Cần Cần Thơ được khánh thành nối đôi bờ sông Hậu sẽ tạo điều kiện cho giáo dục đồng bằng sông Cửu Long phát triển. Ảnh: T.T.D |
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, gia đình cô Trương Thị Triều chuyển từ TP. Cần Thơ (cũ) về xã Đông Hiệp, huyện Cờ Đỏ ngày nay sinh sống. Không ruộng đất, gia đình chủ yếu sống bằng nghề làm thuê. Đang học lớp 5 tại TP. Cần Thơ phải nghỉ học chuyển về quê, cô Triều buồn lắm nên xin cha mẹ cho đi học lại. Thế nhưng, từ nhà đến trường phải đi bộ gần 10km, đường lại trơn trợt, lầy lội vào mùa mưa nên ba mẹ không cho đi. Năm 1981, cô Triều xin làm cô nuôi giữ trẻ tại Nhà trẻ 8-3 ở huyện Ô Môn (cũ) để có thêm thu nhập phụ giúp gia đình. Nhưng rồi công việc cuốn cô Triều với những đòi hỏi ngày càng cao hơn về kiến thức buộc bản thân cô phải tìm hiểu thêm tài liệu, học hỏi đồng nghiệp để tự trang bị cho mình những cách chăm sóc trẻ. Rồi cô xin học bổ túc văn hóa, các ngày nghỉ, các đợt hè, cô xin học lớp “Sơ cấp nuôi dạy trẻ”… Năm 1991, sau khi tốt nghiệp lớp Trung cấp sư phạm mầm non, cô Triều chính thức trở thành cô giáo mầm non. Năm 2000, cô được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường Mầm non Sao Mai. Với cương vị mới, cô càng nhận ra mình thiếu hụt nhiều kiến thức hơn. Vì vậy, dù rất khó khăn về kinh tế nhưng cô vẫn sắp xếp đi học lớp Đại học Sư phạm mầm non ở tận TP.HCM. Cô kể: “Ngoài tiền trợ cấp của ngành cho đi học, tôi không có khoản tiền nào khác vì lương còn phụ chị nuôi cha mẹ già. Lúc đó, tôi rất tiết kiệm để có thể tiếp tục việc học. Hết một đợt học là về lao vào công việc, thậm chí dành thời gian làm thêm ruộng rẫy để chuẩn bị tiền cho đợt học sau. Nhiều lúc khó khăn, thiếu thốn quá nên muốn bỏ cuộc nhưng rồi nghĩ mình phải học đủ kiến thức mới làm tốt công việc được giao và chăm sóc trẻ thật chu đáo nên càng cố gắng hơn”. Đến năm 2005, cô Triều là 1 trong 7 giáo viên mầm non đầu tiên ở quận Ô Môn có trình độ chuyên môn bậc đại học và năm 2009, cô Triều được tặng thưởng danh hiệu Nhà giáo ưu tú.
Có những nghề khi gắn bó mình mới thấy yêu nhưng với bất cứ nghề nào cũng cần có một sự nhiệt huyết, chân thành với nó. Và cũng như cô Triều, nhiều giáo viên trẻ tâm huyết đã phải vượt qua bao khó khăn vất vả để “sống chết với nghề”. Cô Nguyễn Thị Xuân Phương, Phó hiệu trưởng Trường THPT Trung An cũng là một người như thế. Sau khi tốt nghiệp Đại học Cần Thơ, cô Phương được phân công về dạy tại Trường THPT Trung An, huyện Cờ Đỏ, TP. Cần Thơ trong điều kiện kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn. Hai vợ chồng cô Phương sống trong căn phòng tập thể nhỏ hẹp, mưa tạt, gió lùa nhưng vẫn quyết tâm dạy thật tốt. Và một trong những yếu tố để nâng cao chất lượng giảng dạy theo cô Phương chính là việc nâng cao trình độ của giáo viên. Ngay khi đủ điều kiện, cô Phương là một trong những giáo viên đầu tiên của Trường THPT Trung An đăng ký học cao học. Thế nhưng khi được chấp thuận đi học thì cô Phương đang mang thai con đầu lòng. Cô Phương nói: “Đồng lương eo hẹp lại vừa nuôi con nhỏ vừa đi học sẽ rất khó khăn. Nhưng vợ chồng tôi cùng quan niệm: việc học tập nâng cao trình độ sẽ giúp mình phát triển chuyên môn nên quyết tâm đi học”. Khoảng thời gian theo học cao học là một trong những thời gian cực nhất của cô Phương. Chồng dạy tại Trung An, con mới 4 tháng không thể mang theo xuống TP. Cần Thơ cùng mẹ nên phải gửi ở Ô Môn cho bà ngoại. Vì vậy, mỗi ngày cô Phương phải đi về hơn 40km với con. Tiền xăng, tiền tài liệu, tiền sữa cho con… là một gánh nặng đối với hai vợ chồng trẻ. Rất nhiều lần không kịp nấu cơm buổi sáng, cô Phương phải bỏ cả ăn sáng để dành tiền đi học… Vất vả rồi cũng qua, cô Phương bảo vệ thành công luận văn tốt nghiệp thạc sĩ với số điểm 9,5. Chồng cô Phương cũng đang theo học năm thứ hai lớp thạc sĩ Anh văn tại Trường Đại học Cần Thơ.
Đó chỉ là hai trong số rất nhiều tấm gương giáo viên nữ vượt khó học tốt và dạy tốt ở TP. Cần Thơ.
Bảo Ngọc
Bình luận (0)