Nói về sách cho ngành giáo dục là nói về việc bồi dưỡng đào tạo con người, nên trước hết xin được thông tin vài chi tiết thú vị về những con người đã có sáng kiến chủ trương ra bộ sách hữu ích này.
Phẩm chất của những nhà giáo ưu tú và Niềm vui dạy học – hai xuất bản phẩm “mở hàng” của nhóm biên dịch trẻ, cựu học sinh Trường Quốc học Huế. Công ty Cửu Đức – sách Hà Nội và NXB Văn hóa Sài Gòn xuất bản |
Họ còn khá trẻ – cùng độ tuổi xấp xỉ “tam thập nhi lập”, hơn chục năm trước cùng là học sinh Trường Quốc học Huế nhưng nay ở ba TP khác nhau: Trần Văn Duy – họa sĩ, biên tập viên ở TP.HCM; Tô Diệu Lan – thạc sĩ ngành nghiên cứu phát triển ở Đại học (ĐH) Cambridge (Anh), từng công tác ở Bộ Ngoại giao, vừa trở về làm việc tại Trung tâm học liệu ĐH Huế; ở xa bên trời “Tây” là Hoàng Kháng – tiến sĩ vật lý ĐH Michigan (Mỹ), hiện làm việc tại ĐH California – Santa Barbara, Mỹ. Trần Nữ Mai Thy lại cũng là bạn cùng lớp tại Quốc học Huế năm xưa với Kháng, cùng khóa với Lan, mới hoàn thành chương trình thạc sĩ ngành phát triển giáo dục quốc tế tại ĐH Columbia (Mỹ), hiện giảng dạy tiếng Anh tại Huế.
Như thế, bạn đọc cũng có thể tin cậy vào nhóm làm sách trưởng thành từ một ngôi trường nổi tiếng trên vùng “đất học” có truyền thống, lại có điều kiện trau dồi kiến thức tại các viện ĐH nổi tiếng thế giới, có “ủy viên thường trực” Hoàng Kháng “nằm vùng” tại một trung tâm ĐH Mỹ, nên những cuốn sách họ chọn dịch hẳn là thứ “gạo trên sàng”, rất đáng đọc.
Cuốn Niềm vui dạy học của Peter Filene (Tô Diệu Lan và Trần Nữ Mai Thy dịch), cung cấp cho các giảng viên mới vào nghề những lời khuyên, những hướng dẫn hữu ích cả về thực hành lẫn quan niệm mới về vai trò của người giảng viên, về mục tiêu và kết quả đào tạo. Peter Filene là giáo sư sử học ở ĐH Bắc Carolina – Chapel Hill, Mỹ, và là tác giả của một cuốn tiểu thuyết với nhiều tác phẩm viết về các vấn đề lịch sử và đương đại. Ông đã được trao tặng sáu giải thưởng về giảng dạy.
Ken Bain – tác giả cuốn Phẩm chất của những nhà giáo ưu tú (sách do Nguyễn Văn Nhật dịch, Hoàng Kháng hiệu đính) là giáo sư sử học và giám đốc sáng lập của các trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ giảng dạy ĐH ở bốn viện ĐH hàng đầu ở Mỹ. Cuốn sách được hình thành sau 15 năm nghiên cứu với gần 100 nhà giáo ưu tú ở rất nhiều trường ĐH.
Những nhà giáo ưu tú được ông “sàng lọc một cách khắt khe” chọn làm “đối tượng” nghiên cứu không chỉ dựa vào danh hiệu hay khen thưởng này nọ mà căn cứ vào kết quả rất nhiều cuộc tìm hiểu, điều tra, trực tiếp dự giờ giảng… với những tiêu chí có chất lượng cao. Ví như ông không chú trọng kết quả kỳ thi của sinh viên để đánh giá giảng viên (vì nhiều sinh viên có thể thi tốt nhờ học thuộc lòng bài học mà không hề thay đổi trình độ hiểu biết cũng như cách họ tiếp tục suy nghĩ, hành động…) mà đề cao những giảng viên “đến được với các sinh viên cả về phương diện tri thức lẫn phương diện giáo dục, và đã để lại cho họ khát khao muốn học hỏi.”
Từ những nghiên cứu công phu như thế và qua những câu chuyện cụ thể, sinh động, tác giả đã nêu ra những nguyên tắc, phương pháp, gợi cho các giảng viên con đường để trở nên một nhà giáo ưu tú với những phẩm chất cao quý nhất.
Mặt khác, cuốn sách giúp bạn đọc hiểu thêm lao động nghề giáo không chỉ truyền dạy kiến thức mà còn giúp sinh viên hoàn thiện nhân cách, không chỉ là việc lặp lại các bài giảng mà là một công việc vừa đòi hỏi tỉ mỉ, công phu, vừa phải luôn sáng tạo và biết cách khơi dậy năng lực tiềm tàng của sinh viên để họ cùng sáng tạo với mình, từ đó nếp sống tôn sư trọng đạo sẽ được phát huy. Do đó, cuốn sách đã đoạt giải Virginia & Warren Stone vào năm 2004 – giải thưởng dành cho tác phẩm xuất sắc về đề tài giáo dục và xã hội do ĐH Harvard trao tặng hằng năm…
Hai cuốn sách với gần 800 trang chữ nhỏ chứa đựng rất nhiều kiến thức, kinh nghiệm dạy và học, rất hữu ích cho những người làm công tác giáo dục, nhất là trong lúc chúng ta đang “tìm đường” cải cách nền giáo dục hiện có nhiều điều bất cập trước yêu cầu của thời đại mới.
B: Một giảng viên trẻ ở Hà Nội đã email cho nhóm biên dịch: “Càng đọc tôi càng thấy mình còn cần phải phấn đấu rất nhiều, đồng thời thấy rõ hơn mình phải làm gì trong những năm đầu mới vào nghề dạy học. Đây thật sự là một cuốn sách quý đối với tôi…”. Nhóm biên dịch cũng bày tỏ: có lẽ hai cuốn sách đáp ứng được phần nào nhu cầu của các giảng viên và giới giáo dục nói chung – một nhóm đối tượng luôn cần phải được tái đào tạo và phải không ngừng tự học hỏi nhưng lại không được quan tâm lắm trong nhiều năm qua.
NGUYỄN KHẮC PHÊ (Theo Tuổi trẻ)
Bình luận (0)