1.Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, một người chịu nhiều ảnh hưởng từ Nguyễn Hiến Lê và có thời gian gắn bó với học giả vào những năm cuối đời đã kể lại trong cuốn “Nguyễn Hiến Lê, con người và tác phẩm” (NXB Tổng hợp TP.HCM, 2018): “Tản cư về, tôi bị trễ học đến bốn, năm năm. Nhà nghèo, cha mất sớm, tôi phải phụ giúp mẹ trông nom cửa hàng cho nên dù hiếu học, tôi cũng không biết cách nào để tiến thân. May quá, “Kim chỉ nam của học sinh”… đã mở cho tôi một chân trời mới. Đọc xong, tôi thấy mình gần gũi với ông kỳ lạ. Có những điều tôi đã thoáng nghĩ, đã từng làm nhưng vì thối chí ngã lòng, vì không được hướng dẫn nên không đạt được mấy kết quả. Ông đã hệ thống hóa, đặt ra những nguyên tắc giúp cho việc học đỡ mệt, đỡ tốn thì giờ mà được nhiều kết quả hơn. Điều quan trọng là sách trình bày những phương pháp thực hành, không có những lý thuyết viển vông nhàm chán”. Cũng trong tập sách này, giáo sư, bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng kể lại: “Tôi còn nhớ vào năm đệ lục ở trường Trung học Nguyễn Đình Chiểu (Mỹ Tho), tôi vớ được cuốn “Kim chỉ nam của học sinh” của tác giả Nguyễn Hiến Lê, tại nhà sách Do Quang đường Lê Lợi; sau đó là cuốn “Tự học để thành công”. Hai quyển gối đầu giường của tôi thời trung học. Sách dạy đủ thứ. Bàn học nên như thế nào, sách vở sắp xếp ra sao. Đèn đọc sách nên để cho ánh sáng hắt từ bên trái… Từ đó thấy sách gì của Nguyễn Hiến Lê thì tôi mua. Văn giản dị, dễ hiểu, lý luận rõ ràng. Lên lớp đệ tam, thầy dạy Việt văn bắt phải soạn bài rồi thuyết trình trước lớp. Tôi kiếm được cuốn “Nghệ thuật nói trước công chúng”, theo đó tập dượt, được thầy khen và bạn bè hỏi bí quyết. Sau này, lúc dạy ở trường Y, khi xuất hiện ở màn ảnh nhỏ tôi càng thấy giá trị của cuốn sách”…
Đó là hai trong số rất nhiều người từ sớm đã nhìn thấy giá trị lớn lao từ sách của Nguyễn Hiến Lê. Sau này, trong “Hồi ký”, ông có nhắc lại ý kiến của một số người cho rằng, giá như họ có thể “gặp” các tác phẩm của ông sớm hơn, nhất là trong thời kỳ còn đi học, thì cuộc đời họ sẽ tốt hơn, bởi phải mất nhiều năm loay hoay tìm hướng đi cho mình. Bây giờ, hệ thống lại có thể thấy, Nguyễn Hiến Lê có rất nhiều cuốn sách hay, bổ ích, thiết thực dành cho lứa tuổi học sinh. Nếu những ai chịu khó đọc, nghiền ngẫm, vận dụng, hẳn có tác động rất tích cực đến cuộc sống của bản thân.
2.Nguyễn Hiến Lê (1912-1984), một trong những học giả có uy tín bậc nhất ở miền Nam trước năm 1975 đã để lại kho trước tác đồ sộ với khoảng 120 tác phẩm về nhiều chủ đề, trong đó có một phần đáng kể dịch từ các tác phẩm tiếng Anh, tiếng Pháp. Riêng ở khía cạnh các tác phẩm dành cho học sinh và thanh thiếu niên nói chung, có thể kể ở 3 nhóm chủ đề chính: Về giáo dục, có Thế hệ ngày mai; Thời mới dạy con theo lối mới; Tìm hiểu con chúng ta; Săn sóc sự học của con em; Tự học để thành công; 33 câu chuyện với các bà mẹ; Thế giới bí mật của trẻ em; Lời khuyên thanh niên; Kim chỉ nam của học sinh; Bí quyết thi đậu; Để hiểu văn phạm; Luyện văn (3 tập); Khảo luận về ngữ pháp Việt Nam (viết với Trương Văn Chình); Tôi tập viết tiếng Việt (viết với Nguyễn Quyết Thắng); Muốn giỏi toán hình học phẳng; Muốn giỏi toán hình học không gian; Muốn giỏi toán đại số… Về gương các danh nhân Đông Tây, kim cổ, có Gương danh nhân; Gương hi sinh; Gương kiên nhẫn; Gương chiến đấu; Ý chí sắt đá; 40 gương thành công; Những cuộc đời ngoại hạng; 15 gương phụ nữ; Einstein; Bertrand Russell; Đời nghệ sĩ; Khổng Tử; Gogol; Tourgueniev; Tchekhov… Về chủ đề tự luyện – học làm người, có Tương lai trong tay ta; Luyện lý trí; Rèn nghị lực; Sống 365 ngày một năm; Nghệ thuật nói trước công chúng; Sống 24 giờ một ngày (dịch Arnold Bennett); Luyện tình cảm (dịch F. Thomas); Luyện tinh thần (dịch Dorothy Carnegie); Đắc nhân tâm (dịch Dale Carnegie); Quẳng gánh lo đi và vui sống (dịch Dale Carnegie); Giúp chồng thành công (dịch Dorothy Carnegie); Bảy bước đến thành công (dịch G. Byron); Cách xử thế của người nay (dịch Ingram); Xây dựng hạnh phúc (dịch Aldous Huxley); Sống đời sống mới (dịch Powers); Thẳng tiến trên đường đời (dịch Lurton); Trút nỗi sợ đi (dịch Coleman); Con đường lập thân (dịch Ennever); Sống theo sở thích (dịch Steinckrohn)…
3.Có thể nói, nhiều tác phẩm của Nguyễn Hiến Lê có tính chất định hướng lối sống rất cao, thực sự rất có ý nghĩa cho học sinh, sinh viên và thanh niên nói chung. Cuốn “Ý chí sắt đá” động viên chúng ta phải kiên định với mục tiêu và phương thức của mình, dù hoàn cảnh có khắc nghiệt đến đâu. Một trong 5 nhân vật trong quyển này là nhà tu hành nổi tiếng đời nhà Đường Trần Huyền Trang (602-664), người mà chúng ta vẫn quen gọi như trong tác phẩm Tây du ký là thầy Đường Tam Tạng. Dĩ nhiên chúng ta cũng đã quen với “81 kiếp nạn” của ông mà quên mất là trên thực tế, có lẽ ông còn có nhiều hơn số vụ tai nạn, rủi ro, thử thách trong quá trình làm cái công việc mà bây giờ ta quen gọi là “thỉnh kinh” trong suốt 16 năm, từ năm 629 đến năm 645, trong đó có 6 năm đi và về cùng 10 năm học tập, du hành, thuyết giảng Phật pháp tại Ấn Độ. Điều này gắn rất chặt với nội dung trong cuốn “Rèn nghị lực để lập thân”, bởi câu chuyện của Đường Huyền Trang là một minh chứng cụ thể cho một nghị lực phi thường mà nhờ đó bản thân ông mới đạt được những thành tựu rực rỡ và để lại cho đời sau những đóng góp to lớn cả về mặt tôn giáo lẫn văn học, cả về mặt học thuật lẫn mặt giáo dục, cả về mặt giai thoại dân gian lẫn hình mẫu về một tấm gương sáng. Hay trong cuốn “Gương kiên nhẫn”, vốn được biết đến nhiều từ một nhân vật trong sách này là nữ nhà văn, nhà hoạt động xã hội Hellen Keller mà ít người nhớ đến một số nhân vật khác, trong đó có Alexander Fleming (1881-1955), một bác sĩ, một nhà sinh học người Scotland, đồng nhận giải Nobel y học năm 1945 với công trình bào chế thuốc penecilin, được coi là loại thuốc kháng sinh đầu tiên trong việc điều trị các bệnh nhiễm trùng. Nguyễn Hiến Lê đặt câu hỏi trong phần viết về Fleming: “Thiên tài hay chỉ là vận may?” và ông tự trả lời bằng câu nói nổi tiếng của bác sĩ Louis Pasteur: “Dịp may chỉ tới với những kẻ nào đã dự bị sẵn sàng”. Nói là vận may cũng đúng, khi năm 1922, ông tình cờ tìm ra một loại vi khuẩn khi hắc hơi vào một đĩa nuôi cấy vi khuẩn, nhưng trong suốt nhiều năm sau đó, ông tự mày mò, nghiên cứu, thí nghiệm và tìm ra những chủng vi khuẩn mới có tính kháng khuẩn mạnh hơn, cho đến năm 1940, ông mới cùng hai nhà khoa học ở ĐH Oxford công bố công trình nghiên cứu chung về việc tìm ra penecilin. Vận may sẽ chẳng là gì nếu không có lao động miệt mài trong gần 20 năm bằng sự kiên nhẫn đáng khâm phục.
Mấy chục năm qua, nhiều loại sách của Nguyễn Hiến Lê vẫn được coi là rất có giá trị, vẫn có mặt ở hầu hết các nhà sách. Đến nay, đã có nhiều người viết sách về nội dung này nhưng có lẽ chưa ai vượt qua được Nguyễn Hiến Lê về số tác phẩm, về giá trị các tác phẩm, về sự hấp dẫn và tính thuyết phục. Sức hút đó hẳn có một giá trị to lớn mà các tác phẩm của ông vẫn lặng lẽ đóng góp cho cuộc đời này. Do vậy, trong nhà trường, giáo viên nên quan tâm đọc nhiều hơn các sách của ông và giới thiệu, động viên học sinh tìm đọc. Đó thực sự là cách giúp cho học sinh có thêm hành trang cần thiết để vững bước vào đời.
Nguyễn Minh Hải
Bình luận (0)