Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Những cột mốc biên cương trên biển

Tạp Chí Giáo Dục

Mùa này, những chiếc tàu cá của ngư dân Bình Châu, Lý Sơn (Quảng Ngãi) tấp nập ra khơi, trực chỉ ngư trường Hoàng Sa. Trên cảng cá Sa Kỳ, những con tàu tất bật đi về với cờ Tổ quốc đỏ thắm tung bay phấp phới.

Những cột mốc biên cương trên biển
Tàu của ngư dân Lý Sơn, Quảng Ngãi trực chỉ ngư trường Hoàng Sa lúc nào cũng phấp phới lá cờ Tổ quốc – Ảnh: TRẦN MAI

Nghề biển cả có điều rất lạ: trên tàu có đủ các thế hệ, tuổi từ mười bảy đôi mươi tới người mái tóc pha sương qua hàng sáu chục.

Tại cảng cá Sa Kỳ, thuyền trưởng Nguyễn Chí Thạnh của tàu cá QNg 96093 đang nhập vật liệu cho chuyến ra khơi. Ngoài nước đá, xăng dầu, đồ ăn còn một thứ không thể thiếu, được chính tay thuyền trưởng Thạnh mang xuống tàu: những lá cờ Tổ quốc.

Thuyền trưởng Thạnh cho biết chuyến đi nào tàu cũng mang theo năm lá cờ, ngoài hai lá lúc nào cũng tung bay trên nóc tàu. Anh giải thích: “Dự phòng là vì gió bão làm hỏng cờ, nhất là phòng khi tàu Trung Quốc cướp tàu chặt cờ, mình phải có lá cờ khác thay thế”. Anh nói: lá cờ của ngư dân Việt Nam trên vùng biển Hoàng Sa còn là sự khẳng định chủ quyền của đất nước mình trên biển.

Chiếc tàu của thuyền trưởng Thạnh ra khơi lần này từng bị tàu Trung Quốc đâm toạc mạn phải hồi tháng 6-2015. 32 tuổi, có 11 năm làm thuyền trưởng, một lần bị Trung Quốc nhốt hơn hai tháng ở đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và bị cướp tàu khi đang đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa. Đó là vào năm 2009.

Lần đó Bộ Ngoại giao đã yêu cầu Trung Quốc phải thả anh Thạnh. Tay trắng trở về, Thạnh lại cùng anh em ngư dân hùn vốn đóng tàu mới tiếp tục ra khơi. Lần này, khi cầm lái ra Hoàng Sa, thuyền trưởng Thạnh vẫn chắc nịch: “Dù có bị Trung Quốc cướp phá 100 lần chúng tôi cũng không ngán. Vẫn cứ ra Hoàng Sa, tôi còn làm thuyền trưởng ngày nào thì hai lá cờ trên nóc tàu này vẫn tung bay ở Hoàng Sa”.

Cạnh đó là tàu cá QNg 95450 của ngư dân Trương Văn Đức. Ông Đức vừa trở về từ Hoàng Sa hơn một tuần đánh bắt và giờ lại chuẩn bị ra khơi. Hơn 30 năm ngang dọc Hoàng Sa, câu chuyện của ông Đức không chỉ thấm vị mặn của biển mà còn cả mồ hôi và máu. Tháng 7-2015, chiếc tàu cá QNg 90559 do ông làm thuyền trưởng đã bị tàu Trung Quốc đâm chìm. Con tàu QNg 95450 này là ông vay mượn đóng mới để tiếp tục ra khơi.

Ngư dân lão luyện này nói rằng ngư trường thì nhiều nơi nhưng Hoàng Sa thì chỉ có một, sứ mệnh của những chiếc tàu đánh bắt ở Hoàng Sa là bảo vệ từng mét nước của Tổ quốc. “Ở đâu có tàu ngư dân Việt Nam thì ở đó là lãnh hải của nước mình. Tui dù bị tàu Trung Quốc đâm chìm tàu mất trắng nhưng giờ có tàu vẫn ra Hoàng Sa. Dễ gì ngư dân chịu bỏ đi ngư trường truyền thống của mình. Trung Quốc càng ngang ngược thì mình quyết không lùi bước” – ông Đức nói.

Nhìn hàng chục chiếc tàu mỗi sáng xuất bến ra khơi, ông Nguyễn Thanh Hùng, chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu, nói: ra biển là nghề mưu sinh nhưng mỗi ngư dân đều ý thức được sứ mệnh mà Tổ quốc giao cho mình, đó là mỗi chiếc tàu, mỗi ngư dân là một cột mốc sống giữa trùng khơi, bất chấp sự ngang ngược quấy nhiễu của những chiếc tàu sắt lừng lững hung hăng của Trung Quốc đến quấy phá.

TRẦN MAI/ TTO

 

Bình luận (0)