Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Những cô gái thổi hồn cho trang sức Việt

Tạp Chí Giáo Dục

Hiếm có người phụ nữ nào nói không với trang sức. Ở thế giới phù phiếm ấy, có những người phụ nữ tự mình tạo nên những món trang sức để thỏa lòng đam mê để làm đẹp cho mình và cho cả những người bạn của mình.

Những cô gái thổi hồn cho trang sức Việt

Từng học thiết kế trang sức nên với Phương Lan (sống tại Hà Nội), việc thể hiện những ý tưởng của mình trong các sản phẩm dễ dàng hơn. Vậy nên không có gì lạ khi Phương Lan từng cho ra đời dòng sản phẩm trang sức thương hiệu Lajew Adinfashion. Ở đó, người ta bắt gặp những mẫu nhẫn bạc được thiết kế kết hợp với đá tự nhiên rất khéo léo.

Ngoài việc thả sức sáng tạo với các mẫu nhẫn bạc, Phương Lan còn thể hiện tài năng qua các thiết kế điêu khắc trên đá tự nhiên… Nếu yêu phong cách dịu dàng, bạn sẽ mê ngay chiếc nhẫn bằng đá Labradorite được khắc hình hoa mẫu đơn, còn những cô gái đang theo đuổi phong cách rock – chic chắc chắn sẽ say đắm trước charm thạch anh hình đầu lâu của Phương Lan.
Thổi hồn cho trang sức Việt 1

Hỏi lý do vì sao bước vào con đường này, Phương Lan cho biết: “Chẳng có lý do nào ngoài lý do là tôi thích làm điều này. Phụ nữ có ai mà không mê trang sức. Có thể tự làm ra trang sức để thỏa mãn giấc mơ thì không có gì có thể sánh được”.
Cô kể: “Khó nhất là tìm ý tưởng. Ý tưởng đến từ nhiều nơi và đến bất chợt lắm. Nó có thể đến từ khách hàng, từ bản thân của viên đá. Hoặc từ các nguồn trên mạng. Nhiều khi ngồi hoài mà nghĩ không ra nhưng có khi ý tưởng đến nhiều đến mức làm không kịp luôn”.
“Sau khi đã có ý tưởng thì việc tiếp theo là vẽ phác thảo ra giấy. Từ đó, mình lại dựng ra thành những mô hình bằng sáp cứng với tỷ lệ 1:1. Loại sáp này có màu xanh ngọc hoặc xanh lá cây sậm màu. Vì là hàng thiết kế riêng biệt nên những mẫu sáp đều được tôi làm hoàn toàn bằng tay chứ không phải bằng máy như một vài nơi khác. Cuối cùng là ép khuôn thạch cao và mới đúc bằng kim loại”, Lan chia sẻ thêm.
Thổi hồn cho trang sức Việt 1

Thổi hồn cho trang sức Việt 2

Cũng đam mê trang sức, nhưng Trần Thị Ngân Thu (sống tại TP.HCM) lại chọn gốm làm chất liệu. Sử dụng trang sức bằng chất liệu gốm phải cẩn thận hơn những chất liệu khác vì gốm mỏng manh dễ vỡ. Vậy mà trang sức từ chất liệu này lại được lòng những cô gái yêu thích sự phóng khoáng.
Các mẫu thiết kế của Ngân Thu rất trẻ trung với hình thù của muông thú như chim, cú cùng màu sắc tươi trẻ. Bạn Quỳnh Lệ, nhân viên văn phòng tại TP.HCM cho biết: “Tôi yêu mặt dây chuyền bằng gốm của Ngân Thu vì có thể phối cùng với những chiếc đầm hoặc áo sơ mi đơn giản. Mỗi lần diện dây chuyền xuống phố là thế nào cũng có người hỏi chỗ mua. Vì là hàng thủ công nên dù có làm giống nhau thì mỗi chú chim vẫn mang một thần thái riêng không thể nào trùng được”.
Chia sẻ về niềm đam mê của mình, Ngân Thu nói: “Chị mình là cô giáo dạy làm gốm, mình vẫn thường giúp chị nên cũng biết về làm gốm. Lại là người thích mặc những mẫu đầm một màu với thiết kế đơn giản nên mình nghĩ tại sao không làm dây chuyền để điểm xuyết cho phong cách của chính mình. Vì gắn bó với gốm và hiểu gốm nên mình chọn gốm làm chất liệu”.
Thổi hồn cho trang sức Việt 3

Thổi hồn cho trang sức Việt 4

Quá trình làm ra một tác phẩm trang sức bằng đất sét có nhiều công đoạn khác nhau và… “dĩ nhiên là công đoạn nào cũng được làm bằng chính đôi tay của mình”, theo chia sẻ của Ngân Thu. Đầu tiên, dùng cán lăn cho đất sét bẹp giống làm bánh. Tiếp theo, dùng bút định hình sản phẩm. Dùng dao cắt bỏ đi phần đất thừa để hình thành nên hình dạng chuẩn nhất của sản phẩm.
“Khi hình dạng của sản phẩm đã được định hình thì con người họa sĩ của mình được phép “xuất đầu lộ diện”. Mình có thể cầm cọ lên để tô màu trang trí cho sản phẩm của mình. Sau khi tô màu và trang trí xong thì mang đi nung 2 lần là có thể diện trang sức bằng gốm rồi!”, Ngân Thu cho biết.
Những ai từng học qua cách thức làm gốm đều biết không dễ để có được màu men như ý trong quá trình nung gốm. Nhưng nếu đam mê và dành thời gian cho việc làm gốm như bạn Ngân Thu thì “đối với người mới làm gốm, màu sắc khi nung ra đôi khi khác với màu sắc ban đầu mà mình tô. Nhưng do đã làm quen tay, tôi có thể canh được màu mà mình muốn. Một điểm cần phải lưu ý khi làm trang sức bằng gốm là đất sét sẽ co lại khi được nung ở nhiệt độ cao. Nên khi tạo hình sản phẩm, đặc biệt là nhẫn hay vòng phải canh kích thước cho chính xác để tránh tình trạng nung xong thì không thể đeo được vì quá chật”.
Quy trình để làm nên một món trang sức không hề là việc dễ dàng. Nếu nắm được các kỹ thuật đó thì chắc chắn cô gái nào cũng sẽ trân trọng chiếc nhẫn, đôi hoa tai hay chiếc mặt dây chuyền mà mình đang sở hữu.

Diễm Thư 
Ảnh: NVCC/TNO

Bình luận (0)