Nghề làm báo tạo điều kiện cho tôi được đặt chân đến nhiều nơi trên dải đất hình chữ S. Ký ức về những miền rừng nơi tôi đi qua ấy bao giờ cũng khiến tôi nhớ đến những đôi mắt trong trẻo của lũ học trò, lời tâm tình ấm áp mà đầy ám ảnh của những giáo viên thầm lặng gieo chữ giữa đại ngàn. Kỉ niệm ấy nghiêng trĩu một khung trời nhung nhớ…
Buổi tựu trường của học trò trường giáp biên giới Thượng Trạch (Quảng Bình) |
1. Trường là nhà! Tôi thấm thía hơn cụm từ ấy vào những ngày rong ruổi trên dặm dài dọc dãy Trường Sơn, khi gặp và trò chuyện với cô giáo trẻ cắm bản ở xã Pa Nang (huyện Đakrông, Quảng Trị) – một trong 64 gương mặt giáo viên tiêu biểu cắm bản tại 64 huyện nghèo trên cả nước năm 2015, cô Nguyễn Thị Hải Hà. Chưa đầy 30 tuổi, giọng Hà đanh rắn và bản lĩnh: “Đêm ở miền ngược là một nỗi ám ảnh khó quên. Căn phòng tập thể ngăn đôi, một bên là nữ, bên kia dành cho nam. Những đêm mưa, thầy cô cứ lục đục che chỗ dột, hứng nước mưa, có khi trời tạnh mưa cũng là lúc đến giờ lên lớp. Những đêm trắng ấy là chuyện thường tình, chưa kể đường đến trường băng rừng, lội suối, mùa lũ mắc kẹt cả tháng ở điểm lẻ với rau rừng qua bữa”. “Người ta nói sống mãi thành quen, nhưng với mình, nơi đây còn là nhà. Mà không phải là nhà sao được khi một năm có 365 ngày thì hết 200 ngày mình ở lại đây, chăm lo cho học trò từng nét chữ, con toán”, Hà cất giọng trầm trầm nói.
Một lớp học ở miền núi Đakrông (Quảng Trị) |
Trong đôi mắt của cô giáo trẻ vùng cao, đọc được cả tình yêu chất chứa cho lũ học trò chân đất đầu trần giữa chốn rừng thiêng nước độc. Chợt hình dung ra ánh mắt trìu mến ấy ở cô giáo Phan Thị Pháp – người từng được bà con đồng bào Vân Kiều ở bản Khe Ngài, xã Đakrông (huyện Đakrông) từng ví là Đuy Sen của bản. Gần 40 năm ở lại với rừng, với bà con, cô không chỉ là người giáo viên gieo chữ mà còn là người thầy giúp bà con thoát khỏi nhiều tập tục lạc hậu, biết hướng đến và tiếp cận nhiều hơn với đời sống văn minh. Ngần ấy thời gian ở rừng, xây dựng hạnh phúc với một chàng trai bản, cô Pháp trở thành người con của bản: “Ngày ấy, mình cũng từng nghĩ sẽ trở về thành phố dạy học nhưng cứ mỗi lần định dứt áo đi lại thấy lòng day dứt. Lâu dần thành tình yêu, không nỡ rời đi được”…
Tôi cám ơn nghề đã đưa tôi đến, đi qua, cảm nhận được cuộc sống đẹp và đầy ý nghĩa ngay chính trong những câu chuyện của những con người bình dị trên những miền quê nghèo khó. Để từ nơi ấy, vỡ vạc ra những chân trời hoài vọng! |
2. Hạnh phúc của các em là hạnh phúc của mình! Niềm hạnh phúc giản dị ấy là điều thứ hai tôi cảm nhận được trên những chặng đường nghề đi qua. Tôi từng gặp cô Trần Thị Kim Thoa, giáo viên mầm non ở xã Trà Leng (huyện Nam Trà My, Quảng Nam). Câu chuyện cùng Thoa giữa đêm sâu núi rừng nghe cái buồn thăm thẳm theo gió lùa qua phên vách. Tiếng chim giẻ giun vọng lại từ vách núi rờn rợn. Thoa bảo, bốn năm trước, khi nhận quyết định về đây, thú thực em cũng không hình dung hết cái khổ của đồng bào, của các cháu. Xin lỗi, gọi là trường nhưng chẳng khác gì… cái chuồng trâu! Tranh tre nứa lá ghép lại, qua mưa nắng rã mục ra, cũ xì đen xỉn, vách chực sập, bên trong tối om. Trẻ em thiếu ăn, thiếu mặc nên người cứ xanh xao, gầy gò, phần lớn đi chân đất, thậm chí còn cởi truồng. Vận động được các cháu đến lớp là cả một vấn đề nan giải đối với những giáo viên cắm bản. Rồi bốn năm sau đó, không ai khác, chính Thoa đã dấn thân, làm nhịp cầu để những đứa trẻ chân đất, đầu trần ở Trà Leng có được bốn ngôi trường mầm non vững chãi, che nắng, chắn mưa để yên tâm học hành, những bữa cơm có thịt và những chiếc áo ấm giúp các cháu vượt qua cái lạnh cắt da, buốt thịt. Những con đường đến trường của các cháu cũng đã được Thoa cùng đồng nghiệp vận động bà con chung tay phát quang sạch sẽ, các em tới lớp đỡ vất vả hơn rồi. Có nhiều tổ chức từ thiện còn tặng tủ sách cho trẻ. Niềm vui giản đơn như cái “nghiệp” vận vào Thoa. Hôm tình cờ gặp lại ở phố, Thoa bảo mình không còn bám bản mà đã chuyển về làm nhân viên văn phòng ở Khoa Y dược (ĐH Đà Nẵng). Dẫu vậy, tấm chân tình em vẫn dành cho bà con vùng cao. Thoa vẫn âm thầm kết nối với các tổ chức từ thiện để duy trì những bữa cháo có thịt cho trẻ Trà Leng, và chung tay giúp đỡ nhiều mảnh đời bất hạnh khác…
Thật khó để gói gọn những gương mặt đã gặp gỡ trên chặng đường nghề. Trong câu chuyện với những người giáo viên trẻ ngày đêm bám bản ở những vùng núi xa xôi, hiểm trở, cuộc sống còn nhiều gian nan vất vả thấy một tình yêu trong trẻo dành cho học trò. Hơn 40 năm sau ngày hòa bình, cuộc sống chưa hết khó khăn trên dọc dãy Trường Sơn, nhưng giờ đây, đâu đó trên các bản làng giữa đại ngàn hùng vĩ, vẫn có những giáo viên đang ngày đêm âm thầm với công cuộc mở đường chữ lặng lẽ mà bền bỉ. Những người lặng lẽ dạy chữ nơi các bản làng thâm sơn cùng cốc ấy không chỉ đơn thuần truyền con chữ cho lũ học trò, họ còn lặng lẽ gánh trên đôi vai cả sứ mệnh mở con đường nối miền ngược với miền xuôi.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Bình luận (0)