Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Những chuyển biến tích cực từ ngành giáo dục

Tạp Chí Giáo Dục

“Trường học thân thiện” tại một xã vùng sâu của huyện Củ Chi, TP.HCM. Ảnh: Q.Huy
Ngày mai 16-7, tại Đồng Tháp, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị tổng kết bốn năm thực hiện Chỉ thị 33/CT-TTg của Chính phủ và sơ kết 3 năm thực hiện phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. 
Dạy không thù lao để tăng chất lượng giáo dục
Từ năm 2006, Bộ GD-ĐT phát động phong trào hai không và thực hiện chỉ thị 33/CT-TTg của Chính phủ về chống bệnh thành tích trong giáo dục và tiêu cực trong thi cử. Thời gian qua, kỷ luật trong thi cử đã được siết chặt từ thi tốt nghiệp đến thi tuyển sinh ĐH, CĐ. Các kỳ thi đều diễn ra trong không khí an toàn, nghiêm túc. Số thí sinh vi phạm quy chế thi đã giảm dần theo từng năm. Bên cạnh đó, cùng với phong trào đổi mới phương pháp dạy học, chất lượng giáo dục ở các địa phương đã được nâng lên.
Ở Lạng Sơn, mỗi giáo viên dạy 2 tiết/tuần không hưởng thù lao để giúp đỡ học sinh yếu, kém. Quảng Trị, đề cao trách nhiệm của người thầy trong kiểm tra và chấm điểm. Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai đã trích ngân sách 3 tỷ đồng chi trả tiền giáo viên dạy phụ đạo cho học sinh yếu kém. Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm 2011 đã được tổ chức nghiêm túc, khách quan, chính xác theo quy chế. Tổng số 4.026 thí sinh đăng kí dự thi ở 12 môn, có 2.332 thí sinh đoạt giải, trong đó có 54 giải nhất, 438 giải nhì, 927 giải ba, 913 giải khuyến khích. Kỳ thi Olympic Vật lí châu Á năm 2011 tại Ixraen có 5/8 thí sinh dự thi đạt giải, trong đó có 2 huy chương đồng và 3 bằng khen.
Trong toàn ngành, trật tự, kỷ cương trong kiểm tra, thi tiếp tục có chuyển biến tốt. Kỳ thi tốt nghiệp THPT, tốt nghiệp GDTX năm 2011, tỷ lệ thí sinh dự thi đạt 99,64% tăng 0,17% so với năm 2010 (99,47%), trong đó giáo dục THPT đạt 99,81%, giáo dục thường xuyên đạt 98,46%. Ý thức chấp hành quy chế của thí sinh thi tiếp tục nâng cao; các trường hợp vi phạm quy chế được phát hiện và xử lý kịp thời. Số thí sinh vi phạm quy chế bị xử lý kỷ luật đình chỉ thi giảm so với năm 2010; tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT toàn quốc là 95,72%, tăng 3,15% so với năm 2010. Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp giáo dục thường xuyên là 85,47%, tăng 18,76% so với năm 2010.
Tỷ lệ học sinh phổ thông bỏ học học kỳ I năm học 2010-2011 của các cấp học đều giảm, tỷ lệ học sinh phổ thông bỏ học học kỳ I năm học này là 0,43%, giảm so với học kỳ I năm học 2009-2010 là 0,51% và học kỳ I năm học 2008-2009 là 0,56%.
Điều này thể hiện ở tỷ lệ đỗ tốt nghiệp qua các năm đã không ngừng tăng lên. Từ trên 71% năm 2007 đã tăng lên trên 95% năm 2011. Kết quả này là sự cố gắng vươn lên của các địa phương.
4 không và 3 đủ
Bên cạnh đó, phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực cũng góp phần đào tạo một cách toàn diện học sinh ở các trường phổ thông. Nhiều công trình văn hóa, nghĩa trang liệt sĩ đã được các trường chung tay bảo tồn và xây dựng. Các công trình tiêu biểu trong thời gian vừa qua có sự chung tay của các trường như xây dựng tượng đài tại Ngã ba Đồng Lộc…
Nhiều sở GD-ĐT phát động thực hiện 4 không (không đi học muộn, không nghỉ học không phép, không bỏ giờ, không vi phạm quy chế thi, kiểm tra); 3 tốt (chuẩn bị bài ở nhà tốt; thảo luận, xây dựng bài tốt; phấn đấu đạt nhiều điểm tốt) trong học sinh. Cùng với “Lễ trưởng thành và tri ân” cho học sinh lớp 12, các trường của tỉnh Hậu Giang còn tổ chức chương trình Chắp cánh ước mơ cho học sinh lớp 5 và lớp 9.
Về thực hiện cuộc vận động “3 đủ”: Giáo viên và học sinh trong toàn ngành, các tổ chức, các nhà hảo tâm đã quyên góp tiền, sách vở, quần áo, đồ dùng học tập, trợ cấp học bổng giúp đỡ các học sinh có hoàn cảnh khó khăn ổn định cuộc sống, có đủ điều kiện cần thiết để đi học chuyên cần. Các cơ sở giáo dục vùng thuận lợi đã nhận kết nghĩa, đỡ đầu những trường khó khăn góp phần tạo nên tình đoàn kết, thân thiện, giúp đỡ cả về vật chất và tinh thần giữa các đơn vị trường học.
Theo Công đoàn giáo dục Việt Nam thì năm học 2010-2011 toàn ngành đã ủng hộ được 35 tỷ 742 triệu đồng, 24.123 bộ quần áo mới, 22.356 bộ quần áo cũ… 10 bộ vi tính, 41.560 loại đồ dùng học tập, 288.631 quyển sách giáo khoa, 30.725 cuốn sách và nhiều hiện vật khác. Đặc biệt, đã ủng hộ các đơn vị giáo dục miền Trung bị lũ lụt được hơn 6 tỷ đồng, trong đó hơn 4 tỷ đồng các đơn vị đã chuyển trực tiếp cho miền Trung và 2 tỷ 302 triệu đồng chuyển về Công đoàn giáo dục Việt Nam.
Tại hội nghị lần này, Bộ GD-ĐT sẽ vinh danh 112 cá nhân có thành tích suất sắc trong phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Trong số này có 25 cá nhân và tập thể sẽ được nhận bằng khen tại hội nghị. Có nhiều học sinh được nhận bằng khen của Bộ GD-ĐT lần này như em Nguyễn Duy Khánh, học sinh lớp 11A2 trường THPT Vĩnh Xuân, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long. Có một học sinh được nhận bằng khen của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là em Lê Thị Mai Hương, học sinh lớp 9A2, Trường THCS Lưu Thị Lập, TP.Cao Lãnh, Đồng Tháp… Bộ cũng tặng Cờ thi đua của Bộ GD-ĐT cho 22 sở GD-ĐT đạt thành tích xuất sắc trong năm học; tặng bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho 15 sở GD-ĐT về thành tích xuất sắc trong các mặt công tác; khen thưởng 448 lĩnh vực công tác thuộc Sở GD-ĐT đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Nghiêm Huê

Bình luận (0)