Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Những con đường “tối”

Tạp Chí Giáo Dục

 

Lô cốt án ngữ giữa đường, đèn đường không sáng khiến các phương tiện lưu thông rất dễ xảy ra tai nạn (ảnh chụp đêm 18-12-2009 trên đường Lý Thường Kiệt, Q.10)

Giữa trưa nắng, nhiều tuyến đường mở đèn sáng choang. Ngược lại, vào buổi tối, nhiều tuyến đường lại không mở đèn. Chính mảng tối ở những con đường này làm xảy ra nhiều vụ tai nạn…
Khi “đèn không hắt bóng”
Không chỉ có “điểm đen” về kẹt xe, lô cốt tràn lan, thi công kéo dài, thiếu an toàn mà nhiều con đường tại TP.HCM còn thiếu sáng dù có đèn đường. Tình trạng đường không có hệ thống đèn hay có đèn nhưng không mở đèn vào ban đêm không phải là hiếm. Khi chợ Tân Bình đóng cửa, phía trước chợ tối mờ là nơi tụ tập của trai gái “dạt nhà”. Hệ thống đèn chiếu sáng ở đoạn đường này không đủ chiếu sáng khu vực trước chợ. Tình trạng thi công đường kéo dài khiến hệ thống đèn chiếu sáng nhiều tuyến đường bị tê liệt. Hệ thống cống cắt ngang đường Hồng Lạc (Tân Bình) thi công quá lâu khiến đường sá xuống cấp nặng. Cùng với nó là các phương tiện vận tải hạng nặng lưu thông kéo đứt dây cáp, dây điện khiến hệ thống đèn chiếu sáng bị “thương tích”, dẫn đến tình trạng tuyến đường này thiếu sáng. Vì vậy, hầm ngầm, hố ga, những đoạn đường xuống cấp lồi lõm luôn là mối đe dọa sự an toàn của người dân, các phương tiện lưu thông qua đây. Anh Thịnh – thợ sửa ống nước ở khu vực này cho biết: “Tình trạng đêm càng về khuya, đường càng tối bởi hàng quán, nhà dân tắt đèn, đóng cửa đi ngủ. Đèn đường hầu như không có, hoặc có nhưng chỉ sáng tù mù, hiu hắt. Trong khi đường sá ở đây đang thi công nên hầm hố rất nhiều. Chuyện xe cộ va chạm nhau hoặc xe gây tai nạn với người đi bộ là bình thường”. Không chỉ các tuyến đường ngoại thành rơi vào cảnh “đèn không hắt bóng”, một số tuyến đường nội thành cũng tượng tự. Nhiều ngày qua, hệ thống đèn đường ở dọc tuyến đường Lý Thường Kiệt, từ ngã tư đường 3/2 – Lý Thường Kiệt đến ngã tư Tô Hiến Thành – Lý Thường Kiệt không mở đèn khiến đoạn đường này tối đen. Đây là tuyến đường có lưu lượng xe cộ lưu thống rất lớn, gồm nhiều loại phương tiện từ xe thô sơ đến ô tô, xe buýt cùng tham gia. Hơn nữa, dọc tuyến đường này, nhiều lô cốt án ngữ tần ngần giữa đường, phần đường còn lại để các phương tiện lưu thông rất hẹp. Vì vậy, tầm 19 giờ – 20 giờ, các phương tiện chen chúc lưu thông, trong khi hệ thống đèn đường ở đây có cũng như không. Có mặt tại đoạn đường này vào các tối cuối tuần vừa qua, chúng tôi quan sát thấy nhiều người điều khiển xe đạp, đặc biệt là người khuyết tật điều khiển xe ba bánh rất khó khăn và nguy hiểm khi tham gian giao thông. Một người khuyết tật phải “đánh vật” mãi với chiếc xe lăn của mình mới sang được bên kia đường, trong khi đó các xe buýt bất chấp đường không mở đèn vẫn “đua” cho kịp về bến.
Nguy hiểm rình rập
Tại khu vực làng đại học Thủ Đức là điểm sáng về tri thức, văn hóa nhưng vẫn tồn tại dai dẳng con đường… tối. Đoạn đường từ Trường ĐH Thể dục thể thao ra đến ngã ba Đại Cương có hệ thống đèn đường mới đưa vào sử dụng khoảng ba năm trở lại đây. Tuy nhiên, quanh năm suốt tháng, hệ thống đèn ở đây không hề được thắp sáng. Đáng chú ý, hai bên lề đoạn đường này là hàng cây xanh cao lớn nhưng ban đêm không một ánh sáng nào lọt xuống đường. Khi đèn đường không mở đoạn đường này tối đen như mực. Trong khi đó, gần cổng Trường ĐH Thể dục thể thao là quán nhậu, ngoài ra chỉ có một, hai nhà dân ở đoạn ngã ba Đại Cương. Người dân ít đi qua đây vào ban đêm càng khiến cho đoạn đường thêm vắng vẻ, bóng đen tràn ngập. Những SV làm thêm hoặc học thêm từ nội thành về muộn, xuống xe buýt gần ngã ba Đại Cương phải nhắm mắt nhắm mũi băng qua đoạn đường “đen” này trong sợ hãi. Những “con yêu râu xanh” vẫn lợi dụng địa hình cây cối rậm rạp, hoang vắng và bóng đêm để tấn công các nữ SV.
Bài và ảnh: Vũ Việt Giang

 

Bình luận (0)