Họ là những người phụ nữ rất bình thường, chỉ biết cố gắng vượt lên những thiếu thốn đời thường để có những tiết dạy sinh động. Điều tưởng chừng đơn giản ấy nhưng không phải ai cũng dễ dàng vượt qua, bởi có những hoàn cảnh éo le, không ai giống ai.
Những cô giáo ấy được nhận danh hiệu “Giỏi việc trường, đảm việc nhà” tại hội nghị tổng kết phong trào “Giỏi việc trường, đảm việc nhà” lần thứ 4 (2005-2009) tổ chức tại TPHCM vào ngày 29/11/2009.
Các cô giáo cùng nhau trao đổi kinh nghiệm
Hạnh phúc từ chính bàn tay mình vun vén nên
Có lẽ khá nhiều người công tác trong ngành giáo dục huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh bất ngờ khi những đứa con của cô giáo Nguyễn Thị Xuân Mai được ăn học đến nơi đến chốn như vậy. Bởi lẽ, ở tuổi 31, chồng cô giáo qua đời, để lại 2 đứa con nhỏ dại và bố mẹ chồng đã ở tuổi 80. Một nách 2 con nhỏ: một đứa học lớp 2, một đứa vừa ra đời và bị suy dinh dưỡng nặng. Vậy mà, 17 năm trôi qua, cô giáo Mai lặng lẽ nuôi con ăn học nên người.
Trong những năm tháng cô đơn ấy, cô giáo Mai thức dậy từ 4 giờ sáng để lo bữa sáng cho gia đình, chở con gái đến trường mầm non, chở con trai đến trường năng khiếu huyện cách nhà 10km để học. Chiều về lại tiếp tục cuộc hành trình ngược ấy. Giờ đây, đứa con trai đầu của cô học ĐH Kiến trúc Hà Nội, cháu thứ 2 học lớp chuyên toán tỉnh. “Hạnh phúc từ chính bàn tay mình vun vén nên”, quan niệm sống ấy đã được cô Nguyễn Thị Xuân Mai, chủ tịch công đoàn giáo dục huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh đúc kết từ chính cuộc đời mình.
Có lẽ cũng cùng chung quan điểm sống ấy, 2 cô giáo ở tỉnh Thái Bình đã gây ấn tượng mạnh cho những người làm giáo dục. Cô giáo Thu Phương, giáo viên mầm non ngoài công lập huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình có chồng đi công tác xa, hai con còn nhỏ vẫn phấn đấu trở thành giáo viên giỏi nhiều năm. Để chuẩn bị một giờ dạy “Quả bầu tiên”, cô đã “cảm hóa” được mẹ chồng, nhờ bà đi mấy phiên chợ huyện để tìm bằng được quả bầu gần giống với chiếc nậm rượu làm trực quan sinh động trong giờ dạy.
Còn cô giáo Nguyễn Thị Hải Yến, giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên Đông Hưng, Thái Bình có 2 lần được nhận bằng lao động sáng tạo. Ít ai biết rằng bố mẹ đẻ của cô bị liệt giường từ nhiều năm nay. Nhưng ai đến thăm nhà đều chung ý kiến thán phục: nhà cửa vẫn gọn gàng ngăn nắp, các con tự giác học tập, 2 chiếc giường của người ốm luôn sạch sẽ, vệ sinh.
Và cũng từ chính bàn tay lao động của mình, cô giáo Triệu Thị Bộ, dân tộc Tày, giáo viên trường tiểu học Vĩnh Lạc, Lục Yên, Yên Bái đã sở hữu tài sản cả tỷ đồng với 3 vạn cây quế, 10ha keo, bồ đề…. Vừa dạy học, cô vừa khai phá 2 ha đất trống đồi trọc rồi nhận thêm 20 ha từ chủ trương giao đất giao rừng để trồng quế, keo và bồ đề. Hai vợ chồng bỏ ra 65 triệu đồng để san ủi mở 700m đường lên tận trang trại.
Cô giáo người Tày giỏi việc trường, đảm việc nhà
Giúp nhau đảm việc nhà
Có những điều hết sức nhỏ nhặt nhưng cũng sẽ ảnh hưởng đến việc giảng dạy của các cô giáo. Phát hiện ra điều này, cô giáo Bùi Thanh Vân, trưởng ban nữ công trường THPT Lê Lợi, Đông Hà, Quảng Trị bàn với chuyên môn bố trí công tác hợp lý, tạo điều kiện cho cô giáo có con mọn hoặc điều kiện gia đình khó khăn có điều kiện thời gian thuận lợi chăm sóc gia đình.
Chẳng hạn nữ có con mọn thì không bố trí làm công tác giáo viên chủ nhiệm và không dạy tiết 1 và 5 hàng ngày. Các cô giáo còn quyên góp hỗ trợ đồng nghiệp lúc đau ốm bệnh tật. Đặc biệt đã nhận đỡ đầu một cháu con của một giáo viên trong trường, hỗ trợ cháu học tốt 3 năm cấp 3 và hiện cháu đang là sinh viên năm 3, trường ĐH Đà Nẵng.
Có những trường học, ở đó các cô giáo sát cánh bên nhau, cùng vượt qua những thiếu thốn về vật chất, chia sẻ tinh thần. Khó khăn về vật chất dễ ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy, hiểu được điều này nên cô Nguyễn Thị Ngọc Diệp, trưởng ban nữ công công đoàn giáo dục huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang quyết định giúp đỡ chị em làm ăn bằng cách tạo ra nguồn vốn cho vay không tính lãi.
Mỗi cô giáo tham gia đóng từ 100.000 đến 150.000 đồng/tháng. Trong 5 năm qua, đã có hơn 300 lượt cô giáo được vay với số tiền trên 500 triệu đồng. Ngoài ra, những cô giáo còn được vay vốn Quỹ tiết kiệm vì phụ nữ nghèo do cán bộ, giáo viên, công nhân viên ngành giáo dục đóng góp, với 50 chị vay số tiền 500 triệu đồng.
Cũng tương tự như vậy, cô giáo Huỳnh Thị Quyến, trung tâm giáo dục thường xuyên Phù Cát, Bình Định cho biết ở đơn vị của cô có các loại quỹ như Quỹ vượt khó: mỗi người góp 50.000 đồng/tháng, ai khó khăn đăng kí nhận trước, cứ thế xoay vòng. Quỹ tình thương: đóng góp 2 ngày lương/năm/người để thăm đau. Quỹ khuyến học: đóng góp 1% lương/tháng/người. Thưởng 500 ngàn đồng cho cháu đậu đại học, 300 ngàn đồng cho cháu đậu cao đẳng. Trong khi đó, Công đoàn giáo dục quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ lại có quỹ “Tiết kiệm du lịch”, mỗi người đóng 30.000 -100.000 đồng/tháng để tổ chức tham quan du lịch sau một năm học kết thúc.
Các cô giáo ở huyện Bình Long, tỉnh Bình Phước cũng giúp nhau bằng cách huy động vốn xoay vần không lãi suất với số tiền lên đến 450-500 triệu đồng/năm. Không những thế, các cô giáo còn xây dựng mái ấm cho giáo viên, tương trợ cho 6 giáo viên bị bệnh hiểm nghèo, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với tổng số tiền trên 55 triệu đồng.
Hoàng Hoa/Dan tri
Bình luận (0)