Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Những cô giáo liều mình cứu học sinh trong lũ quét

Tạp Chí Giáo Dục

Với các cô, “thà mình chết chứ không để trò chết” đơn giản là hành động của trách nhiệm, của lương tâm chứ không phải hành động vì lời khen ngợi.

Từ phải qua, cô Nguyễn Thị Hòa, cô Thái Thị Tuyết Hồng; cô Lê Thị Kim Hằng và cô Võ Thị Thu Sương. Ảnh: Dương Thanh Xuân

4 cô giáo cùng người dân xã An Hiệp, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên quên mình cứu 13 học sinh mầm non mắc kẹt trong lũ quét ngày 13-12-2016 là một hành động đẹp có sức lan tỏa mạnh trong cộng đồng.

Hành động của lẽ phải

Là người con của mảnh đất chịu nhiều khắc nghiệt thiên tai nhưng cô Võ Thị Thu Sương (sinh năm 1967, Hiệu trưởng Trường Mầm non An Hiệp), chưa từng chứng kiến một trận lũ quét nào kinh hoàng đến thế. “Nước lên nhanh chóng mặt, chúng tôi quyết bám trụ, động viên nhau, tìm mọi cách đưa các cháu lên cao và ngâm mình trong nước hàng giờ chờ ứng cứu. Tôi nghĩ đó là hành động bản năng, và ai cũng có thể làm được trong hoàn cảnh ấy”, cô Sương thổ lộ. “Cứu các con là nhiệm vụ và trách nhiệm. Làm đúng với lương tâm nghề nghiệp của mình chứ không phải vì những lời khen của mọi người. Và chúng tôi rất xúc động khi nhận được sự quan tâm, chia sẻ, động viên từ đồng nghiệp, phụ huynh học sinh, các ban ngành lãnh đạo đã bù đắp rất lớn về mặt tinh thần”. Cô Sương vào nghề năm 1986 như một cái duyên. Ba cô định hướng con gái trở thành một cô giáo để thực hiện thay mong ước của ông. “Thuở thanh niên, ba theo đuổi đam mê nghề giáo nhưng không thành vì điều kiện lúc bấy giờ không cho phép. Dù vậy, chúng tôi ảnh hưởng cung cách từ tốn, mô phạm của ba và được ba dạy dỗ, truyền cho niềm đam mê cháy bỏng để theo đuổi ước mơ của mình”, cô Sương bộc bạch.

Trước tình thế ngôi trường nhỏ bé lại càng nhỏ bé hơn khi thời gian bị nước lũ nhấn chìm chỉ tính từng giây, cô Nguyễn Thị Hòa (Phó Hiệu truởng) cũng tự nguyện ở lại với các cháu và đồng nghiệp. Cô Hòa cho rằng, lương tâm không cho phép mình thoát thân, bỏ lại những đứa trẻ vô tội. “Cứu các cháu là lẽ sống, là công việc bình thường của cô giáo mầm non chúng tôi và cũng là lương tâm cũng bất kỳ ai”, cô Hòa trải lòng. 

Tuy An – mảnh đất hứng chịu nhiều bom đạn trong chiến tranh cũng đã được hồi sinh. Tuy nhiên cũng như bao đứa trẻ lúc bấy giờ, tuổi thơ cô Hòa lắm cơ cực. Xuất thân trong gia đình nghèo lại đông con, chạy gạo từng bữa. Đây cũng là lý do khiến cô phải gián đoạn việc học ngay từ năm lớp 9. Ở nhà làm ruộng một thời gian, năm 1986 Hợp tác xã Bắc An Hiệp tin tưởng và giới thiệu cô vào dạy tại Trường Mẫu giáo thôn Tuy Dương. Vốn yêu nghề, mến trẻ, cô Hòa chứng minh năng lực của mình, được tạo điều kiện học tập nâng cao trình độ và bổ nhiệm cán bộ quản lý.

Hơn ai hết, cô Hòa hiểu nỗi vất vả và thiệt thòi của các cháu, dành tất cả tình yêu thương cho các em. “Mình gắn bó với nghề từ đồng lương được quy đổi vài ký lúa/tháng nhưng vì lòng yêu nghề mến trẻ mà không thể bỏ, dù cuộc sống lúc bấy giờ hết sức chật vật”, cô Hòa kể.

Cũng ngót nghét 24 năm cô giáo Thái Thị Tuyết Hồng (sinh 1974, giáo viên) đến với nghề giáo. Cô Hồng cho biết, từ nhỏ rất thích trẻ con và mong muốn lớn lên được làm cô giáo. Niềm đam mê ngày càng lớn dần qua từng bài giảng, hình ảnh mẫu mực của thầy cô giáo. “Trong tôi vẫn còn nguyên cảm xúc về ngày đầu tiên đến với nghề. Mỗi ngày, tôi tự nhắc mình phải sống xứng đáng với những gì mà nghề, đồng nghiệp và phụ huynh đã tạo điều kiện cho mình”. Những đứa trẻ nghèo trong xã và mái ấm gia đình là động lực để cô Hồng vượt qua khó khăn.

Dù biết lũ lên nhanh, khó mà thoát nhưng cô Lê Thị Kim Hằng (sinh 1972) cũng quyết định ở lại không chút do dự, để đồng nghiệp khác được chạy lũ. Cô Hằng là một giáo viên giàu nhiệt huyết, chuyên môn cao được đồng nghiệp và phụ huynh tín nhiệm.

Điều ước không cho riêng mình

30 năm trong nghề nhưng mấy ai biết gia cảnh khó khăn mức nào. Hiện gia đình cô sống trong căn nhà cấp 4 tại thôn Phong Phú, xã An Hiệp. Chồng cô chưa có công việc ổn định, hàng ngày thay vợ làm nội trợ và chăm hai con. Mọi chi tiêu trong gia đình đều trông chờ vào đồng lương của cô. “Mọi thứ đều phải cân nhắc, tiết kiệm để lo cho con cái ăn học”, cô Sương chia sẻ.

Cô và trò được “giải cứu”. Ảnh: Anh Ngọc

Cô Sương nhớ lại giây phút kinh hoàng ấy: Tôi không thể quên được hình ảnh cháu gái Trương Đỗ Khánh Thương bị rơi xuống nước, cô Hòa lặn xuống vớt cháu lên. Tôi ẵm cháu trong cái lạnh căm căm. Các cháu và các cô được bình an, tôi mừng đến chẳng buồn ăn. Chúng tôi mong địa phương có một ngôi trường mới khang trang và an toàn  hơn, đảm bảo cho các cháu học dù điều kiện thời tiết như thế nào.

Hai con của cô Sương là Ngũ Võ Anh Thư đang học lớp 11 Trường THPT Lê Thành Phương và con trai Ngũ Tưởng Bá (lớp 8 Trường THCS An Hiệp). “Vượt lên số phận của chính mình để làm tròn bổn phận của một người mẹ, một cô giáo mầm non và là một công dân có ích cho xã hội. Con ăn học đến nơi đến chốn, có công việc ổn định, trước là giúp bản thân các con và sau đó giúp xã hội”, cô Sương quan niệm về hạnh phúc.

Hiểu đặc thù công việc của vợ, chồng cô Hòa dù phải cáng đáng ruộng vườn cũng dành nhiều thời gian vun đắp hạnh phúc gia đình, đặc biệt là giáo dục con trẻ. Con của cô, em Bùi Minh Trọng đang theo học năm thứ hai Trường ĐH Phú Yên. “Cuộc sống còn khó khăn nhưng bù lại mình đang sống tràn ngập tình yêu thương giữa đồng nghiệp, của phụ huynh và các cháu”, cô Hòa chia sẻ.

“Giây phút dìu các cháu bám vào song cửa sổ, tôi đã khóc. Tôi khóc vì bình thường, chỉ trầy xướt nhẹ trong lúc chơi đùa mà các cháu đã khóc nhè nhưng lúc này các cháu “cứng lắm”, các con vẫn bám chặt trên cửa sổ cùng cô ngâm mình trong nước. Toàn bộ thiết bị máy móc nhà trường, đồ dùng, đồ chơi và sách vở các cháu đã hư hỏng hết. Tôi chỉ ước có sách vở và đồ dùng đồ chơi cho các cháu học tập”, cô Hòa nhớ lại giây phút kinh hoàng.

Trần Trọng Tri

Bình luận (0)