, kẻ xấu đã lừa tôi lấy sạch tiền”.

Cụ thể, vào ngày 26/6, một người đàn ông tên Vin Nguyễn tự xưng là Việt kiều Mỹ, nhắn tin hỏi thăm tình hình sức khỏe của cháu D.M. Sau một lúc trò chuyện, người này cho biết đã gửi cho D.M. 100 USD hỗ trợ chi phí phẫu thuật, mã nhận tiền là 429-330-1073. Để nhận tiền, người nhà chỉ cần đăng nhập vào đường link của “Ngân hàng Quốc tế” để quy đổi tiền vào tài khoản.

Để tạo lòng tin cho nạn nhân, Vin Nguyễn còn gửi một “chứng từ giao dịch” thể hiện “Ngân hàng Quốc tế” đã chuyển 100 USD vào tài khoản của chị Nở. Tin lời kẻ lừa đảo, chị Nở truy cập vào đường link “hoantatquydoi-usd247.com”. Trang mạng này yêu cầu nạn nhân đăng nhập tài khoản ngân hàng, mật khẩu và mã OTP để “quy đổi tiền”. Thế nhưng, ngay sau đó, tài khoản của chị Nở đã bị “bốc hơi” tất cả 12 triệu đồng đang có.

Theo lời chị Nở : “Việc chiếm đoạt tiền diễn ra rất nhanh, chỉ trong vài phút. Khi phát hiện bị trừ tiền, tôi liên hệ với ông Vin Nguyễn thì ông này đã chặn tài khoản Zalo và số điện thoại của tôi”.

Gia đình bệnh nhi D.M. kể về việc bị các đối tượng giả vờ cho tiền để chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng

Một cán bộ Phòng Cảnh sát hình sự – Công an TPHCM cho biết, chiêu lừa giả vờ chuyển tiền từ “Ngân hàng Quốc tế” và yêu cầu nạn nhân truy cập vào link để chiếm đoạt tiền thời gian gần đây xuất hiện khá nhiều. Điểm mấu chốt của chiêu trò lừa đảo này là khi truy cập vào các trang thông tin mạo danh có tên “Ngân hàng Quốc tế”, khách hàng sẽ được yêu cầu cung cấp tên truy cập, mật khẩu, mã OTP dịch vụ ngân hàng điện tử hoặc cung cấp thông tin thẻ. Từ các thông tin do khách hàng cung cấp, tội phạm sẽ thực hiện hành vi lừa đảo và chiếm đoạt tiền trong tài khoản.

Nhiều chiêu lừa khuyến mãi mùa dịch

Anh N.D.K. (30 tuổi, ngụ quận Bình Tân) cho biết, những ngày qua, do khu vực anh sống đang bị phong tỏa nên anh thường mua hàng qua mạng thay vì đến siêu thị. Ngày 25/6, lên mạng, anh thấy một đường link quảng cáo “mua hàng khuyến mãi Co.opmart” nên truy cập vào để nhận khuyến mãi. Nhưng khi truy cập vào thì kẻ gian đã chiếm quyền truy cập tài khoản Facebook của anh và gửi tin nhắn “nhờ nạp card điện thoại” đến nhiều người bạn.
“Trang giả mạo siêu thị này còn yêu cầu người dùng đăng nhập tài khoản ngân hàng để nhận khuyến mãi. Nhưng rất may, tôi không đăng nhập”, anh K. chia sẻ.

Đại diện hệ thống siêu thị Co.opmart cho biết, đã phát hiện tình trạng giả mạo trang web của đơn vị này để lừa gạt, nhất là trong bối cảnh hiện nay, nhu cầu đặt hàng online tăng cao do ảnh hưởng dịch COVID-19. Thủ thuật chung của những kẻ lừa đảo là gửi link có nội dung khuyến mãi, tặng quà hấp dẫn và yêu cầu người tiêu dùng đăng nhập Facebook hay mật khẩu tài khoản ngân hàng để chúng chiếm đoạt tài khoản. Sau khi chiếm tài khoản Facebook cá nhân, thủ phạm sẽ nhắn tin đến bạn bè của nạn nhân để nhờ nạp card điện thoại hoặc vay tiền qua chuyển khoản. Đối với các tài khoản ngân hàng, thủ phạm sẽ thực hiện chuyển tiền hoặc rút tiền.

Đại diện hệ thống Co.opmart cho biết, đơn vị này không bao giờ yêu cầu khách hàng cung cấp những thông tin cá nhân cần phải bảo mật như mật khẩu Facebook, mật khẩu ngân hàng khi mua sắm trên các trang online của họ. Để đảm bảo an toàn cho khách, các siêu thị thường chỉ cần để lại thông tin liên lạc, chủ yếu là số điện thoại di động, địa chỉ, để chủ động gọi lại cho khách chốt đơn hàng và thời gian giao nhận.

Trước đó, nhiều người dân ở TPHCM phản ánh, họ nhận được tin nhắn với nội dung “nhận quà từ Adidas nhân kỷ niệm 70 năm thành lập công ty” kèm theo đường link để người dùng đăng nhập. Tuy nhiên, qua kiểm tra, cơ quan chức năng xác định đây là trường hợp giả mạo nhằm mục đích lừa đảo.

Chị Hồ Thị Thanh Minh (ngụ phường 4, quận 8, TPHCM) kể: “Hồi đầu tháng 6/2021, tôi nhận được tin nhắn mời tham gia quỹ phúc lợi Coca-Cola để nhận quà, nhận thưởng từ đồng hồ Rolex nhân ngày thành lập. Khi mở đường link tham gia, tôi đã bị chiếm tài khoản Facebook. Đối tượng lừa đảo còn dùng tài khoản của tôi gửi nội dung lừa đảo tới rất nhiều người khiến tôi rất phiền phức”.

Công an TPHCM cho biết, thời gian qua tình hình hoạt động của tội phạm lợi dụng công nghệ cao thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản ngày càng phức tạp, gây nhiều thiệt hại cho người dân và doanh nghiệp. 

Để tránh bị lừa đảo, Công an TPHCM khuyến cáo người dân không nên truy cập vào các đường link lạ, tùy tiện cung cấp mã OTP trong các giao dịch. Không nên tin tưởng và liên lạc, giao tiếp với các mối làm quen, kết bạn với người nước ngoài hoặc người lạ qua mạng xã hội; không trao đổi hoặc làm theo yêu cầu của các đối tượng giả danh. Tuyệt đối không chuyển, nộp tiền cho các đối tượng trên dưới bất cứ hình thức nào. Nếu đã chuyển tiền cần báo ngân hàng phong tỏa ngay. 

Theo Sơn Vinh/PNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)