Kỳ 2: Thương quá học trò nghèo
Em Danh Kiệt, học sinh lớp 2B (phải) ngồi co rúm vì mắc cỡ với chiếc áo rách vai |
Khao khát được biết chữ, được có thêm nhiều kiến thức để thay đổi hoàn cảnh là một khát vọng chính đáng của các em học trò nghèo ở điểm Lục Phi, Trường Tiểu học Vĩnh Hòa Hưng Nam 1, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang. Thế nhưng để ước mơ của các em trở thành hiện thực rất cần sự chung tay của nhiều người…
Chiếc áo rách vai
Lớp học ồn ào hẳn lên khi tôi bước vào với cái máy chụp hình trên tay, nhiều ánh mắt đổ dồn về người lạ. Duy chỉ có Danh Kiệt, học sinh lớp 2B1 do cô Lương Phương Dung chủ nhiệm là không ngước lên nhìn dù chỉ một lần. Kiệt đang cắm cúi tập viết, tôi đứng nhìn một lúc, lớp học đã ồn ào hơn nhưng Kiệt vẫn không hay. Kiệt viết khá đẹp, các chữ nắn nót, tròn trĩnh trong ô tập. Thấy Kiệt viết đẹp và chăm chú, tôi gọi em ngồi thẳng lên để chụp hình. Tôi bảo Kiệt so vai ngồi lại cho thẳng đúng tư thế nhưng Kiệt vẫn như không nghe. Em cố ý rụt vai trái lại, giáo viên có vẻ bực mình, tôi thoáng suy nghĩ: “Chẳng lẽ Kiệt là học sinh không ngoan nhưng sao trông em cũng khá lễ phép”. Kiệt đoán được nét mặt của giáo viên nên ngồi thẳng lên cho tôi chụp hình. Tôi bấm được tập hình ưng ý khi học sinh ngồi thẳng, quyển tập ngay ngắn khi viết bài nhưng ngay lúc ấy tôi hối hận và thấy khóe mắt mình cay cay… Thì ra, Kiệt không phải là đứa học trò không ngoan mà do em cố ý rụt vai trái lại để giấu bớt khoảng áo bị rách trên bờ vai trái…
Giật mình, tôi nhìn kỹ Kiệt hơn, không chỉ rách, chiếc áo của Danh Kiệt đã thâm đen đến không thể đen hơn được nữa. Kiệt đến trường với áo rách, cái quần thun xanh lơ của một bộ đồ thun rẻ tiền và với đôi chân không dép. Chiếc áo của Kiệt lại mang huy hiệu của một trường tiểu học tại thành phố Rạch Giá. Cô Lương Phương Dung cho biết: “Kiệt vừa từ TP Rạch Giá về. Hè vừa rồi em theo ba mẹ lên thành phố để nhặt rác ở bãi rác. Chúng tôi vừa vận động Kiệt đi học lại. Nhà rất khó khăn nhưng Kiệt ham học lắm. Chị thấy không, em nâng niu quyển tập và viết chữ khá đẹp. Áo em mặc cũng do người dân ở Rạch Giá cho”. Mùa lúa, ba mẹ Kiệt ở lại Xóm cũ (ấp 6, xã Vĩnh Hòa Nam B) làm thuê thì em có thể đến trường. Hết mùa, không có việc để làm thuê, cả gia đình em lại cùng nhau bỏ quê lên Rạch Giá để nhặt rác. Vì vậy, dù 10 tuổi nhưng Kiệt chỉ học đến lớp 2, trông em còm cõi, ốm yếu.
Tôi thật sự hoảng hốt khi nhìn lại cả phòng học bởi có quá nhiều học sinh mặc áo rách, chân trần đến lớp học. Đó là Minh Vương, là Danh Khang là Thị Bun là Danh Hậu… Nghe tôi hỏi về hoàn cảnh của học sinh lớp 2B1, thầy Danh Hoàng Na, giáo viên dạy lớp 2B2, cùng phòng học với lớp của cô Lương Phương Dung đã nói thêm về học trò lớp mình. Thầy nói: “Học sinh lớp tôi có hơn 90% là nghèo, nhiều em vừa nghèo vừa có hoàn cảnh đáng thương lắm”. Đó là Thị Hồng Sa, cha mất khi em vừa được đầy tháng, mẹ không chịu nổi cơ cực đã bỏ đi. Sa sống với bà nội già hơn 70 tuổi, hai bà cháu sống lây lất bằng tình thương của xóm nghèo với công việc bắt ốc, hái rau để bán. Trường hợp của Danh Hậu cũng tương tự, em sống cùng bà ngoại, không biết mặt cha, mẹ. Bà cháu Hậu cũng sống, cũng tồn tại mỗi ngày bằng những bó rau, con ốc, con cá. Hay trường hợp của Thị Bun, không cha, 5 mẹ con sống bằng nghề làm thuê, làm mướn… Thầy Danh Hoàng Na, nói: “Trông các em ốm, nhỏ như thế nhưng đều 10 tuổi trở lên hết rồi đấy. Cái ăn còn thiếu thì làm sao các em biết đến những món ăn dinh dưỡng nên không thể lớn như các bạn cùng tuổi được. Đứa nào cũng bắt ốc, hái rau, bắt cá nhưng được con cá to, bó rau ngon là mang bán mua gạo hết rồi”.
Học trò nghèo ham học
Học sinh 2 lớp 2B1 và 2B2 có hoàn cảnh giống nhau nhiều lắm, hầu hết là gia đình không có ruộng đất, làm thuê sống qua ngày. Chính vì vậy việc học của các em cũng gián đoạn liên tục. Học được vài tháng lại theo cha, theo mẹ đi làm thuê rày đây, mai đó. Khi quay về, được giáo viên vận động lại đến trường học tiếp. Duy trì sĩ số là một chuyện không dễ dàng với học sinh nơi đây. Thầy Nguyễn Xuân Cường, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Vĩnh Hòa Hưng Nam 1, nói: “Nhiều học sinh khi đến nhà vận động mới biết là các em không đi học vì không có tiền mua tập, viết. Chúng tôi đã vận động và được Sở GD-ĐT Kiên Giang hỗ trợ từ dự án mỗi em 4 quyển tập nhưng nghe nói năm học tới không còn nữa nên rất lo. Vì không cho các em tập, viết thì các em làm sao đi học được khi không có tiền mua”. Điểm Kênh 4 Thước mà chúng tôi vừa đi qua, học sinh cũng nghèo, lớp học cũng nghèo lắm, ngoài phòng học khang trang có được từ chương trình kiên cố hóa. Khoảnh sân trường đầy sình lầy, ngập nước, học sinh chỉ có thể quanh quẩn trong hành lang lớp học vào giờ chơi. Cô Hường kể rằng dù hoàn cảnh khó khăn nhưng các em rất ham học. Những hôm trời mưa, các em đến trường mình mẩy lấm lem vì té. Có lần nhìn thấy hai anh em của Tống Thị Ngọc Hà (học lớp 2) và Tống Văn Quân (học lớp 3) té mà thương. Hai anh em té mà cứ đưa cái cặp da lên cao ngang đầu vì sợ sình làm dơ tập sẽ không có tiền mua lại. Lớp ghép 2 và 3 có 20 học sinh thì hầu hết các em đều thuộc con nhà nghèo. Nhà nghèo nhưng các em ham học lắm. Đầu năm học này, có em còn đến hỏi: “Cô ơi, cô cho con đi học trước rồi cha con đi làm mướn về đóng tiền cho cô nghe”. Chính sự ham học của học sinh cũng là động lực để giáo viên gắn bó nơi đây. Cô Hoa Hường nói: “Giáo viên dạy ở điểm này đi bộ riết quen rồi. Ngoài đôi dép mang theo, người nào cũng có thêm một đôi giày bốt để vượt qua những quãng đường sình lầy”.
Thầy Danh Hoàng Na nói: “Thật ra, dù quần áo cũ rách thì các em cũng có đủ bộ để đến trường, hầu hết quần áo các em học sinh này mặc là do một đoàn từ thiện cho quần áo cũ cách đây vài năm. Chúng tôi cũng đang mong có những đợt từ thiện như thế nhưng lâu rồi không thấy. Trong khi đó, đồ của những năm trước đã quá cũ và rách hết rồi”.
Về lại thành phố, khi chứng kiến những học sinh vòi cha mẹ mua quần áo mới dù bộ đồ em đang mặc còn mới tinh, thấy những học sinh dùng dằng không chịu ăn những tô hủ tíu những đĩa cơm nóng hổi vào sáng sớm… tôi lại nhớ những ánh mắt của Danh Kiệt, Thị Bun, Danh Khang… Và lời nói của thầy Danh Hoàng Na: “Chị về thành phố nếu thấy ai bỏ quần áo cũ, nhớ học sinh của tôi….”. Thầy không nói hết lời, tôi cũng không thể chờ nghe nữa bởi mắt tôi đã cay xè rồi… |
Thái Hải
Bình luận (0)