Hết giờ học, các em HS lại tranh thủ lên xe để kịp giờ xe chạy (ảnh chụp tại Trường THPT An Nghĩa, huyện Cần Giờ) |
Việc sáng sáng đến trường bằng xe buýt có lẽ không còn xa lạ gì với các em học sinh (HS) trong nội thành lẫn ngoại thành TP.HCM. Mỗi chuyến xe không đơn thuần là đưa, đón các em đến trường mà nó còn là cầu nối quan trọng để các em bắt nhịp ước mơ cho tương lai của chính mình.
Những đoàn xe nối đuôi
Cần Giờ là một huyện cách xa trung tâm thành phố với đường Rừng Sác là tuyến đường huyết mạch thông suốt các xã trong huyện. Việc đi lại của bà con nơi đây còn gặp nhiều khó khăn, nhất là việc đến trường của các em HS.
Điều đặc biệt là vào lúc 5h45, 11h45, 17h40 hằng ngày, trên con đường Rừng Sác lại nhộn nhịp những chuyến xe buýt. Hành khách của những chuyến xe ấy là các cô cậu HS từ những xã xa xôi của huyện Cần Giờ đổ về các trường học thuộc xã Bình Khánh. Chỉ đếm sơ sơ tại Trường THPT An Nghĩa (huyện Cần Giờ) đã có 6 chuyến xe buýt loại 50 chỗ và 25 chỗ để đưa đón HS từ các xã An Thới Đông, Lý Nhơn, Tam Thôn Hiệp đến học.
Mức trợ giá của TP.HCM đối với HS, SV đi xe buýt đưa rước theo hợp đồng trong năm học 2007-2008 là 2.830 đ/lượt. HS ở các huyện xa như Cần Giờ được ưu tiên khoản “bù” cao hơn: 3.537 đ/lượt. Vì vậy, các em HS cấp 2 chỉ đóng một khoản phí rất nhỏ là 20.000 đ/năm học.
Đối với một số trường cấp 3, nhà trường sẽ hợp đồng với các HTX xe tư nhân, nên về giá cả sẽ chênh lệch khá nhiều. Tùy theo đoạn đường xa hay gần mà số tiền tương ứng sẽ khác nhau. Theo lời của tài xế Nguyễn Văn Hải, 15 năm lái xe đưa rước HS ở xã Bình Khánh: “Từ khi xe buýt vào hoạt động ở đây, HS đi học nhiều hơn. Thấy mấy đứa hứng thú lắm vì không phải đi xe đạp giữa trưa nắng nữa. Nhiều khi nghe tụi nhỏ kể chuyện học với nhau mà tôi ước mình trẻ lại để được đi học. Tính ra, tôi cũng ngày hai buổi đến trường đó chứ”.
Đến trường bằng xe buýt không chỉ giúp tiết kiệm thời gian, an toàn hơn mà còn giúp cho các em HS nâng cao tính tự lập. Nhiều HS trở nên dạn dĩ và vui hơn cũng chính nhờ những chuyến xe buýt này. Em Văn Thị Phương (lớp 11A4, Trường THPT An Nghĩa) cho biết: “Từ lúc học lớp 6 em đã đi xe buýt rồi. Đi riết thành quen, em không còn bị say xe như trước nữa và cũng thấy vui hơn bởi lúc nào cũng có bạn bè để nói chuyện, trao đổi chuyện học hành với nhau”.
Hiệu quả và những điều cần lưu tâm
Có thể nói đưa đón HS bằng phương tiện giao thông công cộng là việc làm hết sức thiết thực khi mà đời sống, điều kiện đi lại của người dân ở huyện Cần Giờ còn quá nhiều khó khăn. Điều này không chỉ thể hiện sự quan tâm, liên hệ chặt chẽ giữa nhà trường và các bậc phụ huynh mà còn góp phần đắc lực vào việc đảm bảo trật tự ATGT trên các tuyến đường, giảm thiểu nguy cơ dẫn đến TNGT.
Cô Lại Thị Nhiều (xã An Thới Đông) phấn khởi: “Trước kia đường sá đi lại cực nhọc lắm, tụi nhỏ đạp xe đi học có đứa té xe, có đứa bị mấy thằng thanh niên chạy lạng lách đụng phải. Từ khi có xe buýt, tôi cho tụi nó chuyển qua đi xe buýt hết. Vừa tiết kiệm, vừa an toàn nên mình cũng đỡ lo”. Chú Hải cho biết thêm: “Nếu không có xe buýt thì chắc tụi nhỏ nghỉ hết rồi vì đi học quá khó khăn. Gia đình nào mà nghèo là con cái sẵn sàng nghỉ vì không muốn cha mẹ vất vả. Giờ đây, HS đi học có xe buýt đưa rước tiện lợi quá rồi”. Theo như cách chú giải thích, ở xã Lý Nhơn, để đi học các em phải đạp xe 32km mới đến Trường An Nghĩa. Trong khi đó, trưa 11h15 tan, 12h30 vào học lại, các em đạp xe về nhà cũng đã “xì khói” rồi nói gì đến ăn uống, nghỉ ngơi. Một ngày rất ít em đạp được bốn lượt như vậy. Nếu nghỉ lại trường, thì phải tốn thêm tiền ăn trưa, đó là chưa nói đến các vấn đề phát sinh khác. Và cũng chẳng biết trường có cho các em ở lại không.
Tuy nhiên, việc đến trường bằng xe buýt không phải lúc nào cũng có được kết quả tốt. Chị Nguyễn Thị Cưỡng (ấp Bình Trường, xã An Thới Đông) nói: “Năm cháu nhà học lớp 6, chị đã cho đi xe buýt rồi. Lúc đó nó còn nhỏ quá nên thường bị mấy đứa lớn hơn ăn hiếp. Nhưng chị biết được, báo cho nhà trường, đến bây giờ không còn chuyện đó nữa”.
Vì số xe buýt của huyện có hạn nên đôi khi không đủ đáp ứng nhu cầu của HS. Có em nhiều lần phải đi xe ôm về nhà vì ra trễ giờ xe, hoặc lúc về sớm thì phải đợi rất lâu, đến lúc đủ số lượng HS xe mới chạy. Em Dương Thùy Oanh than: “Đầu năm HS nhập học đông mà xe lại ít nên việc phải đứng là chuyện bình thường. Nhiều hôm em lỡ dậy muộn hay có việc phải họp lớp là bị đi về xe ôm ngay. Tiền đi xe ôm mấy lần gộp lại đủ mua vé xe một tháng đó chị”. Các em cũng than rằng vì thường phải chen lấn và vội vàng nên mỗi ngày về đến nhà đều thấy rất mệt mỏi.
Như vậy, việc đưa đón HS bằng xe buýt tuy đem lại những hiệu quả thiết thực nhưng cũng còn đó nhiều vấn đề khác mà các cơ quan hữu quan, phụ huynh và nhà trường cần quan tâm hơn nữa. Làm sao để các em có thể đến trường trên những chuyến xe an toàn và thuận tiện nhất, làm sao để mỗi em khi bước lên xe đều có cho mình một chỗ ngồi, để những chuyến xe nối liền con chữ ấy được trọn vẹn ý nghĩa?
Hoàng Thuận – Tiểu Di
Bình luận (0)