Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Những cuộc hôn nhân vội vã

Tạp Chí Giáo Dục

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Trên thực tế, có rất nhiều cuộc hôn nhân không phải là kết quả của tình yêu. Không chỉ vậy, nhiều người còn coi việc kết hôn như một cách để né tránh những rắc rối trong cuộc sống. Đây là một sai lầm không thể sửa chữa, và để lại hậu quả rất nặng nề trong suốt quãng đời còn lại của họ cũng như những đứa con…

Kết hôn vì áp lực tâm lý

Rời quê vào thành phố, cũng như những người phải sống cảnh nhà trọ, càng ngày chị L. càng ngán ngẩm bởi cảm giác mất tự do trong sinh hoạt cá nhân. “Một cõi đi về” của chị không chỉ u ám vì những phiền phức của cảnh ở trọ mà còn vì tâm trạng cô đơn, tủi phận khi đã ngoài 30 tuổi mà vẫn thui thủi một mình. Vào thành phố sống, chỉ có tấm bằng trung cấp trong tay, phải vất vả lắm chị mới xin được một chỗ làm với mức lương khá bèo. Không có thế mạnh về nhan sắc, lại nhút nhát, thiếu tự tin, chị không có nổi một “mảnh tình vắt vai” kể từ ngày sống ở Sài Gòn. Thế rồi cơ  may cũng đến khi chị tình cờ gặp anh H. Quen nhau một thời gian, anh bất chợt “tỏ tình”. Chị L. nhận lời yêu anh H. mặc dù trong lòng chị không một chút yêu thương. Anh vốn là trai Sài Gòn “chính gốc”,  lại có nhà cửa ở phường 4, quận 3, ngay gần cơ quan chị, nếu lấy được anh, chắc chắn chị sẽ thoát cảnh ở nhà trọ. Hơn nữa, nỗi lo bị ế đã giày vò bấy lâu nay khiến chị nhanh chóng quyết định nhận lời lấy anh H. dù anh không có nghề nghiệp ổn định, nhà lại  nghèo và hai người chưa có sự tìm hiểu kỹ. Ngày cưới, hai vợ chồng rất vui khi có được vài chục triệu tiền mừng cưới của bà con, bạn bè. Đối với cả hai, đây là một số tiền quá lớn mà từ nhỏ tới giờ chưa ai có trong tay. Cũng chính vì vậy, chị L. không lo lắng gì nhiều khi sinh đứa con đầu lòng. “Tranh thủ” lúc chị L. sinh đẻ không quản lý được tiền bạc, anh H. “trích” hẳn một khoản lớn để “thực hiện” giấc mơ đổi đời của mình. Vô cùng lo lắng vì một nửa “gia tài” đã bị chồng “nướng” vào cá độ bóng đá, chị L. chỉ còn biết hy vọng chồng mình sẽ sửa đổi khi mà bao nhiêu thứ chi tiêu cứ ào ào kéo tới cùng với sự ra đời của đứa con. Không những không rút kinh nghiệm, sau đó anh H. còn đi vay tiền với lãi suất rất cao để tiếp tục cá độ đá bóng. Chị L. như muốn chết đứng khi chồng “thông báo” rằng đã thua độ hết và bắt chị trả nợ với lý do anh phải ở nhà trông con cho chị đi làm, không kiếm ra tiền. Không chỉ vậy, anh H. “say mê” rất nhiều thứ, nhà hàng xóm có hội đánh bài ăn tiền hay đổ cá ngựa là anh lăn xả vào, vừa ôm con vừa chơi. Để có tiền chơi, ít có ngày nào anh không tìm cách “móc túi” của chị vài chục ngàn. Thấy chồng phải trông con không có “đồng ra đồng vào”, chị L. im lặng cho qua mặc dù bản thân phải chật vật lo tiền tiêu xài cho cả nhà.

Không bị hạn chế về nhan sắc và điều kiện sống như chị L., chị  Nguyễn Thị Q. (quê ở Vũng Tàu) lại đến với hôn nhân một cách không tính toán bởi lý do liên quan đến… người yêu cũ. Lên Sài Gòn học đại học, chị Q. được gia đình mua hẳn cho một căn  hộ ở cư xá Thanh Đa (Q. Bình Thạnh) để tiện việc học hành. Trong số rất nhiều “vệ tinh” xoay như chong chóng xung quanh, chị nhanh chóng “kết” một chàng kiến trúc sư lớn hơn mình 5 tuổi. Sau 7 năm yêu nhau, dù chị đã “cho” hết những gì quý nhất của đời con gái và đã nhiều lần hối thúc, anh A. vẫn không đả động gì đến chuyện cưới hỏi. Khi đã hết kiên trì, chị Q. dứt khoát chia tay dù vẫn còn yêu anh A. tha thiết. Để xóa đi vết thương lòng, chị “nhắm mắt” nhận lời yêu và nhanh chóng tiến tới hôn nhân với anh T. dù gia đình không đồng ý vì anh rất ham nhậu nhẹt. Đẹp trai, con nhà giàu, lại là cán bộ nhà nước nhưng hầu như lúc nào anh cũng lè nhè, miệng toàn mùi bia, rượu. Về chuyện này, chị Q. cũng thoáng băn khoăn, nhưng rồi chị nhanh chóng gạt sự lo lắng qua một bên vì nghĩ rằng với gia tài kếch xù của gia đình anh thì chuyện anh sống hưởng thụ cũng không có gì đáng ngạc nhiên, sau này chị sẽ lựa lời khuyên giải anh. Sau ngày cưới không lâu, lòng chị Q. đã ngập tràn nỗi ân hận. Lúc tỉnh thì không sao, những khi say xỉn, anh T. trở thành một con người khác, hành hạ chị đủ kiểu. Cũng chính vì mê nhậu mà anh thường xuyên bị cơ quan kỷ luật, những lúc như vậy, anh thường mang nỗi buồn bực đem về trút hết lên đầu chị. Anh tỏ ra rất coi thường chị vì đã cưới được chị một cách quá nhanh chóng, dễ dàng. Sự quậy phá của anh T. khiến chị ăn không ngon ngủ không yên, hầu  như mất hết niềm vui sống. Từ một cô gái “hương trời sắc nước”, ăn mặc luôn mô đen, giờ đây chị Q. chẳng còn thiết tha gì đến vẻ ngoài của mình nữa. Những đêm dài thao thức không ngủ được, đầu óc chị Q. cứ ong ong hai chữ “giá như”…

Kết cục tất yếu

Dù không muốn, giờ đây chị L. buộc phải đem số tiền còn lại để cho vay nặng lãi. Bản tính vốn nhân hậu, hay thương người, vậy mà phải lấy tiền lời của những người nghèo khổ với giá cắt cổ để tiêu xài, chị thật sự xót xa, nhưng không cho vay thì lấy gì mà sống khi trong tay chị chỉ còn một số tiền nhỏ. Phần vì nhà cửa quá chật chội, ẩm thấp cộng với cách chăm sóc con thiếu hiểu biết của anh H. khiến con bệnh liên miên, phần phải lo chi tiêu trong nhà lẫn trả nợ cho chồng, chị L. như người mất hồn. Không ít lần chị mặc áo trái đi ra đường, thậm chí nón bảo hiểm cũng bị chị đội… ngược. Chuyện gây lộn với chồng xảy ra như cơm bữa, hiếm khi nào hai vợ chồng chị nói với nhau được một lời nhẹ nhàng. Bây giờ, trong thâm tâm, chị L. chỉ mong ngày tháng qua nhanh cho con cứng cáp để chị viết đơn ly dị.

Về phần Nguyễn Thị Q., chị phải cắn răng chịu đựng chồng, không dám cho gia đình biết vì sợ bố mẹ buồn. Nhưng tới khi đứa con đầu lòng ra đời thì chị mất hết kiên nhẫn. Những lúc say, anh T. thường chửi bới, thậm chí đánh đập con vì những lý do không đâu từ khi nó còn nhỏ xíu. Xót con, chị Q. không còn lựa chọn nào khác là chấp nhận ly hôn. Bây giờ chị mới nhận ra, hôn nhân không phải là trò đùa…

Để không phải nói “giá như” về cuộc hôn nhân của mình, trước khi lập gia đình, không ai được bỏ qua việc tìm hiểu cặn kẽ “đối tượng”  kết hôn của mình. Hôn nhân là chuyện nghiêm túc, không trang bị cho bản thân những kiến thức cần thiết thì không thể có định hướng tốt về hạnh phúc gia đình trong tương lai. Để có một cuộc hôn nhân hạnh phúc và bền vững theo thời gian, không thể không dành thời gian cho việc tìm hiểu, học hỏi để tự nâng cao nhận thức cho bản thân.

Hương Lài

Bình luận (0)