Đi xin việc làm thêm với mong muốn có thêm thu nhập, nhưng Ngọc (Khoa Việt Nam học – ĐH Sư Phạm Hà Nội) đã bị lừa mất hơn 700 nghìn đồng.
Tuyển bán vé máy bay thành… bán nước lọc
Vũ Thị Ngọc, khoa Việt Nam Học, trường ĐH Sư phạm Hà Nội tìm đến một Công ty TNHH dịch vụ ở trên đường Láng. Sau khi được A. Tuấn (nhân viên) cho xem danh sách các công việc, Ngọc đã đăng ký làm nhân viên trực điện thoại bán vé máy bay, vé xem phim và phải nộp 100 ngàn lệ phí.
Tuy nhiên, khi đi nhận việc, Ngọc lại bị yêu cầu nộp thêm 600 ngàn (bằng 1/3) tháng lương. Chấp nhận nộp số tiền ấy vì nghĩ rằng với mức lương 2 triệu thì chẳng mấy chốc là có thể “thu hồi vốn”. Chưa kịp mừng vì xin được việc làm tốt thì Ngọc đã tá hỏa khi biết công việc của mình thực chất là… bán nước lọc qua điện thoại. Yêu cầu công việc là gọi đến bất kỳ một số điện thoại nào đó (theo danh sách của công ty), rồi thuyết phục khách hàng mua nước, nếu không bán đủ số lượng thì “miễn lĩnh lương” và phải bỏ tiền túi ra trả cho những cuộc điện thoại đã giao dịch. Làm được hai hôm, Ngọc nhận thấy đây là “nhiệm vụ bất khả thi” và phải bỏ ngang chừng.
Quay lại địa chỉ trên đường Láng thì nhận được câu trả lời “miễn hoàn phí trong bất kỳ trường hợp nào”. Ngọc rất bức xúc cho biết: “nếu ngay từ đầu họ nói rõ yêu cầu của công việc thì mình đâu có bị mất tiền như vậy, rõ ràng là họ muốn lừa mình”.
Không chỉ có Ngọc, còn khá nhiều bạn sinh viên bị mất tiền bởi những “chiêu” làm việc của một số trung tâm tư vấn việc làm.
N.H.Nhung, Khoa Tâm lý, ĐHSPHN cũng ngao ngán kể về lần mình bị ăn “quả lừa” của trung tâm gia sư trên đường Trần Quốc Hoàn: tìm đến địa chỉ của trung tâm, mình được họ đưa cho một danh sách những nơi cần người dạy. Sau khi chọn được địa chỉ ưng ý, mình phải nộp trước 300 ngàn gọi là 30% lương tháng đầu. Nhưng khi mới đi “dậy thử” được hai buổi thì nhà chủ lấy lý do con họ bị áp lực học nhiều và không cần gia sư nữa. Mình quay lại hỏi trung tâm thì họ lôi “hồ sơ” ra và nói không hoàn lại tiền…”.
Ngậm ngùi chịu thiệt thòi
Cùng tâm trạng như các các bạn, sinh viên T.V.Đăng, khoa Cầu đường, ĐHGTVT cho biết để xin được chân phát tờ rơi tại trung tâm tư vấn trên đường Thuỵ Khuê, Hà Nội, Đăng phải nộp 200 ngàn trước để họ “giữ việc” .
Làm được 1 tuần trung tâm yêu cầu Đăng mỗi ngày phải có ít nhất 10 người cầm tờ rơi mà mình đi phát đến trung tâm thì mới được nhận lương. Nhưng trên tờ rơi ấy lại chẳng có ký hiệu riêng nào. Vậy là Đăng mất toi một tuần làm không công. Biết bị lừa, Đăng đành bỏ việc, cũng chẳng buồn quay lại đòi tiền vì biết “bắc thang lên hỏi ông giời…”.
Hầu hết các bạn sinh viên khi bị lừa đều không báo cho các cơ quan chức năng, bởi vì nhiều trung tâm liên tục thay đổi địa chỉ, có báo cũng chẳng giải quyết được việc gì – N.H.Nhung khoa Tâm lý, ĐHSPHN búc xúc cho biết.
Việc sinh viên bị lừa một phần là do tâm lý nóng vội muốn đi làm ngay, lại bị hấp dẫn bởi mức lương trên các tờ rơi. Phần khác là do sự thiếu thông tin về những trung tâm tư vấn chân chính.
Ở nhiều trường đại học trên địa bàn Hà Nội hiện nay đã thành lập trung tâm hỗ trợ việc làm cho sinh viên. Mục đích chính là tư vấn và tìm việc cho những sinh viên có nhu cầu làm thêm, tư vấn về nhà trọ và các vấn đề của đời sống sinh viên.
Anh Nguyễn Tiến Thịnh, phó chủ nhiệmTrung tâm tư vấn xã hội vệc làm sinh viên trường ĐH Bách Khoa Hà Nội cho biết: “Các bạn sinh viên đến đây đều được tư vấn miễn phí, được trung tâm tìm địa chỉ làm thêm phù hợp với mong muốn của các bạn… Chính vì vậy tôi khuyên các bạn sinh viên khi muốn tìm việc làm thêm hay nhà trọ nên tìm đến các câu lạc bộ như thế này ở trong chính trường của mình”.
Đông Phong (dantri)
Bình luận (0)