Một hội nghị bàn về việc dịch văn học VN ra nước ngoài lại bị đánh giá là "loạng choạng" ngay từ khâu dịch; ngoài hành lang, đại biểu say sưa thảo luận với báo giới còn trong hội trường, diễn giả mỗi người nói một chuyện…
Tuy mới chỉ bước sang ngày làm việc thứ hai, Hội nghị văn học quốc tế giới thiệu văn học Việt Nam đã bộc lộ nhiều sự cố, bắt nguồn từ cách tổ chức thiếu chuyên nghiệp.
Thiếu chuẩn xác ngay từ cách dịch tên hội nghị?
Trên logo cũng như các tờ giới thiệu, tờ chương trình về Hội nghị, Ban tổ chức đều ghi rõ cả tiếng Việt (Hội nghị quốc tế giới thiệu văn học Việt Nam) và tiếng Anh (International conference to Introduce Vietnam literature). Tuy nhiên, dịch giả Dương Tường cho rằng, hội nghị này "dịch sai từ tên gọi". Theo ông, đó là "cách dịch tiếng Tây theo kiểu ta". "Một hội nghị mời tới hơn 150 đại biểu nước ngoài, phần lớn là các dịch giả, mà lại dịch như thế người ta cười cho", ông nói. "Hội nghị quốc tế giới thiệu văn học Việt Nam nên được dịch là International Conference for Propagation of Vietnamese literature". Trao đổi với VnExpress.net, dịch giả Dương Tường chỉ ra 3 điểm mà theo ông là thiếu chuẩn xác. "Thứ nhất, người nước ngoài thường không dùng "to + động từ" trong tên gọi các sự kiện, hội nghị, hội thảo… Thứ hai, từ "Introduce" không phản ánh đầy đủ tinh thần hội nghị mà Ban tổ chức muốn hướng tới là quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới. Thứ ba, cụm từ "Văn học Việt Nam" không thể dịch là "Vietnam Literature" mà chính xác phải là "Vietnamese Literature".
Chia sẻ với ý kiến của Dương Tường, dịch giả Hoàng Hưng cho biết: "Nói sai thì cũng không hẳn là sai. Nhưng dịch như thế nghe nôm na và quê mùa lắm".
Cách dịch tên hội nghị bị cho là thiếu chuẩn xác. |
Tuy nhiên, khi dịch giả Phạm Xuân Nguyên nêu lên vấn đề này tại buổi Gặp gỡ các nhà văn trẻ diễn ra sáng 6/1, trong khuôn khổ hội nghị, nhà thơ Trần Đăng Khoa, thành viên Ban tổ chức cho rằng: "Tôi nghĩ, đây chỉ là sự khác nhau về quan niệm dịch thuật. Có người thích dịch thoát ý, có người lại thích dịch sát nghĩa". Trao đổi lại với dịch giả Dương Tường, ông nói: "Dù quan niệm thế nào thì cũng phải làm sao để người nước ngoài người ta hiểu tinh thần hội nghị, chứ không thể dùng cách dịch word by word như thế".
Ngoài câu chuyện về tiêu đề, hội nghị còn xảy ra những sự cố gây cười chỉ vì tình trạng "nhiều đại biểu, lắm ngôn ngữ" trong khi Ban tổ chức thiếu sự chuẩn bị chu đáo.
Sáng 6/1, tại buổi thảo luận về Văn xuôi VN hiện đại, sau khi mời dịch giả Trung Quốc Chúc Ngưỡng Tu lên tham luận, nhà văn Hoàng Minh Tường, thành viên chủ tịch đoàn mới ngỏ lời với toàn bộ cử tọa: "Ở đây có dịch giả tiếng Trung nào không ạ?". Dịch giả tiếng Anh đồng thời cũng là chuyên gia tiếng Trung Nguyễn Liên giơ tay. Ông được mời lên dịch từ tiếng Trung ra tiếng Việt cho Chúc Ngưỡng Tu. Không ngờ, vị giáo sư người Trung Quốc nói tiếng Việt rành rọt trong sự ngạc nhiên của cả cử tọa lẫn ban tổ chức. Dịch giả Nguyễn Liên, tiện thể, được mời dịch luôn từ tiếng Việt sang tiếng Anh phục vụ các đại biểu châu Âu. Sự cố này cho thấy rõ, ban tổ chức đã không tìm hiểu kỹ về các diễn giả cũng như không chuẩn bị chu đáo dịch giả cho buổi hội thảo.
Tham luận hội nghị: chuyện ai người ấy nói
Ngày làm việc thứ hai (6/1), Ban tổ chức chia đại biểu thành các nhóm, thảo luận về 4 chủ đề lớn. Tuy nhiên, do thiếu sự tổ chức, định hướng về tham luận, các cuộc thảo luận phần lớn rơi vào tình trạng độc thoại: mỗi dịch giả nói một chuyện, ít có sự trao đổi đa chiều. Trước một số bài phát biểu quá lan man tại cuộc Gặp gỡ các nhà văn trẻ, nhà văn Võ Thị Hảo nói: "Tôi đề nghị các đại biểu đi vào những vấn đề cụ thể, chi tiết hơn, tránh để một hội nghị tiêu tốn tiền thuế của dân lại rơi vào tình trạng lãng phí".
Hội nghị là cơ hội gặp gỡ của các dịch giả, nhà văn đến từ nhiều nước. |
Trong khi các dịch giả nước ngoài chịu khó tìm tòi giải pháp đưa văn học VN ra nước ngoài qua những bài viết như: Dịch và xuất bản văn học VN ở Thụy Điển (Styrbjorn Gustafsson); Tình hình giới thiệu văn học VN tại Hàn Quốc và bài toán của nó (Ahn Kyong Hwan), "Ông cố vấn" và tôi: về việc giới thiệu văn học VN ra nước ngoài qua một trường hợp thành công (Chúc Ngưỡng Tu)… thì một số dịch giả VN dường như coi đây là một hội thảo khoa học hơn là một hội nghị giới thiệu, quảng bá văn học Việt ra thị trường. Những tham luận nặng tính học thuật như Truyền thống và đổi mới trong văn xuôi hiện đại VN (Đặng Anh Đào), Văn chương chăm lo cho sự sống và làm cho người gần người hơn (Nguyễn Văn Hạnh), Vài nét tiếp cận lịch sử và giá trị văn xuôi VN hiện đại (Phong Lê)… tuy rất giá trị trong nghiên cứu văn chương, nhưng dường như lại trở nên khó nắm bắt cho phần lớn các dịch giả chưa am hiểu nhiều về lịch sử văn học VN.
Ở đối cực, sự bám quá sát tinh thần quảng bá, tiếp thị lại khiến cho phần đăng đàn của nhà thơ dân tộc Bùi Tuyết Mai trở nên sống sượng so với một hội nghị lớn. Khi được mời phát biểu, chị thật thà nói: "Hôm nay, tôi mang theo tập thơ mới nhất mà tôi đã tự dịch từ tiếng Mường sang tiếng Việt. Nếu các bạn yêu tôi một chút thì mong các bạn dịch sang tiếng nước các bạn. Tôi còn nhiều tập ở nhà nữa, hôm sau tôi sẽ lần lượt mang tới". Khi bị thành viên chủ tịch đoàn cắt ngang vì phát biểu quá giờ, chị không chỉ lờ đi mà còn tự ý mời thêm một dịch giả nước ngoài trước đó đã hứa dịch thơ chị lên đăng đàn phát biểu, dù anh này không có trong kế hoạch tham luận của Ban tổ chức.
Sau hai ngày làm việc, bên cạnh những thành công nhất định trong việc tập hợp được một đội ngũ đông đảo các dịch giả nước ngoài với những bài phát biểu giá trị, hội nghị quốc tế vẫn lộ ra nhiều điều bất cập trong cách tổ chức. Điều này đã được Chủ tịch Hội Nhà văn Hữu Thỉnh tiên lượng trước khi sự kiện này diễn ra. Trong cuộc họp báo hôm 4/1, ông nói: "Hội nghị không thể không có những thiếu sót. Bởi chúng ta mới tổ chức đến lần thứ hai, chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức những sự kiện thu hút nhiều đại biểu đến từ nhiều quốc gia như thế này".
Lưu Hà (Theo VNE)
Bình luận (0)