Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Những cung đường qua dãy Appalachia nước Mỹ

Tạp Chí Giáo Dục

Nằm ở khu vực Bắc Mỹ, dãy núi Appalachia không chỉ nổi tiếng với vẻ hùng vĩ mà còn vì có những cung đường qua núi góp sức giúp người xưa chinh phục miền Tây hoang dã.

Eo núi Cumberland mùa thu

Trong một chuyến du lịch bằng xe đạp, chúng tôi đã có dịp đi qua những cung đường lịch sử này. Trải hàng trăm dặm đường mà hầu như không ai thấy mệt mỏi gì nhờ những câu chuyện thú vị và phong cảnh núi non đẹp tuyệt vời cứ lần lưọt tiếp nối.

Những dặm đường Tây tiến
Hành trình của chúng tôi là đạp xe và cắm trại qua đêm tại một số điểm trên đường mòn Great Allegheny Passage (gọi tắt là GA) nối rừng Ohiopyle – thành phố Cumberland và đường mòn Chesapeake&Ohio (gọi tắt là C&O) nối Cumberland – thành phố Hancock.
GA và C&O vốn là mạch máu phục vụ kinh tế Mỹ trong hai thế kỷ XIX và XX. Tuy nhiên từ khi hệ thống đường cao tốc ra đời, đường chỉ dành cho những du khách muốn khám phá thiên nhiên, lịch sử nước Mỹ bằng xe đạp, cưỡi ngựa hoặc đi bộ.
Cả hai con đường cùng được khởi công vào ngày 4/7/1828 với mục đích là tiến về phía Tây. Đấy là vùng lưu vực sông Ohio miền Midwest, nơi rất trù phú về nông lâm sản và miền Tây của Virginia và Pennsylvania, nơi có nhiều mỏ than đá rất cần cho công nghiệp nặng mới bắt đầu ở Bắc Mỹ, nhất là vùng vịnh Chesapeake gần thủ đô Washington.
GA vốn là đường xe lửa còn C&O là đường chạy dọc theo con kênh đào để dành cho lừa kéo phà hay bè hàng hóa trên kênh. Tuy GA và C&O được hoạch định với mục đích giống nhau nhưng trên thực tế, hai chủ dự án là hai công ty đang cạnh tranh quyết liệt.
Trong chiến lược chinh phục Appalachia, mỗi bên chọn một phương án kỹ thuật đương thời là sử dụng sức kéo của lừa và sức kéo của xe lửa. Cuối cùng như lịch sử cho thấy, xe lửa đã thắng hoàn toàn trong cuộc tranh đua này.
Cuối ngày, cả đoàn chúng tôi dừng chân tại Cumberland. Trong giai đoạn chinh phục miền Tây của nước Mỹ, thành phố này là một điểm có tầm quan trọng tương tự như đèo Hải Vân trên đường từ Bắc vào Nam ở Việt Nam.
Bởi vì ở Mỹ, đi từ Đông sang Tây phải vượt qua dãy Appalachia và dãy Allegheny trùng trùng điệp điệp, mà Cumberland là vùng eo núi nơi xe ngựa thời đó có thể vượt qua tương đối dễ dàng.
Một đoạn đường GA vào mùa thu

Trước đây, thành phố này còn là một trạm dừng khi lưu thông dọc con kênh đào C&O. Nhưng từ khi công ty đầu tư vào C&O phá sản do kênh đào không cạnh tranh nổi với đường xe lửa GA, Cumberland trở thành một điểm đến du lịch.

Trung tâm thành phố bây giờ là các khu phố cổ kính, xinh đẹp và thơ mộng vì còn nhiều tòa kiến trúc của thế kỷ trước được bảo tồn và tu bổ cẩn thận. Hấp dẫn nhất là những quán ăn và quán cà phê sang trọng cùng với những gallery tranh đậm chất nghệ thuật.
Tuyến đường sắt Western Maryland Scenic Railroad của Cumberland hiện còn giữ lại một nhà ga xe lửa phục vụ hành khách. Du khách có thể mua vé tàu hỏa có đầu máy đốt than hay đầu máy diesel kéo lên miền núi Allegheny tiếp giáp với dãy Appalachia.
Một chiếc cầu trên đường GA

Chuyến xe này sẽ ngừng ở trạm Frostburg, thành phố du lịch đã được dựng lên cùng với Trường Đại học Frostburg State University (Maryland) nằm ở trên đồi.

Vào mùa thu, khi các cánh rừng bạt ngàn lá vàng lá đỏ, phong cảnh vùng này trông vô cùng nên thơ. Du khách phương xa đến thăm thường ngẩn ngơ với cái đẹp lạ lùng của núi đồi vùng cao nguyên Allegheny.
Dọc theo hai bên đường mòn GA, thỉnh thoảng nằm giữa những hàng cây dày ken lại có các khe hở được gọi là “cửa sổ địa đàng” (vistas) để cho du khách nhìn ngắm thung lũng bao la phía dưới. Nhìn từ xa, những dòng sông, thác nước dưới ánh mặt trời trông như dòng thủy ngân lấp lánh giữa một miền núi non bất tận.
Muôn vẻ cuộc sống dọc cung đường
Ngôi nhà Fallingwater nằm trong thác nước

Điểm đến kế tiếp của chúng tôi là Ohiopyle, một khu rừng ở bang Pennsylvania. Nơi đây có cảnh sắc thiên nhiên quyến rũ và nổi tiếng với một thác nước kỳ vĩ chỉ sau thác Niagara ở miền Đông nước Mỹ.

Ngay trong lòng thác nước này có một ngôi nhà rất nổi tiếng của kiến trúc sư Frank Lloyd Wright mang tên Fallingwater (nước chảy). Tòa nhà bốn bề bằng kính nằm trên dòng thác giữa núi rừng.
Nhìn ra xung quanh toàn là cây cối xanh mướt hoặc dòng nước tung bọt trắng xóa, nhiều người tưởng mình đã lạc vào chốn thiên thai hay chốn long cung.
Trên đường GA, chặng giữa Ohiopyle và Frostburg có nhiều cầu sắt bắc qua các thung lũng sâu đến ba bốn chục mét trông rất ngoạn mục, xen vào đó là những đường hầm xuyên núi.
Đến cầu Salisbury Viaduct, cả đoàn dừng chân nhìn về hướng hai thành phố điện năng Meyersdale và Garret. Những cánh chong chóng khổng lồ của máy phát điện dùng sức gió lừng lững giữa không gian trông rất hùng vĩ.
Sau khi chiêm ngưỡng hình ảnh nói lên sức mạnh của con người, ai nấy chợt im lặng lắng tai nghe tiếng gió thổi vi vu trên đồi Laurel xanh ngát rồi dõi mắt theo những áng mây trắng bay lững lờ dưới bầu trời Allegheny bao la…
Tiếp theo, Rockwood là trạm nghỉ được biết đến với một nhà hàng vốn là nhà hát Opera xưa kia. Ngoài việc thưởng thức những món ăn nướng lò độc đáo, du khách có thể vào tham quan nhà hát được xây vào thế kỷ XIX còn được giữ lại ở phía sau của nhà hàng.
Gần đó là Deal, điểm cao nhất của cung đường GA với độ cao 729m so với mực nước biển. Tại đây có một lằn xương sống phân chia địa lý nước Mỹ gọi là Eastern Continental Divide.
Khi mưa rơi xuống phía đông của lằn này, nước sẽ đổ về vịnh Chesepeake rồi đổ ra Đại Tây Dương. Còn nếu mưa rơi xuống phía tây của lằn thì nước sẽ chảy ra tận vịnh Mexico qua hệ thống sông ngòi Ohio và Mississippi!
Từ Cumberland đi về hướng đông nam theo đường mòn C&O là đến thủ đô Washington. Con đường này tuy không được cao ráo, bằng phẳng như đường GA nhưng cũng không thua gì về cảnh sắc tự nhiên.
Thêm một điểm nữa là đường đi qua nhiều địa danh lịch sử nổi tiếng trong thời lập quốc và thời chiến tranh Nam Bắc của nước Mỹ như là Hancock, Berkeley Spring, bãi chiến truờng Harpers Ferry (West Virginia), bãi chiến trường Antietam (Maryland).
Trung tâm thành phố Cumberland

Trên đường C&O còn có làng Little Orleans nổi tiếng với quán ăn Bill’s Place. Chủ quán là ông Bill năm nay đã ngoài 80 nhưng vẫn còn mạnh khỏe và luôn tươi vui yêu đời.

Điều đặc biệt của quán này là trần nhà được trang trí bằng những tờ tiền giấy đôla Mỹ, trong đó có nhiều tấm được ký tên bởi những diễn viên, ca sĩ, chính trị gia… nổi tiếng, tổng cộng có thể đến hàng ngàn USD.
Ông bà Bill nổi tiếng là vui tính và niềm nở nên khách phương xa có dịp đến đây đều muốn ghé thăm quán. Vào những ngày cuối tuần, cả đoàn cháu chắt nội ngoại đều đến quán giúp ông bà phục vụ khách. Nhìn em bé mới bốn, năm tuổi cũng tỏ ra sốt sắng trong công việc phục vụ cụ Bill, ai nấy đều tỏ vẻ ngưỡng mộ sự đoàn kết và truyền thống kinh doanh của đại gia đình này.
Đường hầm Paw Paw Tunel

Trong chuyến đi của chúng tôi có một điểm đến khó quên nữa là Paw Paw Tunnel – đường hầm đặc biệt dùng cho kênh đào qua núi. Dài gần 1km, Paw Paw Tunnel là đường hầm dài nhất thế giới dành cho đường thủy lộ.

Chương trình đào đường hầm và kênh qua núi thoạt tiên được dự tính chỉ làm trong hai năm, nhưng vì gặp phải đá rắn, tranh chấp lao động, khó khăn tài chính… nên đến 14 năm mới hoàn tất.
Tiếc thay, khi kênh đào xong thì thời đại kênh đào cũng sắp chấm dứt nên thay vì được đón chào nồng nhiệt như một kỳ công của sức lao động và kỹ thuật, quốc hội Mỹ đã quyết định chấm dứt dự án Paw Paw Tunnel, nhường mọi ưu tiên cho đường sắt đang trên đà phát triển ào ạt khắp đất nước.
Trước khi bị thay thế bởi mạng lưới xa lộ và xe hơi tràn ngập vào nửa cuối thế kỷ XX, hệ thống đường sắt đã từng là huyết mạch cho nền kinh tế Mỹ trong cả trăm năm.
Không hiểu, sự thống trị của xe hơi rồi có tồn tại mãi không, hay cũng sẽ sớm bị đào thải và thay thế bởi những kỹ thuật mới tiện lợi hơn, siêu việt hơn?
HUỲNH VĂN BA – Ảnh: CẨM TÚ
Theo DNSG

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)