Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Những “cựu giang hồ” ở “xóm hoàn lương”

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Mấy chục năm trước, họ một thời lầm lỡ, nuôi thân bằng cái nghề bị xã hội khinh rẻ, rồi được đưa vào trại phục hồi nhân phẩm 05-06. Nay họ đã rũ khỏi bùn đen, xây đắp hạnh phúc bằng chính sức lao động của mình, đoạn tuyệt hoàn toàn với quá khứ.

Quá khứ đã ngủ yên 
Phải vài lần hẹn chúng tôi mới gặp được họ. Họ quá bận đi rừng, làm rẫy. 
Từ trung tâm TP Đà Nẵng ngược về phía tây bắc khoảng 20km đến UBND xã Hòa Bắc, từ đây phải vòng vèo qua nhiều con đường nhỏ rồi vượt sông Cu Đê trên con đò mỏng manh, tiếp tục gập ghềnh lên đèo xuống dốc vài cây số nữa, xóm Bàu Bàng, thôn Lộc Mỹ nằm lọt bốn bề núi non đã hiện ra trước mắt. 
Cách đây hơn 20 năm, những người đã một thời lầm lỡ từ trại 05-06 ra đi nhưng không thể trở về quê hương vì nỗi mặc cảm với bà con dòng họ nên xin địa phương ở lại và thành lập nên xóm Bàu Bàng, thôn Lộc Mỹ, xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) này. 
Chị Hà Thị Thu Thủy, năm nay đã được 55 tuổi, là một trong những người ra trại đầu tiên, kể về cuộc đời mình: “Bây giờ già rồi chứ hồi con gái trong đám “giang hồ” Đà Nẵng tôi là “hoa khôi”, khối anh chết mê chết mệt. Vì không cha mẹ, nhà cửa nên sống lang bạc rồi bán thân nuôi miệng và vướng vào nghiện ngập. Năm 1979 bị bắt vào trại, đến năm 1983 được thả ra làm công nhân, sau đó bỏ làm công nhân và tiếp tục con đường cũ và bị bắt vào trại phục hồi nhân phẩm. Đến năm 1990, lập gia đình trong trại và ra ngoài đời ở luôn xóm này từ đó đến nay”. 
Khi mới ra được cán bộ cấp cho 6 tháng lương thực và mùng mền chiếu, hai vợ chồng dựng túp lều ở gần trại và làm thuê sống qua ngày. Thời gian dành dụm, vợ chồng chị mua được nhà nhưng kiếm mụn con mà không có. Đến năm 2001, chồng chị bệnh nặng nên qua đời, giờ chỉ còn mình chị côi cút trong nhà. 
Hầu hết những thành viên ở “xóm hoàn lương” đều thành vợ chồng từ trong trại. Ai có nhu cầu kết hôn đều được cán bộ trại tổ chức rồi cho ra, trả lại cuộc sống tự do sau khi đã hoàn thành thời gian cải tạo để những người có một thời lạc lối sống cuộc sống ý nghĩa hơn. 
Theo lời kể của chị em ở đây, đợt ra trại đầu tiên có 20 gia đình. Vì không biết đi đâu nên họ cùng dắt nhau về đây nương tựa để sống qua ngày nhưng hồi đó ở đây hoang vu lắm, người không có, xung quanh chỉ toàn là rừng với rừng. Các chị che tạm túp lều, sau đó kiếm công việc làm thuê, làm mướn hay đi rừng hái củi bán sống tạm qua ngày. 
Chúng tôi tìm đến nhà chị Trần Thị Phúc mà không gặp, hàng xóm nói chị đã đi làm thuê từ sáng sớm. Phải băng một quãng đồng xa, chúng tôi mới gặp chị cùng các chị em khác trong “xóm hoàn lương” đang làm cỏ thuê. Chị Phúc là người lớn tuổi nhất trong xóm nên được bầu làm “xóm trưởng”. 
Quệt những giọt mồ hôi trên trán, chị kể: “Tôi năm nay 57 tuổi, quê ở Điện Bàn, Quảng Nam, vì hoàn cảnh gia đình không có cha mẹ nên theo bạn bè xấu sa ngã vào con đường cạm bẫy của xã hội và trở thành “gái làng chơi” nổi tiếng”. 
Năm 1979 bị bắt vào trại 05-06, những năm trong trại chị đã nghiền ngẫm cuộc đời, quyết chia tay với quá khứ và làm lại cuộc đời. Ở trại chị quen và yêu anh Nguyễn Văn Tài cùng hoàn cảnh, sau khi cưới nhau được cán bộ cho ra trại và cùng các chị em khác lập xóm và sinh sống từ đó đến nay. 
Năm 1999, chồng chị đau nặng nên qua đời, để lại cho chị một đứa con gái năm nay cũng đã lập gia đình, có 2 con và đang làm công nhân ở KCN Hòa Khánh. Hiện chị làm thuê một ngày cũng được 40-50 ngàn đồng đủ sống qua ngày, cuối tuần con gái dẫn cháu về chơi với bà ngoại, đó là niềm hạnh phúc của chị Phúc lúc này. 
Dù khác nhau về gốc gác, quê quán nhưng hầu hết những người ở “xóm hoàn lương” này có một điểm chung là: Có một quá khứ giang hồ, được lập gia đình cùng một ngày, được ra trại cùng một ngày và cùng dừng chân tại đây vì không biết đi đâu. 
“Rổ rá cạp lại”, đó là câu nói mà khi tiếp xúc với người dân ở đây, chúng tôi được nghe nói nhiều. 
Chị Lê Thị Thủy quê tận Hà Tĩnh, dù đã trên 50 tuổi nhưng nét xuân vẫn còn phảng phất trên gương mặt. Vào trại năm 1980, thời gian ở trại chị gặp và yêu anh Trần Văn Tuấn (56 tuổi, quê Thừa Thiên – Huế). Năm 1986, hai vợ chồng chị được trại tổ chức cưới tập thể cùng với các cặp vợ chồng khác rồi cũng ở lại đây lập nghiệp và sinh được 4 người con, 2 trai 2 gái. Khi chúng tôi đến nhà thì trời đã đứng bóng, chị mới vừa đi làm về lo cơm nước, chồng chị vẫn còn đi rẫy chưa về. 
Rón rén ngồi xuống ghế, chị cho biết cuộc sống bây giờ cũng đỡ, các con của chị biết chăm lo học hành, vợ chồng của chị bây giờ lo làm ăn kiếm tiền cho mấy đứa nhỏ đi học. 
Khác với những gia đình khác vợ chồng đều kết hôn từ trong trại, anh Nguyễn Đình Phú (42 tuổi, trú tổ 2) vào trại năm 1982 và ra trại năm 1992. Anh Phú là người thành phố chính gốc, có hộ khẩu ở phường Khuê Trung (Cẩm Lệ) nhưng khi cha mẹ mất anh bỏ nhà lang thang và vướng vào trộm cắp, nghiện ngập. 10 năm trong trại là quãng thời gian anh suy nghĩ những việc làm của mình và quyết chí trở thành người tốt. Khi ra trại anh lấy chị Nguyễn Thị Kim Anh là người ở thôn làm vợ, nay anh chị đã có 4 cháu. 3 đứa lớn đều đã đến trường. 
Hiện nay vợ chồng anh Phú cũng làm thuê làm mướn nuôi con ăn học, ai kêu gì làm nấy, hết việc mùa màng thì lên núi hái củi đi bán. Trong nhà cũng đủ đầy. 
Xã hội ngày nay cũng cởi mở hơn với những người đã một thời lầm lỗi nay trở lại với cuộc sống hoàn lương. Câu chuyện cảm động của anh Nguyễn Văn Sáu và chị Bùi Thị Sĩ là một ví dụ. Anh Sáu là một thanh niên từ TP Đà Nẵng lên làm kinh tế mới và gặp và yêu chị Sĩ, mặc dù bị người thân phản đối vì chị đã “lấm bụi trần” nhưng bằng tình yêu chân thành, anh chị đã đến với nhau và có cuộc sống tạm ổn. Nhờ biết làm ăn nên anh Sáu được mọi người ở đây bầu làm phó trưởng thôn phụ trách kinh tế. 
“Nhờ chính quyền nên chúng tôi mới có ngày hôm nay”
Khi tiếp xúc với những gia đình ở “xóm hoàn lương” này, đa số họ đều cho rằng có được cuộc sống như hôm nay tất cả đều nhờ vào chính quyền địa phương. Chị Lê Thị Thủy cho biết trước đây khi mới ra trại toàn bộ dân đều nghèo khổ, nhà cửa chỉ che tạm bằng tranh tre. Sau này, nhờ chính sách xóa nhà tạm nên gia đình chị vay 8 triệu sửa sang lại căn nhà này. “Hồi xưa, sợ nhất là đi làm xa mấy đứa nhỏ ở nhà bất cẩn lửa củi dễ cháy nhà” – chị Thủy tâm sự. Rồi được hội phụ nữ xã giúp vốn mua trâu về nuôi, tăng gia sản xuất với đàn heo đàn gà… 
Còn chị Hà Thị Thu Thủy cho biết: “Nếu không có chính quyền địa phương giúp đỡ, chúng tôi đã trở lại con đường cũ rồi. Mưa gió, đau ốm chính quyền thôn, xã đều chăm lo cho người dân ở đây”. Chị Thủy kể, mấy trận đau thừa sống thiếu chết nhưng được sự giúp đỡ của bà con trong thôn và chính quyền địa phương nên chị mới còn sống đến ngày hôm nay. 
Khi ra lập xóm, không ai có bà con thân thích ở gần nên tình cảm của mọi người rất gắn bó đoàn kết với nhau, người ra trước giúp người ra sau. Bữa cơm, bữa cháo đùm bọc, bảo ban nhau làm ăn phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống. “Nói chung là cuộc sống được như thế này là tốt lắm rồi” – chị Thủy nói. 
Từ sự giúp đỡ của các cấp chính quyền địa phương, đa số các gia đình ở đây đã xóa nhà tạm, vay được vốn nuôi trâu bò, từ trước đến nay đã có hàng chục chị trong xóm được vay vốn làm ăn. Bà Ngô Thị Nhàn, Phó Chủ tịch xã Hòa Bắc cho biết: Đa số các hộ trong “xóm hoàng lương” đã được xóa nhà tạm, còn một hộ chị Võ Thị Lực là chưa xóa được nhưng sắp tới sẽ tổ chức đêm văn nghệ quyên góp các nhà hảo tâm rồi xây nhà cho chị luôn. 
Ngoài sự quan tâm hỗ trợ, chính quyền xã còn động viên tuyên truyền để chị em chấp hành tốt chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, đóng góp quyền lợi và nghĩa vụ cho địa phương, vươn lên trở thành người tốt cho xã hội. Các ngày lễ tết các chị đều nhận được quà của địa phương. 
Giờ đây khi nói về quãng đời đã qua, họ có thể nói chuyện thanh thản nhẹ lòng, không còn mặc cảm với quá khứ và quan trọng nhất là để nhắc nhở nhau rằng cuộc sống không phải lúc nào cũng tối tăm mà sống phải biết đến những gì tốt đẹp và hướng đến tương lai. 
Công Bính (dantri)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)