Điều kiện địa hình quá hiểm trở, chênh lệch giữa 2 nhà ga quá cao, chiều dài tuyến cáp quá lớn và đặc biệt điều kiện thời tiết quá khắc nghiệt, nên việc kéo cáp tại Fansipan là một trong những dự án “khó nhất trong cuộc đời” theo nhận xét của các chuyên gia thuộc Tập đoàn Doppelmayr Garaventa, hãng cáp treo số 1 thế giới – đơn vị tư vấn, thiết kế dự án này.
Reto Sigrist, chuyên gia của Doppelmayr Garaventa, cho biết anh và tập đoàn đã thi công nhiều dự án cáp treo trên thế giới. Trước Fansipan, dự án khó khăn nhất họ phải làm là cáp 3 dây tại Canada (Whistle Blackcom) nhưng cũng chỉ dài 3,5 km và không có trụ nào ở giữa.
Khi được đề nghị so sánh với dự án cáp treo Fansipan, Reto nhún vai nói, các dự án trước “chưa là gì” về cả mức độ kỹ thuật, chiều dài cũng như chênh lệch cao độ.
Ám ảnh đi bộ
Fansipan là hệ thống cáp treo 3 dây dài nhất thế giới, đường kính của sợi cáp lên tới 58 mm, mỗi sợi nặng 135 tấn. Đặc biệt, chênh lệch độ cao ở hai nhà ga lên tới 1.410 m, đây là độ chênh lớn nhất thế giới nên công tác tính toán lực căng và thi công là một thử thách cho Reto và các đồng nghiệp ở Garaventa. Reto giải thích vì đường cáp dài tới 6.325 m, nên từ ga đi tới ga đến trên đỉnh Fansipan phải xây dựng 5 trụ chính. Chưa hết, do yêu cầu không được chặt cây, họ còn phải làm một hệ thống 12 trụ tạm để nâng sợi cáp trong quá trình kéo.
“Các nước khác đều chặt cây, mở đường để thi công, việc đi tới công trường hay lắp đặt các trụ đều dùng trực thăng. Còn ở Fansipan, tất cả đều đi bộ trong địa hình núi non hiểm trở, toàn đèo dốc, vực sâu… Thế mà chúng tôi đi hằng ngày. Đi từ sáng đến đêm trong rừng”, Reto nói. Anh kể, khi mỗi sợi cáp được kéo lên, anh cùng các chuyên gia, kỹ sư, công nhân phải đi theo giám sát để đảm bảo sợi cáp không bị vướng vào cây cối. Tính trung bình mỗi người phải đi bộ đường rừng ít nhất 7 lần giữa 2 nhà ga với độ dài 12 km cho một sợi cáp.
“Với 4 cáp mồi đường kính lớn dần, 4 cáp tải, 3 sợi cáp chính (2 chiều là 6 sợi), 1 cáp kéo, 2 sợi cáp chống sét và 1 sợi cáp thông tin… bạn thử tưởng tượng chúng tôi đi bộ được bao nhiêu ki lô mét khi hoàn thành việc kéo cáp? Bạn không hình dung nổi đâu. Nhưng đây mới là quy trình để thực hiện. Nếu chẳng may bị vướng cây ở các khu vực nào đó, bạn sẽ phải di chuyển liên tục giữa các trụ tạm, trụ chính để hiệu chỉnh. Đi bộ là nỗi ám ảnh của tôi”, Reto biểu cảm cho thấy anh vẫn chưa hết sợ hãi. Cũng dễ hiểu, chính Reto đã bị trượt trong rừng và phải khâu 6 mũi tại đùi trái khi thực hiện phần kéo cáp. Nhưng Reto nói anh là người chiến thắng bởi một người bạn của anh đã xin phép rời dự án vì không thể tiếp tục đi bộ hằng ngày được.
Nguyễn Xuân Hậu, thuộc Tập đoàn Sun Group, nói đây là quãng thời gian “vất vả nhất trong cuộc đời”. Hậu kể có những hôm mưa to, suối chảy quá xiết, anh em phải dừng giữa chừng đợi nước giảm bớt mới đi tiếp được. Lại có những hôm đang di chuyển giữa các trụ thì bị hỏng máy tời, họ phải ngồi lơ lửng trên không trung gần cả ngày không ăn uống. Rồi những hôm làm việc quá trễ, cả chuyên gia nước ngoài, các kỹ sư trong nước phải ngủ lại ở các trụ giữa mưa gió, rắn rết, muỗi vắt hoành hành. Chỉ riêng công tác chuẩn bị cho việc kéo cáp chính cũng mất hơn 2 tháng.
Kéo cáp
Ngày 2.7.2015, sợi cáp mồi đầu tiên với đường kính 12 mm đã được cáp công vụ LCS kéo lên, kết nối với sợi cáp đường kính 22 mm. Sau đó đến sợi 26 mm, 32 mm và cuối cùng là sợi có đường kính 48 mm. Sau 5 sợi cáp mồi đường kính tăng dần được kết nối, sợi cáp tải nặng 135 tấn đã chính thức được kéo lên. 41 con người cầm bộ đàm sẵn sàng chờ lệnh. 2 chuyên gia nước ngoài và 3 kỹ thuật đi bộ di chuyển theo đầu sợi cáp từ ga đi lên ga đến giám sát quá trình kéo. 8 máy tời công suất lớn tại 2 nhà ga có nhiệm vụ vừa kéo vừa giữ đuôi sợi cáp… tất cả dưới sự điều khiển của 2 chỉ huy trưởng ở 2 nhà ga nhịp nhàng phối hợp. Cứ thế từng bước, sợi cáp chính nặng 135 tấn từ từ được kéo lên. “Khi nhìn sợi cáp di chuyển, ai nấy đều hạnh phúc rớt nước mắt”, Nguyễn Xuân Hậu nói. Ngày 23.8, sau 1 tháng 21 ngày, sợi cáp tải nặng 135 tấn đầu tiên đến ga Fansipan đúng kế hoạch.
Nhưng mọi chuyện vẫn không suôn sẻ. Nguyễn Xuân Hậu nhớ lại một bất lợi đối với việc kéo cáp lúc này là thời tiết không ủng hộ. Mưa, băng tuyết nhiều, không khí ẩm ướt khiến các thiết bị liên tục bị hư hỏng. Đến lúc căng cáp tải cho đủ lực kéo thì cả 3 ngày liên tục, sương mù đầy trời, không quan sát được nên đành phải ngưng lại. Đến khi hết sương mù, tất cả phải lao ra công trường từ sáng sớm và làm việc cho đến 8 – 9 giờ tối trong rừng. “Đau đầu nhất là đến sợi cáp kéo cuối cùng, một máy tời của đội Garaventa bị hỏng phần điện, mọi công việc bị đình đốn vì không triển khai các công việc kế tiếp được. Lại mất hết 5 ngày chờ đợi thiết bị gửi từ Thụy Sĩ sang để khắc phục sự cố. Rồi có hôm đang triển khai treo các buly đỡ cáp kéo dọc tuyến thì bị sự cố chập điện trên ga Fansipan, hàng trăm người phải ngồi đợi ở giữa thung lũng từ 10 giờ sáng đến 15 giờ 30 mới tiếp tục công việc lại…”, anh Hậu kể thêm.
Ngày 15.12.2015, sợi cáp cuối cùng cũng đã được kéo lên đỉnh Fansipan, nối đất trời thành một dải kiêu hãnh. Ở dưới đất, những con người 1 phút trước đó còn quát tháo nhau vì công việc đã ôm chặt lấy nhau trong nụ cười và nước mắt. Cáp treo Fansipan đã khánh thành chỉ vài ngày trước khi cả nước bước vào một mùa xuân mới.
Nguyên Hằng (TNO)
Bình luận (0)