Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Những “cột mốc” giữ biển

Tạp Chí Giáo Dục

Vùng biển Cửa Việt (huyện Gio Linh, Quảng Trị) được biết đến với nhiều con tàu vươn khơi ngoài biển xa. Suốt đời này nối đời khác, họ lặng lẽ bám biển vật lộn với cuộc mưu sinh. Với họ biển là nhà, bởi vậy ngoài việc buông lưới đánh bắt con cá, con tôm, họ đóng dấu vào lý lịch hải trình bám biển của mình bằng sự lặng thầm mà vững chãi như những “cột mốc sống” để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc!

Dù là vùng biển bãi ngang nghèo khó, nhưng nhiều gia đình ở Cửa Việt vẫn sắm tàu lớn để bám biển

Những đội tàu gia đình

Không có nghề nào, sự nối truyền được gìn giữ vững vàng như nghề biển. Về Cửa Việt không khó để tìm được những đội tàu gia đình hùng mạnh. Người Cửa Việt nói rằng, tàu vươn khơi xa ở vùng biển bãi ngang này phải kể đến đội tàu của dòng họ Bùi Đình. Nhiều nhà có từ 3 đến 5 chiếc tàu công suất lớn đánh bắt biển xa. Ông Bùi Đình Chính (70 tuổi) – gia đình có 3 người con trai làm trưởng tàu của 3 chiếc tàu công suất lớn, đánh bắt cá thu nói rằng: “Nghề biển sống nhờ biển cả. Biển như ngôi nhà, mảnh vườn của mình, vì vậy cần liên tục vươn khơi bám biển, giữ biển!”. Với thâm niên hơn 40 năm bám biển, ông Chính thuộc từng nguồn lạch con nước, luồng cá đi để biết ở nơi nào mình buông lưới thì sẽ thu về được cá. Năm 20 tuổi, ông Chính không may bị trúng bom cắt cụt chân trái nhưng ông không bỏ biển. “Mình sinh ra từ biển, bỏ biển thì biết sống bằng nghề gì!”, ông nói. Những tháng ngày sau tai nạn, ông miệt mài tập bơi bằng… một chân. Rồi ông vẫn vươn khơi như bao nhiêu thanh niên trai tráng ở vùng biển bãi ngang này. Năm 1980, ông được tin cậy bầu làm Đội trưởng Đội tàu rê khơi của HTX Tân Lợi. Khi 3 người con trai của ông lớn, lần lượt theo nghề biển của cha, khi điều kiện kinh tế khá lên, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, các con ông đều đầu tư đóng tàu công suất lớn để vươn khơi xa đánh bắt các loài hải sản có giá trị kinh tế lớn như cá thu, trong đó có một con tàu vỏ thép đang trong quá trình hoàn thiện, chuẩn bị ra khơi, ông Chính đỡ nhọc nhằn hơn trước. “Bây giờ mỗi năm tui ra khơi chỉ vài lần, chủ yếu để truyền kinh nghiệm đánh bắt cho con cái trên các vùng biển quê mình. Nhưng đi biển cũng là để vơi đi nỗi nhớ nghề, dù mỗi ngày mình vẫn phụ giúp con cái vá lưới nhưng không ra biển cảm thấy nhớ vị mặn mòi của biển lắm”.

Không riêng gia đình ông Chính, ở Cửa Việt nhiều người còn biết đến đội tàu của gia đình cụ Bùi Đình Chình. Ở tuổi ngoài 80, cụ Chình vẫn giữ được phong thái của một kình ngư trên biển: “Trong số tầm 90 chiếc tàu lớn vươn khơi xa ở Cửa Việt này thì các con của tui chiếm đến 5 đứa 5 chiếc. Bây giờ có tàu lớn, không phải ngại sóng gió lốc tố như xưa nữa, yên tâm mà ra biển thôi”. Ông Bùi Chí Thanh, một trong 5 người con của cụ Chình đang sở hữu tàu lớn có công suất 434 CV vui vẻ cho biết: “Ngày xưa không có điều kiện nên cư dân bãi ngang chủ yếu dùng tàu nhỏ đánh bắt gần bờ, nay tàu lớn rồi, đi khơi xa có những chuyến kéo dài cả tháng. Chỉ có bão mới ngại chứ áp thấp, mưa gió chi tàu đều chịu được sức gió”. Cũng nhờ nguồn thu từ con tàu công suất lớn, vợ chồng ông Thanh nuôi được 4 con học đại học, cao đẳng, có việc làm ổn định. Ông Thanh bấm đốt ngón tay, toàn thị trấn Cửa Việt có khoảng 90 con tàu đánh bắt khơi xa với công suất lớn. Trong đó có rất nhiều gia đình sở hữu những đội tàu hùng hậu, nhiều nhất là dòng họ Bùi Đình.

“Cột mốc” giữ biển

Ông Bùi Đình Chính giúp con trai chuẩn bị lưới cụ vươn khơi

Hôm tôi về Cửa Việt, giữa cái nắng chói chang, anh Bùi Đình Huệ đang tất tả hoàn thiện những khâu cuối cùng để giong buồm con tàu sắt vừa hạ thủy ra khơi chuyến đầu tiên. Ông Chính, bố anh Huệ hồ hởi nói, nhờ có sự hỗ trợ của Nhà nước mà con tàu mơ ước của đời ông được trở thành sự thật. Vừa nói ông liên tay chân phụ kiểm tra ngư cụ giúp con trai vươn khơi. Anh Huệ bộc bạch: “Trước đi tàu vỏ gỗ, công suất nhỏ cũng gặp nhiều sóng gió. Bây giờ có chính sách hỗ trợ đóng tàu vỏ thép, tôi bàn với cha đầu tư một chiếc để vươn khơi vừa đánh bắt cá vừa góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo bao đời nay cha ông mình đã gìn giữ, bảo vệ”. Nghề đi biển, nhất là các vùng biển xa của Tổ quốc, ngư dân luôn đối mặt với hiểm nguy, bị rượt đuổi, bị cắt ngư lưới cụ nhưng không vì thế mà họ nao núng. Anh Huệ nói rằng, biển mình thì mình phải giữ dù có lúc này lúc khác gặp khó khăn. Ngay như mẻ lưới đầu năm 2017, 3 con tàu của gia đình ông Chính bị vướng bợn bùn trên biển. Một chiếc chìm, hai chiếc còn lại mất đến 70 tay lưới, trị giá lên đến hàng trăm triệu đồng. Trở về sau chuyến tay trắng đó, cha con ông lại cùng nhau nỗ lực dồn góp, vay mượn để ra khơi. “Mình mất nhiều tài sản nhưng không thể bỏ biển được”, giọng ông Chính rắn rỏi.

Đời người ngư dân phải giữ lấy biển như người nông dân giữ mảnh vườn của mình. Phải thường xuyên có mặt, chứ bỏ hoang thì người ta lấn chiếm. Vào độ này thì ngư dân xa bờ đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa, vùng biển phía Nam như Bạch Long Vỹ, mỗi chuyến biển đi trên dưới 20 ngày, cá đầy khoang thì gần đâu vào neo tàu bán cá ở đấy, bất kể Đà Nẵng, Thừa Thiên – Huế, Bình Định hay Cửa Việt…

Ông Thanh cũng vừa trở về từ vùng biển Hoàng Sa. Ông nói, vào kỳ con trăng tròn nên nghỉ thêm ít hôm nữa, rồi tàu sẽ lại ra Hoàng Sa đánh bắt. Hỏi ông chuyện cấm biển, ông nói, biển mình thì mình cứ đánh bắt. Đời người ngư dân phải giữ lấy biển như người nông dân giữ mảnh vườn của mình. Phải thường xuyên có mặt, chứ bỏ hoang thì người ta lấn chiếm. Vào độ này thì ngư dân xa bờ đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa, vùng biển phía Nam như Bạch Long Vỹ, mỗi chuyến biển đi trên dưới 20 ngày, cá đầy khoang thì gần đâu vào neo tàu bán cá ở đấy, bất kể Đà Nẵng, Thừa Thiên – Huế, Bình Định hay Cửa Việt… Độ tháng 6 đến tháng 10 âm thì lại ngược ra miệt vịnh Bắc Bộ. Vào giữa đông, đầu xuân thì đánh bắt quanh vùng biển Quảng Trị. Đời ngư dân quanh năm bám biển, cứ đon luồng cá, đon con nước mà đi.

Cửa Việt chiều hè rực nắng. Những con thuyền neo mình bên mép sóng nghỉ ngơi giữa mùa trăng. Trên tàu, dưới bãi, những ngư dân trần mình vá lưới, chuẩn bị chuyến ra khơi mới. Bao đời nay vẫn vậy, họ vẫn quăng quật mình nơi đầu sóng ngọn gió để mưu sinh và đau đáu nỗi niềm giữ biển. Không ai khác, chính họ là những “cột mốc sống” góp phần gìn giữ biển đảo Tổ quốc!

Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)