Để thích ứng với chuyển biến của xã hội, các chính quyền ở Ấn Độ đã quyết định đưa vào chương trình những bộ sách giáo khoa mới để cho thấy một hình ảnh khác của đất nước mình.
Những chuyện kể khác là một bộ sách giáo khoa mới gồm những câu chuyện có minh họa dành cho học sinh từ 9-14 tuổi. Bộ sách giáo khoa mới có nội dung tập trung vào cuộc sống ở những thành phố nhỏ hay các làng quê – vốn là những cộng đồng hiếm khi có chỗ đứng trong nền văn học thiếu nhi đương thời.
Những cuộc khảo sát đương thời về giáo dục và văn hóa đã cho thấy rõ những câu chuyện kể xuất hiện trong các sách giáo khoa hiện nay thường xoay quanh các cô cậu học sinh sống trong các đô thị, thuộc tầng lớp trung lưu và gần như luôn luôn xuất thân từ một đẳng cấp thượng đẳng.
Phần lớn các chuyện kể được thiết kế dành cho loại học sinh này nên phản ánh cuộc sống hằng ngày, những cảm xúc, nguồn tài chính, quan hệ gia đình, niềm tin, kinh nghiệm học đường, thói quen ăn uống của các cô cậu học sinh này… để giúp chúng tự hình thành nên suy nghĩ và nhân cách của mình. So với “chuẩn mực” này, những đứa trẻ thuộc môi trường khác luôn phải chứng tỏ là có tài năng xuất chúng. Chẳng hạn, một cậu bé mù phải chứng tỏ có tài năng âm nhạc kỳ lạ của mình trước lớp. Một cô bé thuộc một bộ tộc phải chứng tỏ được rằng những kiến thức của cô về rừng có lợi ích gì cho thế giới hiện đại…
Những hình ảnh như thế để lại những tác hại nặng nề nơi những cô cậu học sinh xuất thân từ những nhóm xã hội bị gạt bên lề. Chúng giảm thấp lòng tự trọng của đứa trẻ này và không giúp trẻ nhận ra vị trí, chỗ đứng của mình trong lòng đất nước, trái lại là đằng khác.
Trong khi đó, Những chuyện kể khác đem lại cho các cô cậu học sinh xuất thân từ những môi trường bị gạt sang bên lề xã hội những hình ảnh mới, giúp chúng tự hình thành suy nghĩ và nhân cách của mình. Đối với những cô cậu học sinh thuộc các tầng lớp trung lưu, khi đọc cũng có thể tìm thấy ở đó những nhân vật, những tình huống và những câu hỏi thuộc loại khác cũng như một chút lạc quan cùng những câu chuyện mang tính động viên, cảm hóa có ý nghĩa giáo dục tốt.
Trong số những chuyện kể trong bộ sách giáo khoa mới này có câu chuyện Bajji Bajji của Mohammed Khadeer Babu, kể lại chuyện một cậu bé có nhiều sáng kiến đã mở ra được một thị trường mới hứa hẹn bằng cách thu gom những tập vở đã sử dụng đem tái chế và sử dụng lại. Nếu như những “chiến công” này có thể làm người đọc bật cười thì chúng lại tạo nên lòng khâm phục đối với rất nhiều đứa trẻ đang hằng ngày phải chật vật mưu sinh để tiếp tục cắp sách đến trường.
Trong một chuyện kể khác, người ta thấy cả gia đình đang quây quần làm bếp và chia nhau thịt trong một buổi ăn trưa thịnh soạn, và đột nhiên nhận thức ra niềm vui ăn thịt là một trong những bí ẩn mà văn học Ấn Độ còn “kính nhi viễn chi”.
Phần minh họa trong bộ sách giáo khoa mới này là công trình của một nhóm nghệ sĩ nổi tiếng của thành phố Baroda (bang Gujurat ở phía tây Ấn Độ) và một nhóm các nhà thiết kế trẻ. Những sách giáo khoa mới này giới thiệu một cách nhìn, cách hiểu và cách nghĩ song song.
Những chuyện kể khác đã được thực hiện nhờ sáng kiến giáo dục của Anveshi, một trung tâm nghiên cứu về phụ nữ ở Hyderabad, và được Quỹ chương trình của nhà doanh nghiệp Ratan Tata tài trợ. Những câu chuyện được kể bằng tiếng Tegulu (ngôn ngữ chính thức của bang Andhra Pradesh), tiếng Malayalam (ngôn ngữ của bang Kerala) và tiếng Anh.
TRUNG NGUYỄN (TTO)
Bình luận (0)