Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Những con đường không bằng phẳng

Tạp Chí Giáo Dục

Cùng một lứa tuổi, cùng một mục tiêu vào đại học nhưng không phải ai cũng đi trên một con đường bằng phẳng. Và khi hình dung về quãng đường mà một số bạn đã phải trải qua để đến được mốc chuyển giao quan trọng từ học sinh lên sinh viên thì nhiều người sẽ thấy mình may mắn đến thế nào.


Vượt lên bệnh tật để tìm ý nghĩa của cuộc sống
Nhìn gương mặt thông minh, hồn hậu, khó có thể hình dung Chử Đức Liêm, (xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì) đã phải đấu tranh ra sao với căn bệnh ung thư xương để được đến với giảng đường đại học. Chúng em, những bệnh nhân mắc bệnh ung thư hoàn toàn hiểu mình đang ở hoàn cảnh nào nhưng không vì thế mà thiếu lạc quan. Và chỉ khi mắc phải căn bệnh này, em mới hiểu và cảm nhận được sự quan tâm, chia sẻ của cộng đồng, của những bệnh nhân, người nhà, y bác sĩ” – Chử Đức Liêm giải thích vì sao mình giữ được sự lạc quan. Phát hiện bệnh khi đang học THPT, Liêm khá bình tĩnh “sốc nhất vẫn là tin phải cắt bỏ 2/3 chân trái sau một thời gian trị xạ mà bệnh vẫn không đỡ. Em đã khóc rất nhiều dù suốt quãng thời gian nhận tin mình bị bệnh và điều trị em không hề khóc” – Liêm tâm sự.
Vượt qua những đau đớn, dằn vặt về thể chất cũng như tinh thần, quay lại trường THPT sau một năm nghỉ chữa bệnh, Liêm đã khiến thầy cô và các bạn hoàn toàn bất ngờ với danh hiệu giải nhì toàn thành phố môn Lịch sử. Và theo đà đấy Liêm đã thẳng tiến vào khoa Sử trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG HN. Gia đình nghèo, thu nhập hàng tháng của bố mẹ Liêm không hơn 2 triệu đồng, bản thân vẫn phải tiếp tục chạy hóa chất hàng tháng, nhưng Liêm không ngừng tiến lên với hy vọng chiến thắng bệnh tật để sống từng phút, từng giờ thật có ích, thật ý nghĩa.
Mong ngày lập nghiệp ở quê hương thứ 2
Nguyễn Thị Nga đã chính thức trở thành sinh viên báo chí của Học viện Báo chí-Tuyên truyền được 1 tuần nay. “Hôm em ra trường nhập học, bà nội thu xếp cho em đem theo 1 triệu đồng nhưng các khoản đóng góp đầu năm của em đã hết hơn 800.000 đồng” – Nga cho biết. Nỗi lo tài chính với Nga chắc chắn sẽ lớn hơn các bạn sinh viên khác rất nhiều bởi gia đình Nga chỉ còn có bà nội đã gần 80 tuổi với khoản thu nhập duy nhất từ việc nuôi một con lợn sề. Không ai có thể cầm nổi nước mắt khi nhìn Nga thắp hương cho cha mẹ và 2 em gái đã mất cùng một ngày bởi cơn lũ lớn cuốn qua xã Phú Xuân, huyện K’Rông Năng, tỉnh Đắk Lắk cách đây 5 năm.
Cũng vì khó khăn mà Nga cùng bố mẹ phải rời gia đình tại xã Hợp Thanh, huyện Mỹ Đức, Hà Nội để vào Đắk Lắk lập nghiệp. Hơn 10 năm sống và gắn bó với nơi đây, gia đình Nga đã bén rễ với quê hương thứ 2 nhưng rồi tất cả đã bị xóa sạch bởi cơn lũ hung dữ. “Em được bố mẹ cho về thăm bà nội để rồi khi trở lại quê thì bố mẹ, 2 em đều đã ra đi, nhà cửa, ruộng vườn đều không sót lại chút gì” – Nga cho biết. Trở về với sự đùm bọc của bà nội sống một mình trong căn nhà cũ nát, nhưng không vì khó khăn, thiếu thốn mà bà để cho Nga phải nghỉ học. Cô bé mồ côi hàng ngày vớt rau, băm bèo nuôi lợn vẫn cặm cụi học bài và rồi phần thưởng đỗ vào Học viện Báo chí-Tuyên truyền đã đến trong niềm vui chung của bà con thôn Vài. Nga mong sớm tự lập để bà nội yên tâm và để có ngày trở lại lập nghiệp ở miền quê nơi bố mẹ và các em nằm lại.
Ước mơ thành hiện thực
Kiện tướng điền kinh tỉnh Điện Biên Quàng Văn Thanh có dáng người khá thấp nhỏ so với một vận động viên thể thao. So với các bạn cùng vào đại học năm nay, Quàng Văn Thanh hơn các bạn tới 7, 8 tuổi bởi dù học xong THPT, đã thi đỗ đại học nhưng Thanh không thể theo học tiếp vì không có tiền. Ở với bác từ năm 12 tuổi, Thanh là lao động chính và duy nhất trong nhà. Năm Thanh lên 7 bố bị bệnh mất, năm em lên 12 tuổi mẹ cũng bị bệnh và đi theo bố. Thanh được người bác bị bệnh thấp lùn, cao chỉ 1m nuôi ăn học.
Gánh vác công việc của cả một gia đình, Thanh phụ bác lên rừng lấy măng, lấy củi để bán kiếm tiền bên cạnh công việc chính là làm ruộng. Năm nào trúng mùa còn đỡ, năm thất mùa thì thiếu ăn vài tháng. Bụng đói đến trường không phải là chuyện hiếm thấy trong những năm tháng đi học của Quàng Văn Thanh. Phát hiện ra năng khiếu của Thanh, thầy giáo và là huấn luyện viên của Thanh 7 năm nay đã động viên Thanh theo con đường của một vận động viên. “Không phấn đấu thì không ai giúp được mình. Chỉ có chăm chỉ học và tập luyện thì sau này mới có thể nuôi được gia đình mình” – Thanh luôn nhớ lời thầy dặn. Với thu nhập mỗi tháng được 500.000 đồng từ lương hợp đồng với UBTDTT của tỉnh, Thanh vừa dùng để chi trả sinh hoạt 2 bác cháu, vừa tiếp tục ôn thi. “Năm nay nhờ sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, làng xóm em thi lại đại học và đỗ vào ngành Điền kinh, trường ĐH TDTT Bắc Ninh. Tiền đóng học phí nhập học là 6 triệu đồng mà hiện em chỉ có 2 triệu đồng” – Thanh băn khoăn. 
Liêm sẽ trở thành cử nhân Lịch sử, có thể là giảng viên của trường ĐH. Nga sẽ là một cô phóng viên thường trú tại tỉnh Đắk Lắk. Thanh sẽ là huấn luyện viên điền kinh của tỉnh Điện Biên. Mong muốn này sẽ trở thành hiện thực vì các em là những người biết phấn đấu vượt lên số phận dù rằng khó khăn trước mắt các em còn nhiều, rất nhiều…

Theo Vinh Hương
ANTĐ

Bình luận (0)