Tại một số địa phương vùng ven TP.HCM, nhiều cây cầu đã được xây mới thay thế bến phà; phà lớn thay đò dọc nhưng hiện vẫn còn một số bến phà hoạt động không tuân thủ quy định về an toàn.
Áo phao chất đống dậy mùi ẩm mốc trên phà Bình Quới – Linh Đông vì lâu ngày không ai sử dụng
1.Một trong những bến đò tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn là bến đò Bình Quới – Linh Đông (nối P.Linh Đông, TP.Thủ Đức ngày nay và Thanh Đa, quận Bình Thạnh). Bến đò này do một gia đình mở ra phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, duy trì đến nay là đời thứ ba. Những chiếc đò ọp ẹp ngày nào cũng đã được thay thế bằng phà sắt nhưng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là vào mùa mưa bão.
Mặc dù đường sá đi lại từ khu Đông TP.Thủ Đức vào trung tâm TP khá thông thoáng với nhiều hướng di chuyển, song nhiều người dân vẫn chọn đi phà để rút ngắn thời gian.
So với trước, lượng khách qua phà này mỗi ngày giảm mạnh nên không còn cảnh đội nắng mưa chờ phà như trước. Theo đó, cứ khoảng 10 phút là có một chuyến trả khách rồi đón khách để quay đầu liền. Thường ngày cuối tuần mới có 2 chuyến hoạt động cùng lúc. Mỗi chuyến phà qua lại dao động từ 30-40 khách với khoảng 30 xe máy, giá 4.000 đồng/ lượt.
Trên phà, hàng chục chiếc áo phao, phao chất đống trong khoang nhỏ cũng như treo trên lan can dậy mùi ẩm mốc vì lâu ngày không sử dụng. Vờ hỏi một thanh niên “có cần mặc áo phao không?”, anh này liền xua tay: “Mặc chưa xong thì đã tới bờ bên kia rồi”.
Ông Nguyễn Văn Bồng, bán hàng giải khát gần bến cho biết, có được phà thay đò là ngon lành lắm rồi, ít tai nạn, người dân cũng đỡ lo hơn. Hồi đó còn đò gỗ, khách thì đông, những hôm triều cường lên mạnh nước chảy xiết, nhìn đò ì ạch giữa đám lục bình mà lo. Cũng theo ông Bồng, tại đây từng xảy ra nhiều tai nạn do đò quá tải nhưng chưa nghiêm trọng.
Chị Nguyễn Thị Thanh (P.Linh Đông, Q.Thủ Đức) cho biết, nếu đi từ nhà theo đường chính vào đến trung tâm quận 3 để làm việc phải mất ít nhất 40 phút, hôm kẹt xe mất cả tiếng, trong khi đi đò chỉ mất chừng 30 phút là đến nơi. “Ở hai bờ đều có tuyến xe buýt nên việc qua phà để đi xe buýt đi làm, đi học cũng tiện. Mấy chục năm rồi, gia đình tôi quen đi đò, giờ thì đến phà để vào TP. Lo thì cũng lo nhưng cũng quen rồi”, chị Thanh nói.
2.Tại huyện Nhà Bè, những năm gần đây TP đã đầu tư xây dựng nhiều công trình dân sinh, trong đó có các tuyến đường nông thôn, cầu bắc qua sông rạch làm thay đổi diện mạo vùng ven. Tuy nhiên, một số nơi do điều kiện khách quan nên vẫn chưa có cầu để thay thế bến phà, bến đò nhỏ.
Bến đò Bảy Bé (xã Phước Lộc) là một ví dụ. Ông Nguyễn Văn Tình (ngụ ấp 3, xã Phước Lộc) cho biết, trước đây, việc đi lại từ ấp 3 ra đường Đào Sư Tích người dân chủ yếu sử dụng xuồng, ghe của gia đình. Về sau thấy không an toàn, nhất là những ngày triều cường, mưa gió nên đã chuyển sang đi đò. “Nói đò vì quen miệng nhưng là phà sắt, dù tải trọng không lớn nhưng cũng đáp ứng nhu cầu đi lại của bà con, đỡ lo hơn xuồng ghe gia đình”.
Thực tế, có những bến đò ngang đã được thay thế bằng phà sắt khá hiện đại, tải trọng lớn phục vụ nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa cho người dân. Tuy nhiên việc đi lại giữa luồng tàu bè lớn cũng như chủ phương tiện và khách còn thờ ơ trước các quy định về an toàn giao thông thủy là nguyên nhân dẫn đến hậu quả khôn lường. Như phà đi lại trên sông Soài Rạp, giữa ấp Doi Lầu (xã An Thới Đông, huyện Cần Giờ) và ấp 3 (xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè) cũng đã được các cơ quan chức năng cảnh báo.
“Khi chưa có phà, để tiết kiệm thời gian đi lại, chúng tôi đi đò dọc – là những chiếc ghe cũ, xuống cấp nghiêm trọng được cải hoán lại. Khi có phà do tư nhân đầu tư, những chiếc đò dọc còn lại chủ yếu chở hàng hóa. Phà lớn thì lớn nhưng cũng không an tâm, bình thường thì không sao, hôm mưa gió lại gặp tàu chở hàng trọng tải lớn ra vào, trông chiếc phà quá nhỏ bé mà run”, bà Lê Thị Liên nói.
M.Tuyết – A.Trần
Bình luận (0)