Lịch sử loài người đã chứng kiến những cuộc "chiến tranh" nổ ra vì một tác phẩm văn học. Ngòi bút có sức mạnh không kém gì lưỡi gươm và lịch sử văn học đã khẳng định điều này.
The Holy Blood and the Holy Grail
(Máu thánh và chén thánh)
Cuốn sách này có nhiều điểm tương đồng với Mật mã Da Vinci. Máu thánh và chén thánh được xuất bản lần đầu năm 1982 ở Anh bởi bộ ba tác giả Michael Baigent, Richard Leigh và Henry Lincoln. Tác phẩm đã đưa ra nhiều thông tin “ngược dòng” khiến các tín đồ Thiên Chúa giáo sửng sốt và gây ra nhiều luồng dư luận trái chiều, những cuộc tranh cãi nảy lửa.
Những thông tin mà các tác giả đưa ra nửa thực nửa hư, vốn đã gây tranh cãi trong giới nghiên cứu Thần học, nhưng khi một tác phẩm chính thức xuất hiện trên thị trường với những lời lẽ đinh ninh để thuyết phục người đọc tin vào những gì được viết trong sách, thì nó như một mồi lửa làm bùng lên tranh cãi. Có thể kể ra ba đầu sách nghiên cứu về những vấn đề chưa được công khai và khẳng định về cuộc đời của Chúa Jesus như The Priory of Sion (Tu viện Sion) xuất bản ở Pháp năm 1956 bởi nhà văn Pierre Plantard, The Holy Blood and the Holy Grail (Máu thánh và Chén thánh), và gần đây nhất là cuốn The Da Vinci Code (Mật mã Da Vinci).
The Adventures of Huckleberry Finn
(Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn)
Đây là một trong những cuốn sách đi cùng tuổi thơ, Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn không chỉ nổi tiếng ở Mĩ mà còn được yêu thích ở nhiều nước khác, tuy nhiên nó không bao giờ được trích dẫn trong sách giáo khoa văn học giảng dạy trong nhà trường Mĩ bởi trong truyện, tác giả đã sử dụng từ “nigger”, một trong những từ phổ biến thời bấy giờ để chỉ những người da màu, mà ngày nay “nigger” bị coi là một từ miệt thị, mang sắc thái phân biệt chủng tộc.
Ở thời kỳ bấy giờ, từ “nigger” không hề có ý nghĩa miệt thị chủng tộc, nó được dùng rộng rãi khắp nơi trên đất Mĩ nhưng giờ đây khi phong trào đòi bình quyền giữa các dân tộc sống trên đất Mĩ ngày càng được quan tâm và trở nên gay gắt thì cuốn sách đã bị “vạ lây” và đành để mất chỗ đứng danh giá trong nền văn học chính thống giảng dạy trong nhà trường. Tuy vậy, theo thống kê, vấn đề nhỏ này không làm ảnh hưởng tới niềm yêu thích của tuổi trẻ Mĩ dành cho cuốn sách. Hầu như em nhỏ nào cũng từng đọc tác phẩm này ít nhất một lần.
The Book of Mormon
(Cuốn sách của người đàn ông đa thê)
Cuốn sách này cũng liên quan khá nhiều tới chủ đề tôn giáo và dường như những gì liên quan tới tôn giáo thì dễ dàng gây ra những cuộc tranh luận bởi nó chính là đức tin của con người. Trong sách, tác giả thể hiện nguyện vọng muôn đời của đàn ông là được lấy nhiều vợ. Tác giả cuốn sách, Joseph Smith khao khát chế độ đa thê quay trở lại nhưng luật pháp Mĩ không cho phép điều này, vì vậy ông đã nghĩ ra một thứ tôn giáo mới và đưa vào đó những câu trích dẫn của Kinh thánh những mong biến thứ tôn giáo này thành một dòng chính thống ở Mĩ để đàn ông có thể được đa thê.
Thứ đạo này tin vào những điều kỳ quái, siêu thực. Nó dựng lên trên cái nền là Thiên Chúa giáo và dẫn giải về những điều không tưởng, thiếu xác thực về cuộc đời của Chúa khiến nó bao trùm trong một màu sắc huyền hoặc và phi lý.
The Catcher in the Rye
(Bắt trẻ đồng xanh)
Đây là một trong số những sách tuy nổi tiếng nhưng vẫn bị cấm đưa vào trong giáo dục chính thống của nhà trường Mĩ. Tác giả Salinger đã rất táo bạo khi xuất bản sách năm 1951 với rất nhiều trường đoạn miêu tả cảnh nóng, những lời tục tĩu và bản chất nổi loạn cùng những trò tiêu khiển tai hại của tuổi trẻ. Đây là một trong những sách gây nhiều tranh cãi nhất trong năm 2005 khi nhiều nhà cải cách giáo dục cân nhắc đưa sách vào giảng dạy trong nhà trường nhưng những vị phụ huynh cẩn trọng đã phản đối quá mạnh mẽ nên nó vẫn thuộc thể loại sách văn học “ngoài luồng” dành cho tuổi vị thành niên.
The God Delusion
(Ảo tưởng về Thượng Đế)
Những người vô thần tôn vinh cuốn sách này, những người hữu thần nhạo báng cuốn sách, rất ít người có thể đứng ở phe trung lập sau khi đọc xong cuốn Ảo tưởng về Thượng Đế. Đó có lẽ là mục đích của tác giả Richard Dawkins. Ảo tưởng về Thượng đế thực sự là một cuốn khảo luận gây nhiều tranh cãi về chủ đề thần học cho tới hôm nay. Trong cuộc tranh cãi đó, đúng sai vẫn chưa được phân định nhưng có một điều chắc chắn là mức độ thành công trên thị trường của nó rất lớn, với hơn 2 triệu bản đã được bán ra.
Dawkins tấn công mạnh mẽ vào tôn giáo, coi đó là những ảo tường huyền hoặc do con người tự vẽ ra. Trên đời này làm gì có thần thánh nào, chỉ có những giai đoạn mà con người vì cuồng đạo và vẽ ra những hình hài để rồi lấy đó mà thờ phụng thôi. Ông sử dụng lý luận logic để phá hủy niềm tin của con người về các thể loại tôn giáo, thánh thần và sau đó ông bàn luận tới vấn đề đạo đức, vốn đi liền với tôn giáo.
Dawkins là một trong ba nhà văn chuyên viết về đề tài tôn giáo với những nghiên cứu và lý luận đanh thép. Hai người còn lại là Sam Harris và Christopher Hitchens, họ bị những người sùng đạo Thiên Chúa coi là bộ ba vô đạo. Đó là một tội lớn đối với những người theo đạo, tội sống không có đức tin.
If I Did It: Confessions of a Killer
(Nếu tôi làm như thế: Những lời thú nhận của kẻ giết người)
O.J. Simpson người viết ra cuốn sách này trong quá trình tranh tụng kéo dài nhiều năm để chứng minh mình vô can trong vụ án mạng mà nạn nhân là vợ cũ của Simpson cùng bạn trai mới của cô. Cuốn sách về sau bị đình bản nhưng trước đó 400.000 bản đã được bán ra.
Tác giả cuốn sách, Simpson bị cáo buộc đã sát hại vợ cũ và bạn trai của cô, nhưng anh ta khăng khăng rằng mình vô tội. Trong suốt quá trình điều tra kéo dài hơn 10 năm, Simpson đã cho ra cuốn sách trong đó khẳng định rằng mình không giết hại hai nạn nhân kia. Tuy vậy, Simpson lại đặt mình vào địa vị của kẻ sát nhân, tưởng tượng ra nếu mình là hắn thì sẽ hành động như thế nào.
Khi cuốn sách được xuất bản năm 2006, nhà xuất bản vẫn có cớ để tin rằng Simpson vô tội vì kết luận cuối cùng từ toà án vẫn chưa được đưa ra. Vì mức lợi nhuận hứa hẹn, nhà xuất bản đã ca ngợi trí tưởng tượng, tài lập luận, và những giả định mà Simpson đưa ra là vô cùng hoàn hảo như một nhà trinh thám đại tài.
Sách được bán rất chạy nhưng sau đó một năm, Simpson chính thức bị buộc tội giết người vì toà án đã tìm ra những bằng chứng thuyết phục để kết luận, ngay lập tức sách bị đình bản. Nhà xuất bản đã rất khôn ngoan và biến cuốn sách này sang dạng tự truyện và để một nhà văn khác viết lại thành những lời tâm sự của kẻ sát nhân.
The Prince
(Hoàng tử)
Tác phẩm đỉnh cao của Niccolo Machiavelli đã phải chịu rất nhiều điều tiếng trong hàng thế kỷ bởi nó cổ vũ cho chính quyền chuyên chế. Machiavelli nhận định rằng nhà cầm quyền nên được lòng dân chúng. Nhưng một nhà cầm quyền được lòng mọi tầng lớp nhân dân là điều không thể. Có một dạng thức thứ hai của Nhà nước là sử dụng chính quyền chuyên chế, có đủ uy quyền để khiến mọi tầng lớp đều phải kính sợ mà tuân theo. Và đa số các chính thể đều thuộc dạng thứ hai.
Cuốn sách này mang ý nghĩa triết học nhiều hơn là chính trị, nó ủng hộ tinh thần tự lực tự cường của con người. Nhưng cuốn sách nhiều khi đưa đến những luận điểm cực đoan kiểu như ta không cần giúp ai cả bởi tạ tự giúp mình, và người khác cũng phải tự giúp lấy bản thân họ. Tự lực tự cường là một trong số những học thuyết cơ bản của dòng đạo thờ phụng quỷ Sa-tăng. Những người phê phán cuốn sách thường vin vào đó để phủ nhận giá trị của tác phẩm.
Những nhà phê bình đương thời phỉ báng cuốn sách bởi nó phản lại ý tưởng về người lãnh đạo toàn thiện toàn mĩ, phản lại chủ nghĩa anh hùng cá nhân. Thay vào đó nó xây dựng nên hình ảnh của một nhà nước chuyên chế với những công cụ bạo lực trấn áp. Tuy vậy, dưới ánh sáng khoa học hiện đại, đây vẫn là tác phẩm đầu tiên đánh dấu thời kỳ mở ra dòng lý luận triết học và chính trị hiện đại.
The Holy Bible
(Kinh thánh)
Không có cuốn sách nào được xuất bản nhiều, dịch ra nhiều thứ tiếng và gây ra nhiều tranh lunậ hơn Kinh thánh của đạo Thiên Chúa. Kinh thánh luôn là đầu sách được in ấn và lưu hành rộng rãi nhất trên thị trường và đã được dịch sang 2.400 thứ tiếng trong tổng số hơn 6.900 thứ tiếng trên thế giới.
Chính vì được dịch sang quá nhiều thứ tiếng và trong quá trình chuyển tải từ ngôn ngữ gốc sang ngôn ngữ đích sẽ có độ lệch nhất định mà những cuộc tranh cãi kéo dài về cuốn sách đã từng xuất hiện rất nhiều trong lịch sử. Từ đó những nhà hữu thần, vô thần, những nhà nghiên cứu Thiên Chúa giáo, Hồi giáo, Do Thái giáo… bắt đầu “tham chiến”. Nếu người này muốn chứng minh luận điểm của người kia sai, họ sẽ phải nghiên cứu cái nền lý luận của đối thủ và vì thế Kinh thánh luôn được tìm mua, một phần để đáp ứng nhu cầu của các tín đồ đông đảo, một phần để đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu.
Trong lịch sử nước Mĩ, những nhà lập pháp đầu tiên đã lấy Kinh Thánh ra làm chuẩn mực lập nên các đạo luật và giải quyết những vấn đề xã hội theo tinh thần của Chúa được thể hiện trong Kinh Thánh. Vì vậy, Kinh Thánh còn được coi là cái nền sinh ra Hiến pháp Mĩ.
Bên cạnh đó những cuộc tranh cãi muôn thuở về vấn đề đạo đức cũng thường liên quan tới Kinh Thánh, những nhà triết học trước đây thường trích dẫn lời của những người nổi tiếng nhưng từ khi có sự ra đời của Kinh Thánh, người ta trích dẫn từ nguồn này nhiều hơn bất kỳ nguồn nào khác. Bên cạnh đó, Kinh Thánh còn mang ý nghĩa chính trị vì nhiều khi để tiến hành một động thái chính trị, kinh tế nào đó, người ta viện tới những lý do trích dẫn từ Kinh Thánh.
Theo DTO
Bình luận (0)