Trong các công trình, dự án thuộc các lĩnh vực chào mừng Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025 có nhiều công trình giao thông tiêu biểu cấp TP và của quận huyện, trong đó có tuyến đường sắt đô thị số 1 (Metro số 1) Bến Thành – Suối Tiên, Metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương)…
Tuyến đường sắt Metro số 1 đang gấp rút hoàn thành, dự kiến đưa vào vận hành và khai thác vào cuối năm 2021
Trong buổi gặp gỡ giữa Thường trực Thành ủy TP.HCM và lãnh đạo các cơ quan báo chí trước thềm đại hội mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan khẳng định, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng các công trình giao thông đã và sắp hoàn thành. Kết quả này thể hiện quyết tâm của lãnh đạo và sự đồng thuận cao của người dân TP trong đợt thi đua 200 ngày chào mừng Đại hội Đảng các cấp mà TP đã phát động.
Đã và đang về đích
Một trong những công trình giao thông tiêu biểu đó là dự án nâng cấp, mở rộng đường Tô Ký (đoạn từ Đặng Thúc Vịnh đến Ngã Ba Bầu, huyện Hóc Môn) vừa khánh thành hôm 3-10. Dự án có quy mô tiêu chuẩn đường đô thị với tổng chiều dài 2,4km, mặt cắt ngang thiết kế 25m bao gồm 4 làn xe và vỉa hè.
Theo ông Lương Minh Phúc – Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban Quản lý), dự án có tổng mức đầu tư 217 tỷ đồng, không bao gồm giải phóng mặt bằng. Dự án với mục tiêu tăng cường năng lực giao thông, giải quyết tình trạng ngập nước cho khu vực đường Tô Ký và một phần đường Đặng Thúc Vịnh, ngầm hóa các công trình hạ tầng kỹ thuật, chỉnh trang đường phố, góp phần cải thiện môi trường, mỹ quan khu vực và từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông theo quy hoạch.
Tiếp nữa là công trình nút giao An Sương giải tỏa ùn tắc khu vực cửa ngõ Tây Bắc. Đây là một trong những công trình mà chủ đầu tư – Ban Quản lý nỗ lực cùng với chính quyền địa phương và các đơn vị có liên quan giải quyết những khó khăn để dự án hoàn thành và đưa vào khai thác đúng tiến độ phục vụ người dân.
Nút giao An Sương có quy mô 3 tầng, trong đó tầng hầm có 2 đường hầm cho xe lưu thông theo hướng từ Trường Chinh sang quốc lộ 22 và ngược lại. Tầng trên mặt đất gồm nút giao với đảo tròn trung tâm, hệ thống cây xanh, chiếu sáng, đèn tín hiệu. Tầng trên cùng là cầu vượt cho xe lưu thông theo hướng quốc lộ 1, giải quyết ùn tắc cũng như tai nạn giao thông ở khu vực cửa ngõ Tây Bắc.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết, cùng với hoàn thành công trình nút giao thông An Sương trước đó, việc mở rộng tuyến đường Tô Ký đã mở thêm một trục đường mới ở khu vực cửa ngõ Tây Bắc TP, giúp giảm ùn tắc giao thông, tạo sự thông thương và thuận tiện cho các phương tiện từ TP.HCM đi Tây Ninh, Bình Dương và ngược lại.
Công trình giao thông tiêu biểu cấp TP là tuyến đường sắt đô thị số 1 (Metro số 1) Bến Thành – Suối Tiên. Metro số 1 được khởi công từ năm 2012, toàn tuyến có chiều dài 19,7km, trong đó có 2,6km đi ngầm và 17,1km trên cao. Tuyến này có 14 nhà ga bao gồm 3 ga ngầm, 11 ga trên cao và Depot đặt tại P.Long Bình, Q.9.
Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị TP (MAUR), đến thời điểm này, các gói thầu chính của tuyến Metro số 1 với khối lượng tổng thể đạt 76%, dự kiến khai thác vào quý 4-2021.
Dự án tuyến đường sắt đô thị Metro số 2 Bến Thành – Tham Lương là một phần của tuyến đường sắt đô thị số 2, khu đô thị Tây Bắc – Thủ Thiêm, nằm trong quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn đến sau năm 2020, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 568/QĐ-TTg ngày 9-4-2013 và UBND TP.HCM phê duyệt điều chỉnh dự án tại Quyết định số 4880/QĐ-UBND ngày 14-11-2019. Khi bắt đầu vận hành, với 10 đoàn tàu 3 toa, tuyến Metro số 2 Bến Thành – Tham Lương có khả năng chuyên chở đáp ứng nhu cầu dự báo lên đến 170 ngàn hành khách/ ngày. Vào giai đoạn sau 10 năm, với 14 đoàn tàu 6 toa, có thể chuyên chở đáp ứng nhu cầu dự báo lên 480 ngàn hành khách/ ngày.
Tuyến này xuất phát từ Bến Thành đến các điểm Tao Đàn – Dân Chủ – Hòa Hưng – Lê Thị Riêng – Phạm Văn Hai – Bảy Hiền – Nguyễn Hồng Đào – Bà Quẹo – Phạm Văn Bạch – Tân Bình. Cụ thể đi theo lộ trình: Điểm đầu kết nối với nhà ga ngầm trung tâm tại khu vực chợ Bến Thành – theo đường Phạm Hồng Thái – Cách Mạng Tháng 8 – Trường Chinh – điểm cuối Depot Tham Lương. Tuyến có chiều dài 11,3km, gồm khoảng 2km đi trên cao và 9,3km đi ngầm từ nhà ga Bến Thành đến ngã ba Trường Chinh – Phạm Văn Bạch.
Quyết tâm của lãnh đạo TP và đồng thuận cao của dân
Ông Võ Văn Hoan – Phó Chủ tịch UBND TP thông tin, cả nhiệm kỳ 2015-2020, TP có nhiều công trình hoàn thành, đặc biệt là chuẩn bị cho Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ 11 nhiệm kỳ 2020-2025, TP đã phát động phong trào thi đua 200 ngày. Qua sơ kết 100 ngày và tổng kết 200 ngày thi đua, phong trào này không chỉ dừng lại ở trách nhiệm tổ chức thực hiện cấp TP mà còn truyền tải tinh thần thi đua đó xuống các cơ quan, đơn vị và địa phương.
Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP cho hay: “Trong suốt thời gian tổ chức phong trào thi đua đó, có thể nói rằng tất cả mọi nỗ lực đều hướng tới phấn đấu đạt được các chỉ tiêu trong thời gian ngắn nhất vượt qua những khó khăn đó. Từ nỗ lực đó, tuyến Metro số 1 đang trong giai đoạn khẩn trương để đưa vào khai thác, vận hành vào cuối năm 2021. Hay như tuyến Metro số 2, một trong những vấn đề khó khăn nhất ban đầu khởi động là công tác giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên trong 9 tháng qua, nhờ sự nỗ lực hết sức, được sự hưởng ứng và đồng thuận cao của người dân, công tác giải phóng mặt bằng về cơ bản rất tốt”. |
Cũng theo ông Hoan, trong các công trình có công trình được địa phương trực tiếp tham gia xây dựng kế hoạch tổ chức, thực hiện những vấn đề bức xúc, tồn tại để tạo ra phong trào thi đua ở địa phương.
“Không chỉ những công trình tiêu biểu cấp TP mà còn có những công trình tiêu biểu thiết thực ở địa phương. Như hai tuyến Metro số 1 và số 2 được các địa phương, đơn vị thực hiện thi đua quyết liệt. Chưa bao giờ trong điều kiện rất khó khăn về chính cơ chế chính sách nhưng cũng có khó khăn chính trong phối hợp thực hiện và có cả khó khăn do tác động đại dịch toàn cầu nhưng chúng ta đã hoàn thành các chỉ tiêu đó”, ông Hoan nhấn mạnh.
A.Trần
Bình luận (0)