Tòa soạnThư đi – tin lại

Những chuyến đò “thót tim”

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

HS Trường THPT Thạnh An và Trường THCS Sao Mai tại bến đò kênh D thuộc huyện Vĩnh Thạnh, TP.Cần Thơ. Ảnh: Q.P

Nằm ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Cần Thơ và Đồng Tháp có hệ thống sông ngòi chằng chịt với rất nhiều bến đò ngang giúp cho người dân rút ngắn được quãng đường đi lại. Tuy thuận lợi là vậy, nhưng thực tế hiện nay vẫn còn không ít bến đò đang ở trong tình trạng báo động. Cảnh chèo kéo, xô đẩy, quá tải,  thiếu các phương tiện cứu hộ đã trở nên quen thuộc…
“Qua sông thì phải lụy đò”
Rất nhiều học sinh (HS) cũng như các hộ dân ở huyện Vĩnh Thạnh, TP.Cần Thơ vẫn chọn đò ngang làm phương tiện di chuyển. Và hàng ngày, các em HS vẫn “đánh cược” mạng sống của mình trên những chuyến đò ngang thiếu an toàn. Khu vực này chằng chịt các con kênh mang tên theo chữ cái như A, B, C, D… HS  ở đây mỗi ngày phải đạp xe 5-6km rồi gửi xe, lên đò sang kênh rộng hơn 100m đến trường.
Được biết, HS ở các nơi khác vẫn đổ dồn về kênh D vì bên đầu con kênh này tập trung hai trường THPT Thạnh An và THCS Sao Mai. Bác Sáu (kinh doanh giữ xe) cho biết: “Mỗi ngày, HS về đây gửi xe rồi đi bộ đến bến đò để sang sông. Mặc dù có cầu nhưng vì quá xa, lại phải đi lòng vòng nên các cháu cứ tới đây đi đò cho nhanh”.
Do HS đều tập trung về kênh D nên các chuyến đò sang kênh này rất đông. Mỗi lượt đò đưa HS đi hoặc về khoảng 30 em trên chiếc đò nhỏ, tuềnh toàng có gắn động cơ. Mỗi ngày người lái đò phải đảm nhiệm hơn vài chục chuyến như vậy cả buổi sáng lẫn buổi chiều. Từ ngày một trường cấp 2 ở kênh khác sáp nhập vào Trường THCS Sao Mai của kênh D thì số lượng HS ở đây lại càng đông hơn. Nếu có kiểm tra thì đò chở đúng số người quy định là 20 người, còn nếu không thì đò chở 30-40 người. “Cứ một chuyến đò sang sông là có khoảng 30 bạn HS nhưng trên đò chẳng hề có một chiếc áo phao nào. Trong khi hơn nửa số người trên mỗi chuyến đò không biết bơi, chẳng may đò bị chìm thì không biết phải làm sao?” – em Thùy Linh, HS lớp 12 Trường THPT Thạnh An lo lắng.
Biết là nguy hiểm nhưng các em vẫn phải đi. Những ngày nắng thì không sao nhưng các ngày mưa lớn, cộng với xà lan qua lại nhiều trên sông, đò gặp sóng lớn là chênh vênh muốn lật úp. Sợ nhất là cảnh đò chuẩn bị rời bến, các em HS còn cố chạy xuống bám lấy thành đò trèo lên. Các em chỉ muốn kịp đến trường mà bất chấp nguy hiểm, nếu không may sẩy chân là bị nước cuốn trôi ngay lập tức. Bên cạnh đó, cũng không tránh khỏi việc máy móc hư hỏng, vậy là đò cứ trôi theo dòng nước chờ đò khác “giải cứu”.
Chuyện HS đi học muộn là điều không tránh khỏi, nhà trường cũng hiểu rõ khó khăn ấy nên không phạt hay kiểm điểm các em đi học trễ. Em Anh Thư, HS lớp 12 Trường Thạnh An nói: “Em mong sao có những cây cầu sẽ được xây lên, để em cũng như các bạn đến trường được thuận tiện và bớt nguy hiểm hơn”. Còn bác Sáu thì tâm tư: “Thiết nghĩ, để HS đến trường được an toàn, cần trang bị phao cứu hộ cho các cháu. Đồng thời cũng phải tăng cường kiểm tra để chủ đò không chở vượt số người quy định, tránh hậu quả đáng tiếc”.
Hiểm nguy luôn rình rập
11 giờ trưa, bến đò Hòa An nối liền xã Hòa An với xã Tân Thuận Đông thuộc TP.Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp rất đông khách, phần lớn là các em HS đang trên đường đến trường. Sau khi tải số người từ bờ bên kia sang, con đò máy nhỏ thó tiếp nhận thêm từ bên này hơn 15 HS, 4 xe máy và 10 xe đạp, nhiều hành khách không còn chỗ đứng phải dạt sang hai bên sát với mép nước, con đò chòng chành nhưng người chủ đò chưa chịu nổ máy mà vẫn “nhẫn nại” chờ để “rước thêm vài khách nữa”. Trên nóc cabin buồng lái chỉ treo vài chiếc phao tượng trưng. Tương tự, ở bến đò ngang thuộc phường 11 – TP.Cao Lãnh dù có lưu lượng người qua lại hàng ngày rất đông, thế nhưng bến đò này cũng không thực hiện đảm bảo về trang thiết bị an toàn. Các phao cứu sinh tuy có nhưng đều là phao cũ và không đúng tiêu chuẩn. Đò nhỏ, khách nhiều, đôi khi khách phải ngồi lên cả yên xe vì không còn chỗ đứng. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, để đối phó với cơ quan đăng kiểm, nhiều chủ phương tiện đã mượn phao đúng tiêu chuẩn kỹ thuật của các phương tiện khác, nhất là những chiếc đò chở khách đi đường dài – cho đủ số lượng để đăng kiểm, sau đó thì “đâu vẫn vào đấy”. Trung tá Mái Văn Dự – Phó trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường thủy, Công an tỉnh Đồng Tháp cho biết tại các bến đò ngang thời gian qua dù chưa xảy ra tai nạn nhưng thực tế cho thấy có nhiều hiểm họa tiềm ẩn. “Chúng tôi sẽ tham mưu với UBND tỉnh ban hành quy chế đấu thầu với tất cả các bến đò ngang lớn nhỏ, đòi hỏi phải có những quy định, tiêu chuẩn nghiêm ngặt bởi các bến đò này thường chuyên chở số lượng HS rất nhiều. Do vậy, nếu để xảy ra sự cố thì thiệt hại sẽ rất nặng nề. Ngoài ra, các cơ quan đăng kiểm cần đánh dấu riêng cho từng phương tiện khi đi đăng kiểm để tránh tình trạng cho mượn qua lại thiết bị an toàn giữa các chủ phương tiện”, Trung tá Dự nói.
Phạm Quyên – Hoàng Trần

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)