Kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT, sĩ tử trên cả nước lại bắt đầu cuộc đua “nước rút” ôn tập cho kỳ tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2011 sắp tới. Trước nhiều phương thức phải lựa chọn như ôn thi tại lò luyện thi cấp tốc; tự ôn luyện; ôn qua mạng… khiến nhiều sĩ tử không khỏi lúng túng. Cân nhắc, thận trọng chọn cho mình hình thức ôn tập tiết kiệm mà hiệu quả sẽ mang lại nhiều cơ may cho thí sinh trước ngưỡng cửa ĐH.
Lò luyện thiếu vắng sĩ tử
Dường như cứ đến hẹn, sau kỳ thi tốt nghiệp THPT là các lò ôn luyện thi ĐH-CĐ lại trưng biển, quảng cáo tờ rơi rầm rộ nhằm thu hút thí sinh. Vài năm trở lại đây, việc ôn luyện tại các lò luyện thi ĐH-CĐ đã không còn là “mốt”, là phong trào đối với thí sinh. Xuất phát từ việc Bộ GD&ĐT đã đổi mới phương pháp ra đề, nội dung cơ bản vẫn là kiến thức chuẩn THPT, kiến thức lớp 12. Ngay từ khi tiến hành sự đổi mới này, việc thi theo “100 bộ đề” bị bãi bỏ, sự kiện xuất hiện nhiều thủ khoa ĐH (hoặc đạt điểm tuyệt đối 30/30) lại là những thí sinh nhà nghèo, tự ôn luyện theo cách riêng mà không tham gia các lò luyện thi đã khiến dư luận hết sức quan tâm.
Có những ý kiến cho rằng, khi Bộ thực hiện ra đề theo kiến thức chuẩn THPT, thí sinh chỉ cần nắm vững kiến thức sẽ đạt điểm cao, biết sáng tạo, vận dụng tư duy tốt sẽ đạt điểm tối đa. Việc ôn luyện ở các lò luyện thi là không phù hợp (?) Điều đó chưa hẳn đã đúng. Vì nhiều lò luyện thi do các giảng viên, giáo viên giàu kinh nghiệm giảng dạy, tất nhiên sẽ mang lại cho thí sinh kỹ năng, kinh nghiệm cao hơn. Nhưng trên thực tế, chất lượng các lò ôn lại ngược với những gì họ quảng cáo.
Nhiều lò luyện thi năm nay đã trở nên vắng vẻ hơn Ảnh: Hoàng Long
|
Phần nhiều, những cơ sở ôn luyện đều giới thiệu là “giảng viên uy tín, giáo sư trường A, trường B… học phí hợp lý, đảm bảo đậu… 100%”. Kỳ thực, khi thí sinh bước vào lớp ôn luyện, lại chỉ bắt gặp những người trực tiếp giảng dạy lạ lẫm, đôi khi chẳng phải giảng viên của trường ĐH nào; kiến thức truyền thụ thì sơ sài, rất mơ hồ. Hết giờ lò ôn này, lập tức chạy “sô” sang lò ôn khác. Có những lò ôn “uy tín”, thu hút nhiều thí sinh, nhưng mỗi lớp chứa đến 200 hoặc 300 sĩ tử; giáo viên phải giảng bằng loa. Và chất lượng tiếp thu thì… tuỳ người học. Năm nay tại Hà Nội, những trung tâm mà trước kia từng mọc lên hàng chục lò ôn luyện nối tiếp nhau như quanh khu vực trường Bách khoa, phố Tạ Quang Bửu; đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân), khu vực trường ĐHSP Hà Nội đã vắng vẻ nhiều. Mặc dù trước các lớp ôn vẫn trưng biển quảng cáo “Uy tín, chất lượng, giảng viên ĐH giàu kinh nghiệm…” nhưng rất ít sĩ tử đăng ký vào học. Tại ngõ 366 Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội) – nơi vẫn được đánh giá là trung tâm ôn luyện lớn-cũng chỉ còn 3 cơ sở trưng biển mở lớp. Mức học phí năm nay cũng “mềm” so với năm ngoái. Giá ba môn học dao động từ 1,5 triệu đồng đến 1,7 triệu đồng. Bên cạnh đó, chất lượng ôn luyện của các lò ôn tại các tỉnh cũng đã chất lượng hơn nhiều, đáp ứng được nhu cầu của thí sinh; một lượng lớn áp dụng phương pháp tự ôn luyện tại nhà không phải đến lò ôn, nên các cơ sở tại Hà Nội đã không còn sức cạnh tranh, thu hút so với trước.
Nên tự lên kế hoạch ôn tập hợp lý
Khác với nhiều năm trước, cảnh thí sinh khăn gói về các khu vực thành phố thuê trọ, luyện ở lò ôn đã không còn diễn ra theo kiểu phong trào nữa. Tại nhiều trang web, Forum (diễn đàn mạng) tư vấn mùa thi, hướng dẫn cách ôn luyện hiệu quả đã đưa ra nhiều những cảnh báo về các chiêu tự quảng cáo chất lượng, lừa sĩ tử đến ôn luyện của các trung tâm luyện thi. Phần lớn, những lời khuyên dành cho thí sinh là tốt nhất là tự lên cho bản thân một kế hoạch học tập hợp lý. Việc đến lò ôn không phải là yếu tố quyết định, nếu thí sinh tự xác định được năng lực bản thân, nắm chắc lượng kiến thức THPT, thì có thể học ôn theo nhóm, tự ôn luyện, hoặc ôn tập tại những lớp do thầy cô dạy THPT có kinh nghiệm đang trực tiếp giảng dạy. Việc tự ôn luyện có tác dụng lớn vì sẽ rèn được tư duy độc lập, nâng cao hiệu quả tự xử lý đề bài, củng cố kiến thức. Miễn là người ôn phải biết phân chia thời gian hợp lý, biết tập trung vào những nội dung căn bản, không quá tham ôm đồm nhiều kiến thức mở rộng. Ngoài việc tập trung hiệu quả cho ôn luyện, thí sinh cần phải giữ gìn sức khoẻ, tránh thức đêm nhiều, trí nhớ sẽ giảm sút.
Trước mùa thi ĐH-CĐ đang tới gần, việc chuẩn bị tinh thần, củng cố kiến thức trong những bước chạy “nước rút” đối với thí sinh là hết sức quan trọng. Tuy nhiên, không nên vì áp lực quá lớn, quá lo lắng mà chạy đua theo các phong trào ôn luyện, bỏ qua kế hoạch ôn tập riêng phù hợp bản thân, dẫn đến hiệu quả không cao. Một lưu ý đối với đề thi năm nay, nếu thí sinh nào vẫn áp dụng hình thức học tủ, học lệch, quá chú trọng vào những phần nội dung đề thi theo phán đoán cá nhân, sẽ rất dễ dẫn đến khả năng “cắn bút” tại phòng thi.
Theo Nguyệt Sinh
(daidoanket)
Bình luận (0)