Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Những chuyến du hành qua xứ Thượng của Alexandre Yersin

Tạp Chí Giáo Dục

Những chuyến du hành qua xứ Thượng ở Đông Dương là tác phẩm ghi chép của Alexandre Yersin về hành trình thám hiểm của ông qua các vùng núi Đông Dương, trong đó có dãy Trường Sơn và cao nguyên Lang Biang (Việt Nam) từ hơn 100 năm trước.

4 lần khám phá “xứ Thượng”

Tác phẩm này (dịch giả Cao Hoàng Đoan Thục, Nhà xuất bản Trẻ vừa phát hành) là một trong những bản sách tiếp cận đầy đủ những ghi chép, bản báo cáo, tài liệu và hình ảnh tư liệu của bác sĩ Alexandre Yersin trong hành trình khám phá các vùng núi Đông Dương, đặc biệt là vùng cao nguyên Việt Nam. Đây cũng là cuốn sách có thể giúp bạn đọc hiểu hơn, hiểu thêm về các dân tộc miền núi vào những năm đầu thập niên 1890 – khi Yersin bắt đầu chuyến thám hiểm đầu tiên đến nơi này. Đó là một hành trình dấn thân, đầy thử thách, có thể trả giá bằng cả sinh mạng.

Các tác phẩm góp phần khắc họa hành trình khám phá Đông Dương và xứ Thượng (Việt Nam) của bác sĩ Alexandre Yersin - Nguồn ảnh: Nhà xuất bản Trẻ

Các tác phẩm góp phần khắc họa hành trình khám phá Đông Dương và xứ Thượng (Việt Nam) của bác sĩ Alexandre Yersin. Nguồn ảnh: Nhà xuất bản Trẻ

Hành trình “vượt dãy Trường Sơn” lần đầu của Yersin diễn ra vào mùa hè năm 1891. Tuy nhiên, chuyến đi nhanh chóng thất bại vì thời tiết xấu, thiếu trang thiết bị, sự trợ giúp của người dân… Chuyến thám hiểm thứ hai bắt đầu từ mùa xuân năm 1892, lần này ông khởi hành từ Nha Trang. 1 năm sau, từ Sài Gòn, ông tiếp tục chuyến đi thứ ba, khám phá vùng ven biển, đồng thời chuẩn bị nhân lực, vật lực cho chuyến thám hiểm trở lại “xứ Thượng”. Trong chuyến đi này, ông gặp cướp và bị đâm trọng thương, phải dừng chân nghỉ ngơi, chữa trị tại Phan Rang. 

Các ghi chép và báo cáo của Yersin về “những chuyến du hành qua xứ Thượng” được tổng hợp lại trong tập sách gần 200 trang, với các phần: Lần đầu tiếp xúc với xứ sở người Thượng ở An Nam, Chạm trán với bọn cướp, Một tháng ở M’Siao, Lần đầu tiếp xúc với cao nguyên Lang-Bian, từ Nha Trang đến Đà Nẵng – Đi qua vùng đất người Thượng…

Cùng với tác phẩm này, Nhà xuất bản Trẻ cũng giới thiệu 2 quyển sách khác viết về Yersin, với những góc nhìn đa chiều về ông trên các phương diện: bác sĩ, nhà vi khuẩn học, nhà thám hiểm, nhà chăn nuôi, nhà nông học… Đó là: Đốc-tờ Năm: Câu chuyện kỳ diệu về người chống lại bệnh dịch hạch của tác giả Élisabeth du Closel và Yersin – tiểu thuyết từng được trao giải Femina 2012, của nhà văn người Pháp Patrick Deville.

Ngày 12/2/1894, Yesin tiếp tục lên đường cùng 4 cộng sự, 54 phu khuân vác và 15 người lính bảo vệ. Lần này, ông đến Kone-Toum (Kon Tum), sang thị trấn Attapeu (Lào) rồi lại vượt núi về Tourane (Đà Nẵng). Đi đến đâu ông cũng ghi chép lại tình hình địa lý, tiềm năng kinh tế của từng vùng đồng thời chữa bệnh cho người dân tại các buôn làng. Những hình ảnh đầu tiên về người Thượng (cách gọi người đồng bào dân tộc thiểu số miền núi) tại Việt Nam là do Yersin chụp.

“Có lẽ ông là người tiên phong chụp phong cảnh trong những điều kiện khắc nghiệt của chuyến thám hiểm dài ngày trong rừng rậm. Để chụp nhiều bức ảnh, ông trang bị một phòng tối, bao gồm những tấm kính dễ vỡ và các chất hóa học cần thiết cho việc tráng rửa phim, tất cả đều là vật liệu mong manh, dễ vỡ và cồng kềnh. Ông là người đầu tiên ghi lại lối sống của người Thượng, văn hóa, làng mạc và một số phong tục của họ trước khi những xã hội này tiếp xúc với nền văn hóa phương Tây” – trích lời đầu sách.

Từ những báo cáo và đề xuất của Yersin, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer đã thành lập khu nghỉ dưỡng trên cao nguyên Lang-Bian (từ Yersin dùng trong sách, tên gọi hiện nay là “Lang Biang” hoặc “Langbiang”). Đó cũng là cách mà thành phố Đà Lạt đã được thành lập.

Một vùng đất hoang sơ và tráng lệ

Alexandre Yersin thực hiện một hành trình kỳ vĩ, vượt qua dãy Trường Sơn mà chưa từng có người Việt nào làm trước đó. Ông khám phá cao nguyên chủ yếu bằng cách cưỡi ngựa, voi và đi bộ; đối mặt với biết bao nguy hiểm: gặp hổ, rắn, thời tiết khắc nghiệt, dịch bệnh, những trận chiến giữa các bộ tộc… Vị bác sĩ được người dân gọi bằng cái tên thân thuộc là ông Năm (Đốc-tờ Năm) ấy đã cho đời sau hình dung về thuở hoang sơ, hùng vĩ và tráng lệ của một vùng đất.

Bên dưới những bức ảnh tư liệu về phố núi, Yersin đã viết: “Phong cảnh đẹp đã khơi dậy lòng can đảm của chúng tôi”. Đó là thác Liên Khương, những ngôi làng của người Thượng với kiến trúc nhà dài, văn hóa cồng chiêng của người Bahnar… Qua những bức ảnh của ông, người đọc còn được thấy những hình ảnh văn hóa, tập tục xưa của đồng bào dân tộc: phương tiện di chuyển bằng xe trâu, tục đeo khuyên tai của phụ nữ xứ Thượng, những nữ chiến binh Sedang… 

“Phía bắc dãy núi Lang-Bian (ranh giới phân chia giữa vùng đồng bằng sông Đồng Nai và sông Mê Kông) vẫn còn một thung lũng trù phú, vùng Đắk Lắk, nơi đây có những cánh đồng lúa bạt ngàn có thể được so sánh là vùng đẹp nhất Nam Kỳ” – Alexandre Yersin viết. Trong góc nhìn của ông, người dân xứ Thượng “sống hoang dã, hiền lành”, ngà voi có thể được tìm thấy ở khắp nơi cùng với các sản phẩm: trà, quế, thuốc lá, các loại tinh chất… và “tất cả các con sông đều có chứa một lượng nhỏ vàng”.

Trên hành trình khám phá Dran (Đơn Dương) vào tháng 6/1893, Yersin chẳng may gặp cướp. Những ghi chép của ông về thời khắc nguy nan nhất đồng thời cũng cho thấy một không gian hùng vĩ và linh thiêng của đại ngàn. Đó là khi ông được cáng thương, “phải băng qua nhiều con sông, nước ngập đến cổ những người cáng võng và dòng chảy khủng khiếp”, “chúng tôi lọt giữa đàn voi, một con voi cái và voi con xông vào chúng tôi. Phu cáng võng vô cùng hốt hoảng, họ đặt võng xuống đất và bỏ chạy, tôi xém bị voi giày…”. May mắn thay, lúc đó, voi mẹ đã nhảy qua người ông và đưa bầy voi quay trở lại rừng… 

Theo Song Giang/PNO

 

Bình luận (0)